2 người phụ nữ vào General Motors làm việc trong cùng 1 năm nhưng lại có tương lai trái ngược: Xe điện đang khiến cả ngành ô tô thay đổi như thế nào?

    Thu Hương, Theo Trí Thức Trẻ 

    Từ trước đến nay, hàng nghìn nhân viên của nhà máy GM ở Oshawa, Ontario sau khi rời công ty đều có thể dễ dàng được đào tạo lại và tìm được việc ở công ty khác trong cùng ngành. Tuy nhiên, thái độ làm việc chăm chỉ và trình độ tốt không còn đủ để giúp họ tìm việc mới khi mà công nghệ đang làm đảo lộn ngành ô tô.

    Amanda Kalhous và Rebecca Keetch gia nhập General Motors Canada trong cùng 1 năm. 15 năm qua, họ đã sống sót qua những đợt sa thải, 1 gói cứu trợ của Chính phủ và cả 1 đợt phá sản. Nhưng giờ đây họ đang đối mặt với 1 hiện tượng có ý nghĩa sâu sắc hơn, khi ngành ô tô thế giới đang trải qua làn sóng thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi dây chuyền lắp ráp ra đời.

    Và lần này, chỉ có một người tìm thấy tương lai trong sự thay đổi ấy.

    2 người phụ nữ vào General Motors làm việc trong cùng 1 năm nhưng lại có tương lai trái ngược: Xe điện đang khiến cả ngành ô tô thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

    GM biết mình cần gì để đảm bảo cho tương lai, và đó không phải là những người như Rebecca – công nhân vận hành ở nhà máy tại Oshawa với 1 tấm bằng cao đẳng cộng đồng và chứng chỉ đại học 18 tháng, người có thể thay thế hai dây curoa trên động cơ chỉ trong 108 giây. GM cần Amanda, kỹ sư điện tử với 2 tấm bằng đại học và sở hữu 24 bằng sáng chế đang điều hành 1 nhóm chuyên thiết kế phần mềm cho thế hệ ô tô tiếp theo.

    Mary Barra, CEO của GM, đang đặt cược rằng biến đổi khí hậu và tiến trình đô thị hóa sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sang xe điện và xe tự hành. Số lượng sedan sử dụng động cơ đốt trong mà Rebecca tham gia vào quá trình sản xuất được GM bán ra đã sụt giảm mạnh vì khách hàng chuyển sang ưa chuộng dòng xe SUV và xe bán tải. Đến cuối năm nay, GM dự định cắt giảm 14.000 công nhân tại 5 năm nhà máy trên khắp Bắc Mỹ.

    Mặc dù GM có hứa hẹn sẽ chuyển nơi làm việc cho một số công nhân tại Canada bị ảnh hưởng bởi kế hoạch đóng cửa nhà máy, hướng đi mới đồng nghĩa sau hơn 1 thế kỷ GM sẽ ngừng sản xuất ô tô tại Oshawa.

    Amanda (47 tuổi) không hề nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với GM cả đời khi gia nhập công ty năm 2005, nhưng cô không bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn vì những kỹ năng có được giúp cô có thể tự quyết định vận mệnh của mình. Tuy nhiên, Rebecca (44 tuổi) thì đang nhìn thấy một chặng đường chông gai ở phía trước, trái ngược hoàn toàn với kế hoạch hưu trí ổn định mà cô đã từng nghĩ đến.

    Mỗi ngày, Amanda thức dậy từ 6h30, tắm rửa và vào bếp. Mang theo bữa sáng và bữa trưa đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, cô đánh xe ra khỏi nhà lúc 7h, đưa con gái nhỏ đến bến xe bus và mất 40 phút lái xe tới trung tâm công nghệ CTC của GM tại Markham, Ontario.

    Chỉ nằm cách dây chuyền sản xuất của GM (nơi Rebecca đang làm việc) 50km nhưng CTC giống như nằm ở 1 hành tinh khác. Bên trong văn phòng làm việc mang đậm phong cách thung lũng Silicon là không gian hiện đại với những tấm bảng trắng và bàn làm việc đứng. Từ chỗ ngồi của Amanda có thể nhìn thấy rất nhiều xe điện và trạm sạc đang được thử nghiệm.

    Từng là một vận động viên 3 môn phối hợp, gần đây Amanda bắt đầu quay trở lại tập gym và ăn những đồ ăn giàu protein trong khi phải xử lý rất nhiều công việc hóc búa. Đội ngũ của cô thử nghiệm các thuật toán, tích hợp phần mềm tự động giữ cho những chiếc xe đi đúng làn và luôn suy nghĩ về những tính năng sẽ xuất hiện trên những chiếc xe hơi của tương lai.

    Một trong những thành tựu mà Amanda tự hào nhất là công nghệ bluetooth cho phép xe hơi có thể truyền đạt thông tin thông qua 1 ứng dụng trên điện thoại di động sẽ không làm cạn kiệt nguồn pin có tên Keypass. Đội của cô bắt đầu thử nghiệm xem 1 chiếc điện thoại và 1 chiếc ô tô có thể kết nối với nhau ở khoảng cách tối đa là bao nhiêu. Bluetooth hiện vẫn là công nghệ hứa hẹn nhất nhưng lại ngốn quá nhiều pin. Cuối cùng Amanda đã nghĩ ra ý tưởng về 1 ứng dụng có thể kết nối với xe hơi để bật đèn xe và điều hòa khi chủ xe đến gần và quan trọng nhất là mở khóa cửa.

    Keypass là 1 tính năng của mẫu Chevrolet Bolt và là bằng sáng chế đầu tiên của Amanda được đưa vào thực tiễn. Không giống như Rebecca, phần lớn công việc của Amanda là tạo ra những linh kiện bằng những dòng code thay vì kim loại.

    Trong khi khoảng 2.000 công nhân theo giờ và cả nhân viên chính thức ở Oshawa bị sa thải, GM đã tăng số lượng kỹ sư phần mềm tại Canada lên thêm 300 người, đạt 1.000 người. Phần lớn là những người rất trẻ thuộc thế hệ millennials mà Amanda nhận xét là "họ không ở đây vì sự ổn định mà bởi vì đây là 1 công việc thú vị, giúp họ hiện thực hóa ước muốn thay đổi thế giới".

    Mức lương của Amanda cũng khá hậu hĩnh. Các kỹ sư thường có lương khởi điểm 80.000 đôla Canada (61.000 USD) mỗi năm, trong khi những người như Rebecca chỉ nhận được 21 đôla Canada mỗi giờ, tức chưa đến 44.000 đôla Canada mỗi năm. GM cũng thường xuyên tăng lương cho các kỹ sư công nghệ cao để giữ chân nhân tài, và còn cung cấp cả những phúc lợi theo kiểu thung lũng Silicon như phòng tập gym, bếp ăn với đầu bếp chuyên nghiệp.

    Ở thời kỳ hoàng kim năm 2003, nhà máy ở Oshawa sản xuất gần 1 triệu chiếc xe mỗi năm. Có nhiều người làm việc ở đây đến nỗi thành phố đã điều chỉnh đèn giao thông trùng với những giờ giao ca ở GM. Tuy nhiên, ngành ô tô Mỹ dần mất đi việc làm vào tay những địa điểm có chi phí nhân công thấp hơn ở Mexico.

    Những công nhân có từ 30 năm làm việc trở lên có thể chọn nghỉ hưu sớm với khoản tiền 130.000 đôla Canada, cộng thêm tiền lương hưu và các phúc lợi và phiếu giảm giá 10.000 đôla Canada khi mua xe GM. Tuy nhiên vì Rebecca mới chỉ làm việc 13 năm nên sẽ chỉ nhận được 30.000 đô cộng thêm 6 tháng bảo hiểm y tế và 6.000 đô chi phí đào tạo lại. Nếu chấp nhận gói này, cô sẽ thất nghiệp vào tháng 11 và có rất ít cơ hội được gọi lại để gia nhập hàng ngũ 300 nhân viên mới.

    Mẹ, ông bà và cả cụ của Rebecca đều từng làm việc cho GM, nhưng đó chưa bao giờ là dự định của cô khi mà từ nhỏ đến lớn đều được khuyên rằng cô phải đi học nếu không muốn làm việc trong nhà máy. Không phải họ coi thường công việc này mà bởi họ muốn cô tìm được việc gì đó có mức lương hậu hĩnh hơn và giúp cô cảm thấy vui vẻ hơn.

    Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp phổ thông thì cuối cùng Rebecca lại vào làm việc trong dây chuyền của GM với mức lương cao gấp rưỡi mức lương tối thiểu ở thời điểm đó.

    Năm 2009, cô bị sa thải khi khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến GM phá sản ở Mỹ. Cô được đào tạo lại theo chương trình ở địa phương, nhưng trước khi cô bắt đầu thì Canada đưa ra gói cứu trợ cho nhà máy GM. Khi được gọi đi làm lại, cô cho rằng sẽ an toàn hơn khi trải qua vài năm tích lũy tài chính trước khi nhảy sang thứ gì đó mới mẻ. Nhưng trớ trêu là mức lương ngày càng đi xuống và hiện đã thấp hơn 12% mức lương trung bình cả nước. Vẫn độc thân, cô có thể xoay xở cuộc sống nhưng những dự định tài chính đã không thể trở thành hiện thực.

    Cũng giống như Rebecca, Amanda lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Khi kinh tế Mỹ suy thoái sau vụ khủng bố 11/9, cô đã có 8 tháng thất nghiệp. Tuy nhiên cô đã sống sót và nhận ra rằng nếu có những kỹ năng có thể chuyển đổi thì sẽ dễ dàng thích nghi được với bất kỳ hoàn cảnh nào.

    15 kỹ sư trong đội của Amanda có 9 bằng thạc sĩ và 1 người là tiến sĩ, và thu nhập của họ nằm trong top 10% ở Canada. Gần một nửa không phải là người Canada – có những người đến từ Ấn Độ, Iran, Kenya, Nigeria, Pakistan và Singapore. Điều thú vị là không phải ai cũng biết lái xe. Nếu như xe tự hành "cất cánh", có lẽ họ cũng không bao giờ cần phải học lái xe.

    Nhưng công việc của Amanda cũng không phải là không bị đe dọa. Liệu Amanda có lo lắng rằng trong thế giới sẽ cần đến ít xe hơi hơn vì sự xuất hiện của các dịch vụ chia sẻ xe và cũng đồng nghĩa với cần đến ít kỹ sư hơn khi mà trí thông minh nhân tạo ngày càng được cải tiến? "Công việc của 100 năm trước không giống chút nào so với ngày nay, và chắc chắn 100 năm sau cũng không giống. Nhưng tôi tin là lúc nào cũng có những công việc cần phải có con người", cô nói.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày