Thời điểm bắt đầu năm mới luôn là dịp thích hợp để ta có thể nhìn lại những gì đã diễn ra trong thế giới công nghệ năm trước, để có cái nhìn khách quan hơn về điều đã diễn ra.
Trong mỗi vầng hào quang công nghệ của năm 2015, luôn có một thất bại kèm theo. Một công nghệ trở nên lỗi thời trước kẻ cạnh tranh tốt hơn (hoặc may mắn hơn). Một công ty suy sụp khi sản phẩm tốt nhất của họ không còn nổi bật. Một mô hình kinh doanh chỉ đơn giản là không còn phù hợp nữa.
Trước khi đón chào các sản phẩm mới của năm 2016, hãy cùng dừng lại vừa điểm qua những sản phẩm và dịch vụ đã “chết” trong năm 2015 (“chết” là khi một công nghệ bị dừng sản xuất, hay kết thúc chu kỳ sản phẩm, vậy nên sản phẩm được sáng tạo lại hoặc vẫn đang phát triển như Google Glass sẽ không được tính ở đây).
1. Sidecar (2012 – 2015) :
Dịch vụ vận chuyển và chia sẻ chuyến đi Sidecar thông báo đóng cửa vào đúng ngày 31 – 12 – 2015. Cho dù đã nỗ lực để khác biệt hóa dịch vụ và bổ sung thêm tính năng, công ty vẫn không thể cạnh tranh về dấu ấn trong tâm trí khách hàng với Uber và Lyft. Các sáng lập viên của công ty đã đưa ra những gợi ý về một sự trở lại trong tương lai, nhưng nhiều khả năng sẽ không phải theo hình thức cũ.
2. Windows RT (2012 – 2015):
Nếu giả sử Windows 8 chưa đủ để coi là một thảm họa thì Windows RT thực sự tệ hơn rất nhiều. Phiên bản rút gọn của Windows 8 này được tạo ra với mục đích làm cho các tablet rẻ hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Tuy nhiên, các tablet của Windows chạy hệ điều hành này nhanh chóng bị ghẻ lạnh do các vấn đề về hiệu suất, thiếu phần mềm hỗ trợ cũng như các rắc rối khác liên quan đến tính tương thích. Việc phát triển hệ điều hành này kết thúc vào năm 2013, và khi Surface 2 bị dừng sản xuất vào tháng Hai 2015, Windows RT chính thức trút hơi thở cuối cùng. Toàn bộ hoạt động hỗ trợ cho Windows RT sẽ chính thức kết thức vào tháng Một năm 2018.
3. Pin tháo được (1954 – 2015):
Trong số các phụ kiện cho đồ điện tử, người dùng luôn phàn nàn về thời lượng pin. Tuy nhiên, ít nhất bạn có thể thay viên pin mới cho để dùng khi cần thiết. Thậm chí, một số người thường xuyên phải di chuyển trong các chuyến công tác đường dài, sẽ luôn theo mang theo bên mình nhiều viên pin laptop để có thể làm việc liên tục.
Tuy nhiên, Apple đã đi đầu trong việc tạo ra các sản phẩm với pin không tháo rời được, điển hình là các phiên bản iPhone và sau đó là Macbook Air, và họ đã không phải hối tiếc vì điều này. Người dùng có càu nhàu một chút, nhưng không ai trong số họ có thể than phiền về trọng lượng và kích thước của thiết bị được hàn kín như vậy.
Ngày nay, không còn sản phẩm nào của Apple còn có chức năng thay thế pin nữa, và cũng không còn nhiều nhà sản xuất đi theo hướng này. Hiện giờ, ngay cả dòng Samsung Galaxy Note, từ lâu đã được biết đến với khả năng có thể thay pin, cũng đã từ bỏ tính năng này. Có lẽ chiếc LG G4 là dòng smartphone chủ đạo duy nhất còn có tính năng này. Có thể coi sản phẩm đó như một ngoại lệ cho thị trường ngách trong năm nay.
4. Internet Explorer (1995 – 2015):
Bạn có thể tin được rằng chúng ta đã phải chịu đựng “Internet Exploder” (người phá hủy Internet) này trong tròn 20 năm nay không ? Được thiết kế để trở thành đối thủ cạnh tranh với Netscape vào năm 1995 – IE đã từng chiếm thị phần lên đến 90% và mãi đến năm 2009, thị phần của trình duyệt này vẫn là 60%.
Sự gia tăng đáng kể của Chrome trong khi thị phần IE ngày càng sụt giảm đã buộc Microsoft tự tay khai tử trình duyệt này. Dù vẫn còn những dòng code bên trong Windows 10, nhưng IE đã bị khai tử một cách không chính thức, khi Microsoft Edge – một trình duyệt hoàn toàn riêng biệt với IE, thay thế trình duyệt này trở thành trình duyệt mặc định của Windows. Microsoft cũng thông báo kế hoạch hạn chế việc hỗ trợ cho IE và đi kèm với đó là các phiên bản cũ hơn của Windows.
5. iPhone 5C (2013 – 2015):
Nhiều sản phẩm chết đi mà không hề được chú ý, nhưng với sự ra đi của iPhone 5C lại thu hút được sự chú ý đặc biệt chỉ bởi vì đó là một sản phẩm của Apple. Có thể xem đây như là thất bại hiếm hoi của hãng này trong thời gian gần đây, và cái chết của sản phẩm này cũng là sự từ bỏ của công ty với một thị trường mà hãng không thể cạnh tranh nổi.
Sau khi hài lòng với sự thống trị ở phân khúc thị trường thiết bị cầm tay cao cấp, iPhone 5C là nỗ lực của Apple nhằm tấn công vào thị trường smartphone cấp thấp. Ra mắt vào năm 2013, và mượn nhiều phần cứng của iPhone 5, nhưng cắt bỏ một số tính năng cao cấp đắt tiền, và vỏ được làm bằng nhựa thay vì vỏ nhôm cao cấp.
Các nhà phê bình và người tiêu dùng đã chỉ trích gay gắt sản phẩm này đến nỗi Apple đã phải lặng lẽ dừng hẳn sản phẩm này trong năm 2015 (dù iPhone 5S ra mắt cùng thời điểm vẫn sống sót).
6. Các hợp đồng điện thoại dài 2 năm (1995 – 2015):
Một trong những khía cạnh xấu xa nhất của các thiết bị điện tử cầm tay – hợp đồng sử dụng hai năm – đang sắp đi đến hồi kết. T-Mobile đã loại bỏ loại hợp đồng này vào năm 2013. Năm sau đến lượt Verizon và Sprint. Ngày 8 tháng Một tới đây, AT&T trở thành nhà mạng lớn cuối cùng của Mỹ thông báo sẽ chấm dứt cung cấp loại hợp đồng này.
Cùng với việc kết thúc loại hợp đồng này, các nhà mạng cũng đồng thời chấm dứt việc cung cấp phần cứng với giá rẻ. Nghĩa là giờ người dùng Verizon sẽ phải bỏ ra 950$ để mua một chiếc iPhone 6S Plus mới, một cái giá có thể khá cao cho một chiếc điện thoại, và các khoản phí sử dụng hàng tháng vẫn giữ nguyên như trước đây. Tuy nhiên, giờ người dùng có thể tự do chuyển đổi giữa các nhà mạng cũng như rõ ràng hơn về các khoản phí họ đang phải trả.
7. Điện thoại Amazon Fire (2014 – 2015):
Trước khi ra mắt điện thoại Amazon Fire, có lẽ Jeff Bezos là người đàn ông hiếm hoi trên thế giới này chưa từng bị cản bước bởi thị trường nào. Sau khi tham gia vào ngành xuất bản, bán lẻ, và điện toán đám mây, Amazon bước chân vào ngành công nghiệp điện thoại năm 2014 với chiếc smartphone đầu tiên của mình.
Nhưng đó có thể là chiếc cuối cùng.
Đây không phải là ý tưởng tồi : chiếc điện thoại Fire Phone được thiết kế để tích hợp với các dịch vụ bán lẻ khác nhau và làm cho các thành viên của Amazon Prime tận dụng dễ dàng hơn lợi thế dịch vụ của mình, cũng như được đi kèm với các tính năng của điện thoại Android. Nhưng với một chiếc điện thoại tập trung vào các nội dung đa phương tiện, chiếc Fire Phone này trở nên quá phức tạp, và các tính năng độc đáo của nó không hoạt động tốt. Sau một đợt giảm giá lớn vài tháng sau khi ra mắt, Amazon cũng chấm dứt việc cung cấp tiếp sản phẩm này.
8. RadioShace (1921 – 2015):
Nếu bạn cần cáp điện thoại, một máy nhắn tin hay một số điện trở vào năm 1985, bạn sẽ cần biết nơi này : Radio Shack.
Một công ty với lịch sử dài của những lần thập tử nhất sinh trong suốt thời gian từ khi thành lập đến nay. Sau cuộc khủng hoảng vào cuối những năm 1990, công ty này trở thành nạn nhân của sự tiến bộ, và đã không bao giờ có thể hồi phục. Nỗ lực định vị lại thương hiệu này của Hail Mary vào năm 2014 để thu hút các nhà sản xuất, cũng như cố gắng thu hút mọi người bằng cách “ja hóa” tên gọi của các cửa hàng là “The Shack” đều đã không mang lại hiệu quả.
Năm 2015, RadioShack tuyên bố phá sản, 94 năm sau lần mở cửa đầu tiên. Một nửa số cửa hàng còn lại được bán cho Sprint, nửa còn lại sẽ bị ngừng hoạt động.
9. Windows Media Center (2002 – 2015):
Từng có một thời, suy nghĩ phổ biến về chiếc PC là một thiết bị giải trí trung tâm cho hộ gia đình. Do vậy, mỗi bộ PC thường đi kèm với màn hình rộng, bộ lưu trữ phim, nhạc và chương trình TV trên các ổ cứng lớn, và thậm chí có một bản điều khiển từ xa kết nối với máy tính.
Windows Media Center là hiện thân của ý tưởng này, được ra mắt như một phiên bản đặc biệt của Windows XP khi hệ điều hành trở nên phổ biến trên các máy tính PC. Với một bộ điều khiển TV, phần mềm Media Center trên máy tính có thể tạm dừng và tua lại các chương trình TV.
Vấn đề duy nhất với hệ thống này : không ai muốn một chiếc TV trên bàn làm việc của họ và không ai muốn đặt một chiếc PC giữa phòng khách. Đến năm 2009, Microsoft dừng phát triển Media Center, cho dù đã đầu tư cho phần mềm này trong hơn nửa thập kỷ. Khi Windows 10 ra mắt, với khả năng truyền video đầy đủ, Microsoft đã chính thức khai tử phần mềm này, đồng thời cũng cho thấy, ngày tàn của đầu đĩa DVD cũng kề cận.
10. Amazon Wallet (2014 – 2015):
Đây là lần gục ngã thứ hai của Amazon trong năm nay, cho dù thất bại này không đau đớn bằng với chiếc Fire Phone, đây cũng là lời nhắc nhở rằng người khổng lồ về thương mại điện tử này không luôn luôn thành công ở mọi lĩnh vực mà họ tham gia vào.
Không có gì rõ ràng về mục đích của Amazon Wallet khi được sinh ra. Với ý tưởng quanh việc làm thẻ tặng quà tích lũy cho các nhà bán lẻ khác, trong khi vẫn cho phép bạn quản lý thẻ ghi nợ của mình được sử dụng trên Amazon. Nhưng bạn không cần thực sự mua bất kỳ thứ gì với Amazon Wallet.
Dù kế hoạch đó là gì thì Amazon Wallet cũng là một thất bại lớn. Trong khi, ứng dụng này của Amazon không có chút hấp dẫn nào với khách hàng, thì các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán di động đã có những bước tiến lớn. Ngày nay, cụm từ tìm kiếm “Amazon Wallet” chủ yếu dẫn ra các đường link về những chiếc ví thật bạn có thể mua trên Amazon.
11. Ebay Now (2012 – 2015):
Bạn đang là một nhà bán lẻ trực tuyến nổi tiếng vì bán đấu giá các món đồ cũ. Bạn sẽ làm thế nào để cạnh tranh với các nhà bán lẻ cao cấp hơn ?
Ebay cho rằng câu trả lời của công ty nằm ở Ebay Now, một dịch vụ tương tự như dịch vụ giao hàng sẽ đảm bảo bạn sẽ nhận được hàng trực tiếp từ một số nhà bán lẻ (bao gồm Target, Best Buy, và Urban Outfitters) trước khi trời tối, với phụ phí 5 USD cho mỗi lần giao hàng.
Tuy nhiên, rắc rối đã nẩy sinh ngay từ khi bắt đầu triển khai, do những khó khăn kinh tế từ việc vận hành một đội các phương tiện giao hàng. Kế hoạch mở rộng lên 25 thành phố vào năm 2014 không đạt được và thậm chí Ebay Now chỉ có thể hoạt động quanh khu vực gần bốn tuyến tầu điện ngầm chính trước khi hoàn toàn đóng cửa vào đầu năm 2015.
12. Secret (2014 – 2015):
Một ứng dụng nhỏ gọn được thiết kế để làm các cuộc hội thoại nặc danh dễ dàng hơn : vậy điều gì đã làm cho mạng xã hội này chết yểu như vậy ?
Được lập nên bởi David Byttow và Chrys Bader-Wechseler, Secret đã thu hút được 35 triệu USD tiền đầu tư và nhanh chóng thu hút được 15 triệu người dùng, những người mong muốn có một nền tảng để phát đi những lời bình phẩm, chửi rủa nặc danh, và các tin đồn vô căn cứ.
Tuy nhiên, những phản ứng dữ dội bắt đầu gia tăng khi các cáo buộc về việc đe dọa phát sinh, và Secret không bao giờ có thể giải quyết được triệt để vấn đề này. Và cuối cùng Secret đã ra đi. Mặc dù vậy, như tờ New York Times đã chỉ ra, dù có những phản ứng này hay không, thế hệ công nghệ cũng nhanh chóng nhàm chán với mạng xã hội này, do khó có thể làm lây lan các trào lưu khi người dùng không có danh tính rõ ràng.
Byttow sau đó đột ngột tuyên bố đóng cửa công ty vào tháng Tư năm 2015, 15 tháng sau khi ra mắt. Nhưng hai người sáng lập, Byttow và Bader-Wechseler cũng bỏ túi được 6 triệu USD, điều đó làm dấy lên nghi ngờ về sự khôn ngoan của các quỹ mạo hiểm trong thương vụ đầu tư này.
Theo pcworld.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng