1 ảnh GIF cho thấy vì sao Apple AirPods nghe tệ hơn mà doanh số vẫn đè bẹp tất cả Sony, Samsung, Sennheiser, Xiaomi.... cộng lại

    CL,  

    Không khó để nhìn ra điểm thua kém tệ hại của AirPods so với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng chỉ Apple mới đủ tỉnh táo để nhìn ra được, không phải thứ gì hiển nhiên cũng đều thuận theo người dùng.

    Bất chấp vai trò đặc biệt đối với cuộc cách mạng nhạc số vào đầu thế kỷ 21, Apple chưa bao giờ là một hãng sản xuất thiết bị âm thanh thực thụ. Nếu xét về chất lượng âm thanh, khi nhắc đến Apple chắc chắn bất kỳ một "audiophile" nào cũng sẽ cười khẩy – Apple không thể sánh nổi với Sony,  Sennheiser hay thậm chí là Samsung (gã khổng lồ Hàn Quốc đã mua lại HARMAN, tập đoàn lớn bao gồm cả AKG và JBL).

    Nhưng thực tế cho thấy các tên tuổi khác không hề có cửa sánh với Apple về doanh số. Dựa theo báo cáo của CounterPoint Research trong quý 2, Apple chiếm ngôi vị tuyệt đối của làng True Wireless với 53% tổng lượng tai TW bán ra. Đứng ở vị trí thứ 2 là Galaxy Buds, lựa chọn tai nghe vốn được Samsung... tặng kèm Galaxy S10 trên nhiều thị trường. Các model khác thậm chí còn không đạt nổi 4% thị phần, bao gồm cả những sản phẩm có giá thành rẻ mạt như Xiaomi Redmi AirDots (~13 USD, tức chưa bằng 1/10 giá bán AirPods).

    Tại sao lại có nghịch lý này? Bạn hãy xem bức ảnh GIF dưới đây:

    1 ảnh GIF cho thấy vì sao Apple AirPods nghe tệ hơn mà doanh số vẫn đè bẹp tất cả Sony, Samsung, Sennheiser, Xiaomi.... cộng lại - Ảnh 1.

    Nuột chưa?

    Có một điều đặc biệt về bức ảnh GIF này: trước AirPods, không có một chiếc tai nghe nào từ Sony, Sennheiser, Samsung hay Xiaomi có thể kết nối một cách "nuột" như vậy cả. Ngay cả NFC, dù mang danh là "một chạm", cũng vẫn đòi hỏi người dùng phải mở trong cài đặt và phải "áp" đúng vị trí chứa con chip. Ngay đến cả bây giờ, phần lớn tai nghe True Wireless vẫn đòi hỏi người dùng phải mở ứng dụng Settings, "kết đôi" Bluetooth rồi mới sử dụng được. 

    Giải pháp của Apple: không cần bất kỳ kết nối mới lạ nào, chỉ dùng Bluetooth tính toán vị trí và tốc độ di chuyển của hộp tai nghe so với iPhone để tự động ghép đôi. Ngay sau khi AirPods ra đời, các hãng khác bèn vội vã học cách kết nối này, tai nghe "nhái" cũng học cách kết nối của nhà Táo. Họ học được một bài học đơn giản từ Táo: đặt trải nghiệm lên trên hết, rồi sẽ biết cách sáng tạo mà KHÔNG gây khó cho người dùng.

    3 năm sau nhìn lại, cái cách kết nối của AirPods vẫn cứ "nhiệm màu" và khác biệt như ngày nào. Nếu đã từng kết nối Bluetooth theo cách thông thường – tức là cách nhiều bước Settings, bạn chắc hẳn sẽ hiểu cảm giác khác biệt của lần đầu ghép đôi AirPods.

    1 ảnh GIF cho thấy vì sao Apple AirPods nghe tệ hơn mà doanh số vẫn đè bẹp tất cả Sony, Samsung, Sennheiser, Xiaomi.... cộng lại - Ảnh 2.

    Vẫn chỉ là Bluetooth thôi, sao mãi về sau các hãng tai nghe đi trước mới có thể tạo ra trải nghiệm ghép đôi đơn giản và "nuột nà" như AirPods?

    Sự khác biệt ấy cũng làm nên thành công của AirPods, bất chấp ngày càng có nhiều đối thủ xuất hiện với chất âm vượt trội hơn hay mức giá hấp dẫn hơn. Apple đơn giản là không theo đuổi chất âm hay mức giá. Từ góc nhìn của Apple, người dùng cần trải nghiệm nghe nhạc không vướng bận hơn là cần chất lượng nhạc phát ra. Cũng từ góc nhìn của Apple, sẽ luôn luôn có những người bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn để nhận lấy một trải nghiệm sử dụng hoàn hảo. Từ khâu kết nối cho đến khâu sử dụng (tự ngắt nhạc khi bỏ khỏi tai), từ chất lượng microphone cho đến thời lượng pin trên trọng lượng, với Táo, tất cả đều phải hoàn hảo. 

    Những kẻ khác bỏ qua những yếu tố ấy để chạy theo chất lượng âm thanh hay giá bán. Nhưng rồi những con số vẫn lại luôn đứng về phía nhà Táo. Những con số vẫn luôn khiến các antifan phải đau đầu suy nghĩ. Làm sao mà, thậm chí còn chẳng phải in-ears mà chỉ là earbuds mà AirPos vẫn có thể mang về cho Apple tới 8 tỷ USD mỗi năm và chiếm lấy quá nửa thị trường?

    Đơn giản thôi, bởi kẻ ghét Táo thì sẽ luôn nhìn thấy (và nhìn rất đúng) những điểm yếu của AirPods. Họ chỉ không nhìn được thị trường dưới con mắt của một tập đoàn đã nhiều lần nhìn ra người dùng thực sự cần gì. Và bởi thế, họ tiếp tục tạo ra, tiếp tục tung hô những chiếc True Wireless thường xuyên đứt kết nối một bên, những chiếc Bluetooth ghép đôi đòi hỏi đến cả chục lần nhấn... Vị trí dẫn đầu, hiển nhiên được để dành cho nhà Táo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày