10 năm smartphone: Biến Apple thành công ty nghìn tỷ, đẩy thị trường máy ảnh xuống vực và khiến nhiều người thành "nô lệ mạng xã hội"

    du lam, theo ictnews 

    iPhone ra đời năm 2010 mở đầu kỷ nguyên smartphone làm "bá chủ" thị trường di động, kéo theo không ít biến động cho bức tranh công nghệ nói chung.

    Khi iPhone đầu tiên ra đời năm 2007, không ai nghĩ rằng nó sẽ thay thế được điện thoại nắp gập. Khi Android ra đời một năm sau đó, BlackBerry dường như vẫn có tương lai tươi sáng.

    Tuy nhiên, iPhone 4 năm 2010 xuất hiện, sở hữu thiết kế bóng bẩy, camera trước, màn hình độ phân giải cao, thị trường di động đã được an bài. Điện thoại thông minh chính thức khởi đầu kỷ nguyên của mình. Dưới đây là những cách smartphone ghi dấu ấn trong 10 năm qua.

    10 năm smartphone: Biến Apple thành công ty nghìn tỷ, đẩy thị trường máy ảnh xuống vực và khiến nhiều người thành nô lệ mạng xã hội - Ảnh 1.

    Kết nối mọi nơi

    Cuối thập kỷ, khoảng 5 tỷ smartphone đang được sử dụng trên toàn cầu, theo Canalys Research. Tổng số thuê bao Internet tăng vọt lên 7,2 tỷ từ 1,3 tỷ năm 2010, phần lớn là thuê bao di động, theo Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Sự bùng nổ diễn ra nổi bật nhất tại các nước đang phát triển, nơi kết nối di động còn nhiều hơn tổng số dân.

    Liên minh công nghệ

    Apple, từ một công ty máy tính ngách, vươn lên trở thành một trong các doanh nghiệp giá trị nhất thế giới nhờ vào iPhone. 5 công ty công nghệ lớn nhất Fortune 500 chính là Apple, Amazon, Google, Microsoft và Facebook. Cùng nhau, giá trị thị trường của liên minh này là 4,7 nghìn tỷ USD so với 800 tỷ USD của top 5 trong năm 2010. Tất nhiên, không phải ai trong 5 cái tên này cũng sản xuất điện thoại nhưng nhờ vào dịch vụ, công nghệ liên quan tới di động, nền kinh tế thế giới có thêm gần 4 nghìn tỷ USD trong năm 2018, theo Hiệp hội GSM.

    Ứng dụng

    Dù đặt xe, gọi đồ ăn, chơi game, hẹn hò, nghe nhạc, mua sắm… chúng ta đều dùng ứng dụng, thứ chưa tồn tại vào năm 2010. Phần lớn ứng dụng phổ biến đều miễn phí nhưng người dùng vẫn dự kiến chi hơn 120 tỷ USD cho chúng trong năm 2019, theo thống kê của hãng phân tích App Annie.

    Bảng tin

    Theo Nielsen, trung bình, bảng tin Facebook, Instagram hay Twitter và các mạng xã hội khác tốn 34 phút của mọi người trưởng thành Mỹ mỗi ngày. Ngày càng ít người ngồi xem truyền hình trực tiếp hơn và các nhà quảng cáo đã "đánh hơi" thấy điều đó. Chi tiêu cho quảng cáo di động vượt TV lần đầu tiên trong năm 2018 xét theo thị phần tại Mỹ, theo eMarketer. Nhờ có smartphone, thế hệ những người có ảnh hưởng trên Internet, tin giả mạo hay bắt nạt qua mạng cũng ra đời.

    Nhiếp ảnh di động

    Theo Hiệp hội sản phẩm hình ảnh và camera (CIPA), doanh số máy ảnh kỹ thuật số rơi từ đỉnh 121 triệu máy năm 2010 xuống còn 19 triệu máy năm 2018. Trong khi đó, điện thoại trang bị 4 ống kính và công nghệ tối tân giúp mọi người chụp ảnh đẹp hơn nhiều. Camera trước cũng được tận dụng triệt để. Theo Google, có 93 triệu bức ảnh tự sướng được chụp trên thiết bị Android hàng ngày.

    Tôi ở đâu?

    Công nghệ định vị vệ tinh (GPS) kết hợp với thông tin từ trạm phát sóng và mạng Wi-Fi đã khiến smartphone trở thành thiết bị theo dõi vô cùng mạnh mẽ. Google Maps và các ứng dụng bản đồ khác giúp người có thị lực kém tìm được đường ở những nơi xa lạ.

    Tuy nhiên, với người quan tâm tới quyền riêng tư, đây lại là một thảm họa: các hãng điện thoại và nhà sản xuất ứng dụng theo dõi từng chuyển động của người dùng và bán dữ liệu cho nhà quảng cáo. Mảng kinh doanh này mang về 20 tỷ USD/năm. Dù dữ liệu ẩn danh nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy hoàn toàn xác định được ai là ai. Gần 50% các công ty được Verizon khảo sát năm nay đã sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng công cụ quản trị smartphone để theo dõi nhân viên của mình.

    Tra cứu

    Wikipedia, cuốn từ điển bách khoa trực tuyến, sẵn sàng cho bạn tra cứu bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Nó được xem 240 triệu lần mỗi ngày.

    Phân tâm tới chết

    Năm 2018, chỉ riêng tại Mỹ dã có 2.628 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do tài xế phân tâm và trong số này, khoảng 13% liên quan tới sử dụng điện thoại di động, theo Ủy ban An toàn giao thông cao tốc quốc gia.

    Quên ví

    Apple Pay và Google Pay chưa phổ biến với hầu hết người dùng Mỹ nhưng tại Trung Quốc, người dân đã có thói quen không mang ví ra ngoài từ lâu. Alipay và WeChat Pay, hai ứng dụng thanh toán lớn nhất nước, có tỉ lệ sử dụng hơn 80% kể từ khi ra mắt đầu thập kỷ. Mã QR được dán trên mọi cửa hàng. Ngay cả ăn xin cũng có mã QR riêng, thậm chí họ từ chối nhận tiền mặt mà chỉ nhận tiền qua ứng dụng.

    Hình thức liên lạc mới

    Các ứng dụng nhắn tin biến gọi video, GIF, emoji, tin nhắn âm thanh trở nên phổ biến hơn. Tại Anh, tổng số phút gọi thoại giảm từ 254 tỷ năm 2013 xuống 206 tỷ năm 2018, số tin nhắn văn bản giảm từ 129 tỷ xuống 74 tỷ trong cùng kỳ, theo Ofcom. Trong khi đó, dữ liệu di động lại tăng gấp 9 lần từ năm 2013 tới 2018. Số emoji có sẵn lên gần 3.000 kể từ năm 2010.


    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày