2 "niềm đau" đặc trưng của Android là lý do vì sao Super Mario Run được độc quyền cho iOS trong thời gian đầu
2 "niềm đau" lớn nhất của Android có lẽ là lý do vì sao hãng game huyền thoại của Nhật Bản quyết định ưu ái iPhone trước.
Điểm sáng duy nhất của sự kiện iPhone 7 nhàm chán vừa qua có lẽ là Super Mario Run, tựa game "chính hiệu" Nintendo đầu tiên đặt chân lên smartphone. Trong khi Super Mario Run cũng sẽ đặt chân lên Android, iOS vẫn sẽ được độc quyền tựa game này trong một thời gian chưa xác định.
Với những người đã quen với lịch sử tranh đấu của iOS và Android, đây không hẳn là một ngoại lệ quá đặc biệt. Rất nhiều tựa game và ứng dụng đỉnh đã luôn ưu ái nền tảng của Apple trước khi đặt chân lên Android hoặc thậm chí là bỏ qua luôn nền tảng của Google.
Có 2 lý do có thể nghĩ đến.
Tại sự kiện iPhone 7, "cha đẻ" của Mario là Shigeru Miyamoto đưa ra khẳng định rằng "Một trong những lý do chúng tôi tập trung vào iPhone là vì tính ổn định của nền tảng này cũng như để đạt được mức độ nhanh nhạy mà chúng tôi đòi hỏi từ các tựa game của mình. Điều này không có nghĩa rằng các thiết bị Android không có mức độ nhạy tương tự, nhưng vì có quá nhiều thiết bị Android trên thị trường, cố gắng phát triển để tựa game có thể hoạt động tốt trên tất cả các thiết bị này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian".
Như vậy, lý do Android bị đặt ưu tiên muộn là khá rõ ràng. Một lần nữa, tính phân mảnh trầm trọng của thiết bị Android đã lại là nguyên nhân các nhà phát triển tập trung vào iOS trước tiên.
Nhưng lý do thứ 2 có lẽ là quan trọng hơn. Theo báo cáo từ quý 2/2016 của App Annie, mặc dù có số lượt tải ứng dụng cao gấp 2 lần Apple App Store, Google Play chỉ thu về một nửa doanh thu so với đối thủ. Nếu tính trung bình trên từng ứng dụng, khoản tiền do mỗi ứng dụng iOS thu về cao gấp... 4 lần Android. Đây là một hiện tượng đã được nhiều người chú ý từ nhiều năm nay, do người dùng iOS dù ít hơn nhưng lại có thu nhập trung bình cao hơn và cũng sẵn sàng bỏ tiền mua bản quyền hay vật phẩm bên trong ứng dụng.
Không chỉ có tiềm năng kinh tế, iOS còn có một lợi thế rất lớn: sự kiểm soát chặt chẽ của Apple. Càng ngày, các lỗ hổng để jailbreak iOS càng ít đi, thời gian cần để jailbreak iOS cũng ngày một dài hơn. Những ngoại lệ như iOS 10.0 vẫn sẽ xuất hiện nhưng ngay chính hacker đã jailbreak iOS 10.0 là "Todesco" cũng phải khẳng định iOS càng ngày càng khó jailbreak.
Càng khó jailbreak thì iOS càng khó trở thành nạn nhân của nạn xâm phạm bản quyền. Android thì khác: bất cứ một chiếc smartphone Android nào cũng có thể cài phần mềm lậu từ các chợ không chính thống hoặc từ file APK. Nguy cơ này đã được nhiều hãng phát triển ứng dụng giải quyết bằng mô hình freemium (chơi miễn phí, mất tiền mua vật phẩm), nhưng ngay cả mô hình này cũng dễ trở thành nạn nhân của các chiêu "hack" trên hệ điều hành.
Hiển nhiên là cũng như các hãng game khác, Nintendo có thể chấp nhận tình cảnh này của Android. Thế nhưng, với vai trò là một hãng game đã luôn lưỡng lự và phải mất gần 10 năm mới đặt chân lên smartphone, có thể hiểu được vì sao Nintendo lại đặc biệt ưu ái một hệ điều hành có tiềm năng doanh thu cao hơn và ít rủi ro hơn như iOS.
Dĩ nhiên, chắc chắn Apple và Nintendo đã "làm việc" cùng nhau sau hậu trường để đi đến những quyết định có lợi cho cả hai. Cổ phiếu Nintendo tăng 7% sau khi Miyamoto xuất hiện trên sân khấu Cupertino, còn Apple thì cũng rất cần đến sức mạnh app khổng lồ của Nintendo để đảo chiều suy thoái ứng dụng. Nhưng hiển nhiên là không phải bất cứ một nhà phát triển app nào cũng được Apple ưu ái như Nintendo, và với những trường hợp này, chỉ riêng 2 điểm yếu cố hữu của Android là đã quá đủ để ưu ái iOS trước tiên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng