17 năm "nuôi quân", Singapore hái quả ngọt: COVID-19 được kiểm soát thành công đáng kinh ngạc như thế nào?

    Hải Võ, TheoTổ quốc 

    Cho đến nay, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông đang là những nơi được ghi nhận đã cung cấp chiến lược thành công đáng kể trong ứng phó dịch bệnh COVID-19 - theo New York Times.

     

    17 năm nuôi quân, Singapore hái quả ngọt: COVID-19 được kiểm soát thành công đáng kinh ngạc như thế nào? - Ảnh 1.

     Singapore đặt mục tiêu "đi trước" virus corona

    Hai tiếng đồng hồ là toàn bộ thời gian mà đội ngũ y tế tại Singapore có để xác định những thông tin đầu tiên về cách thức mà các bệnh nhân có thể tiếp xúc với virus corona mới (SARS-Cov-2) và bị lây nhiễm.

    Các câu hỏi đặt ra là: Bệnh nhân có di chuyển ra nước ngoài hay không? Họ có liên hệ với 1 trong 5 cụm truyền nhiễm đã được xác định trong thành phố hay không? Họ có ho vào người nào trên phố hay không? Gia đình, bạn bè, bạn nhậu, hay bạn cùng đi cầu nguyện với họ là những ai?

    Trong khi các nước phương Tây chật vật ứng phó sự lây lan nhanh chóng trên phạm vi rộng của virus corona, chiến lược của Singapore - bao gồm nhanh chóng truy nguồn và xét nghiệm các ca nghi nhiễm - đã cung cấp một điển phạm về thành công trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 , dù vẫn chưa thể hoàn toàn chặn đứng sự lây nhiễm trong nước.

    Với công tác điều tra cặn kẽ, những người truy nguồn của chính phủ Singapore đã xác định được một nhóm ca sĩ có tiếp xúc và lây truyền "giọt bắn" với nhau. Nhóm này truyền nhiễm virus cho người thân, rồi cho một trung tâm thể hình và một nhà thờ, gây ra một loạt vụ lây nhiễm tập trung lớn nhất ở Singapore.

    "Chúng tôi muốn đi trước virus 1 đến 2 bước," giám đốc cơ quan phụ trách bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Singapore, ông Vernon Lee, nói. "Nếu đuổi theo virus thì anh sẽ luôn luôn bị tụt lại phía sau."

    17 năm nuôi quân, Singapore hái quả ngọt: COVID-19 được kiểm soát thành công đáng kinh ngạc như thế nào? - Ảnh 2.

    Nhân viên một trung tâm thương mại Singapore đo thân nhiệt cho khách hàng, ngày 17/3/2020 (Ảnh: Ore Huiying/The New York Times)

    Theo NYT, Singapore, cùng với Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), đã cho thấy những cách tiếp cận thành công trong ứng phó dịch COVID-19 ít nhất là đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã làm hơn 245.000 người bị nhiễm và hơn 10.000 người tử vong trên toàn thế giới.

    Mặc dù ghi nhận ca nhiễm từ rất sớm, sau khi dịch bệnh bùng phát mạnh từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối tháng 1, ba cộng đồng ở châu Á này chỉ ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhỏ, trong khi vẫn đối mặt rủi ro dòng người đổ về từ những vùng có dịch tại Mỹ, châu Âu,...

    Theo thống kê của Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ), tính đến ngày 20/3, Đài Loan (Trung Quốc) có 135 ca nhiễm COVID-19 và 2 người tử vong. Con số này ở Hồng Kông (Trung Quốc) là 256/4, còn Singapore là 385/0.

    Can thiệp sớm chính là chìa khóa

    NYT chỉ ra, giới chức địa phương đã tích cực theo dõi lưu lượng người, tăng cường biện pháp cách ly và thúc đẩy hạn chế tiếp xúc xã hội.

    Tại Singapore, thông tin về nơi bệnh nhân sống, công tác, vui chơi được công bố sớm trên mạng, cho phép mọi người theo dõi để bảo vệ bản thân. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly để hạn chế lây lan virus. Chính phủ đã siết chặt kiểm soát biên giới để đề phòng làn sóng lây nhiễm mới từ những người nhập cảnh.

    Tuy nhiên, theo NYT, một số giải pháp nói trên đến nay đã muộn đối với Mỹ và châu Âu. Các hệ thống giám sát ở Singapore, Đài Loan và Hồng Kông được thiết lập qua nhiều năm, sau khi họ thất bại trong nỗ lực ngăn chặn dịch SARS xâm nhập vào 17 năm trước. Còn Mỹ đã giải thể đơn vị phản ứng đại dịch của mình vào năm 2018.

    Bên cạnh đó, cũng có e ngại về mức độ đón nhận của mô hình ở châu Á này khi áp dụng tại các nước phương Tây, khi người dân có thể không thoải mái với việc bị CCTV theo dõi hoặc báo cáo lịch sử xuất nhập cảnh vì lý do sức khỏe cộng đồng.

    Là quốc gia giàu có và trật tự, Singapore mất nhiều năm để gây dựng hệ thống y tế cộng đồng với những cơ sở chuyên dùng để ứng phó dịch bệnh, trong khi chính phủ liên tục khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên và hắt hơi vào khăn giấy trong các mùa cúm. Đạo luật Bệnh truyền nhiễm cho phép đặt ưu tiên về lợi ích chung của cộng đồng lên trên những mối quan tâm cá nhân.

    "Trong thời kỳ yên bình, chúng tôi đã lên kế hoạch cho những dịch bệnh như thế này," bà Lalitha Kurupatham, phó giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Singapore, nói với NYT.

    Trong vai trò lãnh đạo chương trình theo dõi liên hệ [của bệnh nhân], bà Kurupatham làm việc 16 tiếng mỗi ngày trong hai tháng và mô tả cuộc chiến chống dịch COVID-19 là nhằm vào tính chất dễ lan truyền của virus corona. Singapore là đảo quốc có mật độ dân cư đông đúc, và mọi chuyến bay đến đây đều từ quốc tế.

    Trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, Singapore là địa điểm dễ bị ảnh hưởng bởi có lượng lớn du khách từ Trung Quốc Đại lục đến đây để đi nghỉ Tết Nguyên đán.

    Hàng chục ca nhiễm được xác nhận ở Singapore trong tháng 1 cũng phản ánh công tác xét nghiệm được tổ chức rộng rãi và dễ tiếp cận tại nước này.

    "Trước khi [dịch bệnh] bùng phát tại Italy, Hàn Quốc và Iran, thì Singapore là nơi có tình hình tệ nhất ở bên ngoài Trung Quốc," Linfa Wang - giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm mới nổi thuộc Trường Y Duke-NUS, bình luận.

    "Vậy tại sao chúng tôi không cảm thấy như thế? Bởi chính phủ [Singapore] rất minh bạch và các con số cho thấy chúng tôi rất hiệu quả trong theo dõi [các liên hệ tiếp xúc của bệnh nhân] và cách ly từng trường hợp."

    Trong khi tình trạng hoang mang xuất hiện ở nhiều nước, các trường học ở Singapore vẫn hoạt động và giờ ăn trưa được điều chỉnh để tránh đông người tập trung. Các cửa hàng cũng có rất nhiều giấy vệ sinh.

    Khi những tin đồn về một "virus gây bệnh hô hấp bí ẩn" mới lan truyền ở Trung Quốc hồi đầu tháng 1, Singapore đã hành động sớm và là một trong số nước đầu tiên tạm ngưng cho phép nhập cảnh đối với du khách di chuyển từ Trung Quốc Đại lục - có hiệu lực từ cuối tháng 1. Máy quét thân nhiệt cũng được bố trí để kiểm tra tất cả hành khách.

    Đảo quốc 5.7 triệu dân này nhanh chóng phát triển năng lực xét nghiệm đến hơn 2.000 người mỗi ngày. NYT cho biết, tại bang Washington - địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất ở Mỹ do COVID-19, các phòng thí nghiệm công chỉ thực hiện được khoảng 400 xét nghiệm/ngày.

    Xét nghiệm và điều trị được miễn phí đối với toàn bộ công dân Singapore. Đội ngũ theo dõi liên hệ gồm 140 người vạch ra lịch sử của từng ca bệnh, bên cạnh lực lượng cảnh sát và an ninh làm công việc trên thực địa.

    Toàn bộ bệnh nhân viêm phổi ở Singapore đều được xét nghiệm COVID-19, cũng như những người bị ốm nặng. Các ca dương tính được xác định tại sân bay, tại các cơ sở của chính phủ, và chủ yếu là thông qua truy nguồn các liên hệ của bệnh nhân.

    Phương án ứng phó dịch bệnh của Singapore được định hình từ dịch SARS năm 2003, khi nước này có 33 người tử vong trong số 238 ca nhiễm.

    Đài Loan với chính sách "tiên hạ thủ vi cường"

    Đài Loan thậm chí hành động nhanh hơn tất cả. Hòn đảo này có đường bay trực tiếp đến Vũ Hán - tâm dịch ở Trung Quốc Đại lục. Trung tâm chỉ huy y tế Đài Loan, được thiết lập từ sau dịch SARS làm 37 người tử vong, bắt đầu quy định từ cuối tháng 12/2019 rằng hành khách từ Vũ Hán phải đi qua máy quét kiểm tra tại sân bay. Biện pháp này được tiến hành trước cả khi chính phủ Trung Quốc xác nhận bệnh dịch mới có khả năng lây nhiễm từ người sang người.

    "Tiếp thu bài học từ dịch SARS trước đây, ngay khi dịch bệnh [COVID-19] bắt đầu, chúng tôi đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện từ toàn bộ chính quyền," người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói.

    Đến cuối tháng 1, Đài Loan đã đình chỉ các chuyến bay từ Đại lục, bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng chưa cần đến giải pháp này. Chính quyền Đài Loan cũng nắm bắt và xử lý big data, kết nối kho dữ liệu bảo hiểm y tế với thông tin nhập cảnh và hải quan, nhằm truy nguồn các trường hợp tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm - theo Jason Wong, giám đốc Trung tâm Chính sách, Kết quả và Phòng ngừa tại Đại học Stanford (Mỹ).

    Khi các ca lây nhiễm được phát hiện trên du thuyền Diamond Princess sau điểm dừng ở Đài Loan, một tin nhắn được gửi tới toàn bộ số điện thoại trên đảo, liệt kê từng nhà hàng, khu tham quan và điểm đến mà các hành khách trên tàu đã tới khi lên bờ.

    Dù chính quyền Đài Loan vẫn hứng chỉ trích là hoạt động xét nghiệm chưa tổ chức ở phạm vi đủ rộng, học sinh sinh viên đã trở lại trường từ cuối tháng 2.

    17 năm nuôi quân, Singapore hái quả ngọt: COVID-19 được kiểm soát thành công đáng kinh ngạc như thế nào? - Ảnh 3.

    Singapore không phong tỏa thành phố, nhưng đã tổ chức hoạt động xét nghiệm trên diện rộng (Ảnh: Ore Huiying/The New York Times)

    Chính quyền Hồng Kông ngày 17/3 ban hành quy định cách ly 14 ngày đối với toàn bộ du khách từ nước ngoài, bắt đầu vào cuối tuần này. Đài Loan cũng yêu cầu người nhập cảnh từ 20 nước và 3 bang của Mỹ phải tự cách ly.

    Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo hồi tuần trước rằng số ca bệnh có thể tăng nhanh chóng trong giai đoạn tiếp theo.

    Nhà chức trách Singapore ngày 20/3 ghi nhận thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chủ yếu gồm các các ca lây nhiễm từ Anh, nâng tổng số ca nhiễm lên 385.

    Singapore ngày 18 đã ban hành loạt quy định về siết chặt kiểm soát biên giới, theo đó người nhập cảnh từ các nước Đông Nam Á và một số khu vực ở châu Âu sẽ phải tự cách ly 14 ngày.

    "Thế giới chỉ mạnh mẽ khi mắt xích yếu nhất cũng như vậy," tiến sĩ Vernon Lee nói. "Dịch bệnh sẽ không tôn trọng bất kỳ đường biên giới nào cả."


    17 năm nuôi quân, Singapore hái quả ngọt: COVID-19 được kiểm soát thành công đáng kinh ngạc như thế nào? - Ảnh 4.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày