2 nâng cấp tưởng nhỏ nhưng thay đổi hoàn toàn trải nghiệm sử dụng máy tính của tôi
Nhiều năm mới bỏ tiền ra nâng cấp thì chọn đồ ‘xịn’ cho đáng!
Sau khi trải nghiệm con chuột công thái học Lamzu Thorn trong 1 bài viết trước đó , tôi nhận ra rằng setup chuột và lót chuột của bản thân là khá là tệ. Tôi sử dụng 1 con chuột giá rẻ nặng tới hơn 80g và đặt trên một chiếc lót bằng vải nỉ, khiến việc di chuột trở nên nặng nề, chậm chạp và cũng ‘kéo’ cả trải nghiệm làm việc và chơi game hàng ngày.
Tôi đã sử dụng setup này trong nhiều năm nên đã rất quen tay, nhưng khi được trải nghiệm những thứ tốt hơn thì nhận ra rằng giờ là lúc phải ‘xuống tiền’ để nâng cấp rồi!
Đầu tư chuột nhẹ hơn để bảo vệ cổ tay!
Vấn đề lớn nhất của tôi với con chuột đang dùng đó là trọng lượng khá nặng, lên tới trên 80g so với tiêu chuẩn ‘dưới 60g’ hiện nay. Nghe sự khác biệt này có vẻ là nhỏ, nhưng khi đã phải cầm chuột suốt 8 - 10 tiếng một ngày thì cổ tay cũng đã ‘kêu gào’ tôi phải đi mua chuột mới!
Sau khi tìm hiểu các lựa chọn trên thị trường, tôi đầu tư chiếc Pulsar Xlite V3 cũng đã được đánh giá cao về tính công thái học bên cạnh Lamzu Thorn.
Điểm làm tôi cảm thấy thú vị với dòng chuột này đó là có cả kích cỡ để phù hợp với dáng tay của từng người, không khác gì việc đi mua quần áo vậy! Chuột có 3 kích cỡ, với phiên bản mà ta có ở đây là Size 2 tức là nằm ở giữa.
Mở hộp, chuột được đặt ngay ngắn bên trong và phụ kiện được đặt ở dưới.
Bộ phụ kiện của Pulsar Xlite V3 bao gồm hướng dẫn sử dụng, sticker, một miếng card sưu tầm in thông số chuột, dây USB-C và dongle.
Dongle mặc định của chuột có tần số quét 1000Hz, nhưng chuột có thể đạt 4000Hz khi mua một loại dongle khác ở ngoài.
Tôi đánh giá cao phần dây của chuột, được bọc vải bện rất mềm và phần kết nối với chuột được bẻ góc để giảm ma sát với bàn, lót chuột.
Trong những năm gần đây chuột gaming đã ‘đơn giản hóa’ hơn rất nhiều trong thiết kế, tiến tới nhìn giống những con chuột văn phòng thông thường. Pulsar Xlite V3 cũng nằm trong số đó, với thiết kế tối giản tới hết mức, chỉ có duy nhất 1 yếu tố trang trí ở mặt trên là logo Pulsar nhỏ ở dưới nút trái.
2 nút trái phải của chuột được làm cong nhẹ tạo thành những ‘rãnh’ ở giữa, có chức năng là đưa ngón tay vào đúng vị trí.
Cổng kết nối của chuột tất nhiên là được đặt ở góc phía trên, được làm hơi ‘thụt’ vào trong để khi gắn dây vào sẽ giấu 1 phần cổng kết nối.
Nhìn qua cạnh bên, ta có 2 nút phụ được làm kích thước lớn thường thấy trên những con chuột công thái học, cùng 1 đèn nhỏ để thông báo tình trạng pin, tính trạng kết nối và mức DPI.
Muốn thấy điểm đặc biệt trong thiết kế của Pulsar Xlite V3 ta phải lật mặt đáy lên. Mặt này được ‘cắt xẻ’ rất nhiều phần giúp ta có thể nhìn vào bên trong chuột, và phần mạch cũng được tô điểm trang trí thêm tạo thành một thiết kế rất lạ mắt.
Giống như chiếc Lamzu Thorn, việc có những đường cắt ở dưới đáy cũng sẽ khiến Pulsar Xlite V3 dễ bị dính bụi bẩn vào các thành phần linh kiện bên trong, nên trong quá trình sử dụng cũng cần chú ý hơn so với những con chuột thông thường. Nhưng đây cũng đã là 1 nâng cấp so với thế hệ chuột trước đây, thường có cả những lỗ nhỏ ở mặt trên.
Cũng tại cạnh dưới này ta có nút gạt bật tắt chuột và nút điều chỉnh DPI, cùng cảm biến Pixart PAW3395. Cảm biến này có mức DPI cao nhất 26.000, cũng đã dùng trong khá nhiều những con chuột thuộc phân khúc cận cao cấp tới cao cấp rồi, nên chất lượng đọc đã được kiểm chứng theo thời gian.
Trở lại với thiết kế cả Xlite V3, đây là một con chuột công thái học được thiết kế cho những người thuận tay phải sử dụng với kiểu cầm toàn bàn tay (palm-grip). So với Lamzu Thorn, Xlite V3 có phần nút bấm nhô cao hơn, nhưng lại loại bỏ 1 phần gồ lên ở phía đuôi. Sự khác biệt này khiến Xlite V3 có cảm giác cầm thấp hơn 1 chút, di chuyển sẽ bớt ‘bám tay’ so với Lamzu Thorn nhưng cũng vì vậy mà linh hoạt hơn.
Dáng chuột này được ‘học tập’ tới 99% từ Zowie EC2-CW, một con chuột công thái học đã được khá nhiều game thủ đánh giá cao vì dáng cầm của nó. 1% sự khác biệt trong kiểu dáng đến từ việc chuột từ Pulsar có con lăn được đặt nhô cao hơn, dù chỉ là 1 xíu!
Để điều khiển các tính năng của chuột, ta có phần mềm Pulsar Fusion trên máy tính. Tại đây ta có thể điều chỉnh mức DPI, chức năng của các phím, tần số quét (với dongle của tôi chỉ đạt 1000Hz), khoảng cách nhấc chuột, cài đặt macro, theo dõi pin cũng như nâng cấp phần mềm của chuột khi có.
Bên cạnh thiết kế mặt đáy, thứ đáng nói nhất ở Pulsar Xlite V3 và cũng là lý do tôi phải nhất quyết đổi chuột đó là cân nặng. Chuột có trọng lượng nhẹ chỉ 55g, cộng với trọng tâm được đặt hợp lý nên cầm trên tay cho cảm giác sử dụng rất nhanh nhẹn, linh động. Chuột gần như không có độ lì, chỉ cần di chuyển nhẹ tay là sẽ đi luôn. Các nút bấm đã được chuyển qua dùng switch quang học, cho cảm giác bấm nảy và cũng tạo ra 1 tiếng ‘tách’ rất rõ.
Nhược điểm lớn nhất đối với tôi đó là ở phiên bản màu đen, Xlite V3 rất nhanh dính mồ hôi dấu vân tay. Điều này không ảnh hưởng tới cảm giác cầm nắm cho lắm, nhưng cũng ảnh hưởng tới vấn đề ngoại quan trong lúc sử dụng.
Tham khảo thêm về chuột gaming Pulsar Xlite V3:
- Shopee
Chuột tốt không thể dùng trên tấm lót ‘lởm’ được!
Đã đầu tư chuột rồi, tôi cũng muốn nâng cấp luôn lót chuột cho ‘xứng tầm’. Sản phẩm tôi chọn lần này là chiếc Lamzu Energon, cũng đã nhận về nhiều đánh giá tích cực bởi các Youtuber và game thủ.
Khá bất ngờ khi lót chuột được đóng gói phẳng chứ không cuộn vào. Kiểu đóng gói này sẽ gây ‘khó dễ’ trong quá trình vận chuyển, nhưng người dùng sẽ có lót phẳng phiu để dùng ngay từ lúc bóc ra.
Pad được đóng khá kỹ với một lớp vỏ các-tông dày ở bên ngoài, bên trong lại thêm 1 lớp lót khác bằng giấy.
Tấm lót có kích thước khá lớn (480 x 410), nên kể cả những bạn chơi game với độ nhạy chuột thấp (di chuyển chuột nhiều) thì cũng không sợ bị hết không gian.
Mặt trên có một yếu tố trang trí là hình viên kim cương, thường thấy trên những lót chuột của Lamzu.
Các cạnh được bo viền khá là mỏng, không nhô lên khỏi bề mặt lót.
Đây là một lót chuột Speed, tức là có bề mặt ít ma sát để tăng tốc độ di chuột. Khi sử dụng với những con chuột nhẹ như Pulsar Xlite V3 hay Lamzu Thorn thì càng tăng ‘độ lướt’. Ngoài ưu điểm về việc giảm ma sát cho chuột, ưu điểm của Lamzu Energon đó là không bám vào da tay, nên khi để di chuyển cả cổ tay trên lót chuột thì cũng không có giác bị ‘rít’.
Đây vẫn chưa phải một chiếc lót cao cấp sử dụng vật liệu Poron để tăng độ êm, với mục đích này Lamzu cũng có thêm 1 phiên bản Energon Pro đắt hơn.
Tham khảo thêm về lót chuột Lamzu Energon:
- Shopee
Nhìn chung, tôi cảm thấy hài lòng với lần nâng cấp chuột và lót chuột lần này. Dù các sản phẩm đều nằm ở phân khúc tầm trung - cao cấp nên có giá bán không rẻ, nhưng với tôi là đáng vì đây là những thứ tôi sẽ phải liên tục ‘sờ mó’ vào hơn 8 tiếng một ngày trong nhiều năm tới đây!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng