10 năm trước, PS4 đã cứu Sony khỏi đáy của cuộc chiến console như thế nào
Sau màn trình diễn không mấy thành công với PS3, Sony đã thật sự thay đổi cuộc chiến console với PS4
Sony từng đứng trên đỉnh cao thành công với PlayStation 2, nhưng sự ra mắt của PlayStation 3 không được tốt đẹp cho lắm khi đối đầu với đối thủ chính là Xbox 360.
Xbox 360 của Microsoft ra mắt với giá 299 USD. Sony quyết định ra mắt PS3 với giá từ 499 USD. Khoảng cách giá 200 USD đã góp phần tạo ra sự chênh lệch khá đáng kể về lượng khách hàng khi ra mắt, hệ máy console của Microsoft bán chạy hơn Sony gần như gấp đôi. Nhưng có thể nói kẻ thù lớn nhất của PS3 là chính nó.
Kiến trúc vi xử lý phức tạp đã khiến các nhà phát triển gặp nhiều khó khăn khi tạo game cho nền tảng này. Ví dụ nổi tiếng nhất là việc Rockstar Games phải trì hoãn ra mắt GTA IV, bị đẩy từ tháng 10 sang tháng 4 năm sau vì vấn đề với phiên bản PS3 (và nghĩa vụ theo hợp đồng là phải phát hành đồng thời trên PlayStation và Xbox). Các phiên bản khác nhau của cùng một trò chơi thường cho thấy hiệu suất kém hơn trên PS3, và các nhà phát triển như EA đã nói rằng phát triển game cho PS3 thật sự khó khăn.
PS3 đã khiến danh tiếng của Sony bị tổn hại
Mặc dù cuối cùng, PS3 đã có thể chiến thắng cuộc chiến console với Xbox 360 (87 triệu máy so với 83 triệu của Microsoft), danh tiếng của Sony đã bị vấy bẩn.
Ngược lại, Microsoft đang có được niềm tin từ khách hàng, cũng như sự hỗ trợ từ các nhà phát triển. Do đó, thế hệ console tiếp theo là một canh bạc lớn với Sony, nếu họ tiếp tục cho thấy sự chậm chạp, thì có khả năng sẽ không còn cơ hội chiến thắng Microsoft. Và đó là lúc PlayStation 4 ra mắt.
Một khởi đầu mạnh mẽ
Có thể nói khởi đầu của PS4 hoàn toàn trái ngược với PS3, khi mà trong sự kiện ra mắt tại E3 2013, hệ máy của Sony đã hoàn toàn “knock-out” Xbox One mà Microsoft mang đến bằng hai cú đấm cực mạnh.
Đầu tiên, sau màn giới thiệu máy game nhưng lại tập trung vào nội dung giải trí, Microsoft đã tự “bắn vào chân mình” khi công bố không cho phép chia sẻ đĩa game của Xbox One, điều mà sau này hãng phải rút lại vì bị game thủ phản ứng dữ dội. Sony tung ra “cú đấm” thứ nhất tại E3, họ vẫn cho phép game thủ trao đổi đĩa game mà mình mua như từ trước đến nay.
Tiếp theo, Microsoft công bố mức giá lên đến 499 USD cho Xbox One, sau sự kiện của Microsoft, Sony tung cú đấm thứ hai khi công bố giá cho PS4 là 399 USD, cả hội trường E3 vỗ tay hào hứng.
Và không như Microsoft, Sony vẫn nhớ rằng linh hồn của một máy chơi game không thể là gì khác ngoài các tựa game. Họ đã cố gắng khắc phục sai lầm của PS3, mang đến nhiều game chất lượng nhất có thể.
Nền tảng của những ứng viên Game of The Year
PS3 xứng đáng được ghi nhận vì là hệ máy mà Naughty Dog cho ra mắt những tựa game đỉnh cao như series Uncharted và The Last Of Us, nhìn nhận lại thì đó là nền tảng ban đầu về thể loại game “bom tấn” mang trải nghiệm điện ảnh mà game thủ hiện đang mong đợi từ Sony. Giờ đây, Sony là “vua” của những game bên thứ nhất, do studio của họ tự phát triển và thường sẽ là độc quyền, và cũng là hãng được tin tưởng sẽ mang đến những trò chơi tầm cỡ “Game of The Year”.
Bloodborne (2015)
Sony không lập tức trở thành một đế chế game độc quyền. Hai năm đầu tiên trong vòng đời của PS4 đã mang đến một số trò chơi hay, nhưng không gì có thể tương xứng với những quả bom tấn sau này.
Điều đó đã thay đổi vào năm 2015 với việc phát hành Bloodborne. Được phát triển bởi From Software, tựa game ‘Souls-like’ (game hành động cực khó) này được nhiều người coi là tác phẩm hay nhất của studio (cho đến khi ra mắt Elden Ring). Một kiệt tác mang bầu không khí kinh dị trong bối cảnh gothic, với đầy lối chơi đầy thách thức nhưng vẫn gây nghiện, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, game thủ Xbox phải thèm muốn hệ máy của Sony.
Uncharted 4: A Thief’s End (2016)
Tất cả mọi thứ tốt đẹp cũng sẽ đến hồi kết thúc. Đó là thông điệp của Uncharted 4. Đó là sản phẩm độc quyền lớn nhất mà Sony từng thực hiện và cũng là game thành công nhất của PS4 tính đến lúc đó. Naughty Dog là studio bên thứ nhất nổi tiếng nhất của Sony và cái kết trong cuộc phiêu lưu của Nathan Drake đã giúp nhóm có thêm nguồn lực tập trung vào series The Last of Us.
Uncharted 4 là lời tiễn biệt tuyệt vời cho Nathan Drake, một trò chơi có tất cả những pha hành động hoành tráng, những thước phim tuyệt đẹp, những câu đố trêu ngươi và cách kể chuyện hoàn hảo mà người hâm mộ mong đợi. Kết thúc câu chuyện của Nathan Drake, game thủ nóng lòng mong đợi sản phẩm tiếp theo từ Naughty Dog, nhưng phải một thời gian nữa điều đó mới xuất hiện.
Horizon Zero Dawn (2017)
Đây là tựa game mang đậm chất hành động bối cảnh hậu tận thế và robot thống trị thế giới, với nền đồ họa vẫn rất tuyệt vời cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, nó không chỉ là một game sci-fi vui vẻ. Horizon Zero Dawn muốn tác động đến quan niệm của chúng ta về số phận và đức tin, vạch trần ranh giới mờ nhạt giữa huyền thoại và lịch sử, đồng thời khiến chúng ta suy ngẫm xem mục đích của con người là gì trên hành tinh này. Aloy nhanh chóng trở thành một linh vật mới của Sony.
God of War (2018)
Vừa là hậu bản, vừa là một bản làm lại lối chơi, God of War đã được chứng minh là một trong những tựa game hay nhất của Sony và là một trong những game có quá trình phát triển nhân vật hay nhất trong lịch sử ngành game.
Kratos của các bản God of War trước đó là nhân vật của một thời đại bạo lực tột độ đã qua. Một cái tên bị “vắt sữa” (12 tựa game trên PS2, PSP, PS3 và PS Vita) mà đã qua thời huy hoàng. Santa Monica Studios đã giúp vị thần chiến tranh này đứng lên, thêm chiều sâu và cảm xúc thông qua vai trò của một người cha và một người chồng vừa mất vợ. Vị thần Hy Lạp bạo lực và say mùi trả thù giờ đây đang sống lặng lẽ ở Bắc Âu lạnh lẽo, nhưng những rắc rối vẫn sẽ tìm đến. Kratos không bao giờ có thể thoát khỏi con người thật của mình, nhưng lần này, anh đã làm tốt hơn, và chúng ta cũng cảm thấy con người của mình tốt hơn sau khi kết thúc game.
Marvel’s Spider-Man (2018)
Có lẽ Spider-Man chính là thương hiệu lớn nhất mà ngành game không thể tận dụng được trong suốt nhiều năm, những game Spider-Man trước Insomniac cũng có game tốt, nhưng đa phần là chất lượng kém đúng với cái mác “game ăn theo”. Mãi cho đến năm 2018, hãng Insomniac cho ra mắt game Marvel’s Spider-Man và đã hoàn toàn thay đổi cách mà chúng ta có thể kỳ vọng ở một tựa game về nhân vật này.
Cơ chế dùng tơ trực quan, bản đồ thế giới mở rộng lớn của New York, hàng loạt nhân vật phản diện mang tính biểu tượng, hệ thống chiến đấu cuốn hút, xoay quanh một câu chuyện hấp dẫn. Marvel's Spider-Man có tất cả những điều này.
Ghost of Tsushima (2020)
Các trò chơi thế giới mở đã quá quen thuộc, nhưng Ghost of Tsushima vẫn có thể mang lại cho người những trải nghiệm mới lạ. Sự hùng vĩ của nước Nhật thời phong kiến đã được thể hiện chặt chẽ trong một câu chuyện trả thù ngập tràn các chủ đề về danh dự, di sản và sự hối tiếc. Gameplay sử dụng những chi tiết độc đáo thay cho một bản đồ nhàm chán, như hướng gió để dẫn đường, động vật báo hiệu có địa điểm đáng chú ý gần đó. Đây là tựa game độc quyền cuối cùng của PS4 và là một lời tiễn biệt hoàn hảo cho cỗ máy này.
The Last of Us Part II (2020)
Naughty Dog lại một lần nữa mang đến siêu phẩm. TLoU 2 là một thành tựu phi thường trong thiết kế trò chơi và cách kể chuyện. Những gì bắt đầu như một câu chuyện trả thù quen thuộc, lại xoay chuyển và biến viễn cảnh trở nên ngày càng đen tối. faf
Chiến đấu chặt chẽ, lén lút căng thẳng và một số tình tiết gây tranh cãi đã khiến game thủ bàn tán rất lâu sau khi hoàn tất game. Thành công vượt trội của loạt phim HBO là minh chứng cho thấy series này hấp dẫn như thế nào, và giờ đây chúng ta lại mong đợi những cuộc phiêu lưu mới trên thế hệ console tiếp theo: PlayStation 5.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng