20 năm trước, Steve Jobs từng tạo ra “chiếc máy tính mát nhất trên đời”
Nhưng hoá ra, sản phẩm này chẳng khác gì một cái lò nướng đắt đỏ!
Vào ngày 19/7/2000, Apple đã công bố chiếc máy tính Power Mac G4 Cube. Và chưa đầy một năm sau đó, vào ngày 3/7/2001, cũng chính họ đã công bố cho chiếc máy tính này về hưu.
Hiển nhiên, vào đêm giới thiệu sản phẩm tại Macworld Expo 2000, CEO Apple lúc bấy giờ là Steve Jobs chẳng hề nghĩ rằng mọi chuyện sẽ chóng vánh đến vậy. Chiếc máy tính được Steve Jobs đặt cho biệt danh "The Cube" (Khối lập phương) là một chiếc máy tính mạnh mẽ và được tản nhiệt bằng không khí (Jobs cực kỳ ghét tản nhiệt quạt) - theo lời Jobs. The Cube có thiết kế khá độc đáo, với bộ vỏ làm bằng nhựa trong suốt, kích thước 8-inch, và một khối linh kiện điện tử bên trong. Nó trông không giống một chiếc máy tính, mà giống một chiếc máy nướng bánh bước ra từ phim khoa học viễn tưởng vậy. Nó không có nút nguồn, thay vào đó có thể nhận biết cú vẫy tay của bạn để tự khởi động. Máy cũng chẳng có khay giữ đĩa CD, bạn chỉ cần đưa đĩa tới khe, máy sẽ tự nuốt đĩa vào.
The Cube có thân vỏ bằng nhựa. Jobs nói rằng: "Chúng tôi tận dụng nhựa tốt hơn bất kỳ ai khác trên thế giới. Đây là nhựa với công thức đặc biệt, và là hàng độc quyền, chỉ chúng tôi có mà thôi. Phải mất 6 tháng chúng tôi mới tìm ra công thức của loại nhựa này. Người ta có thể dùng nó làm áo chống đạn được đấy! Và nó bền đáng kinh ngạc, và đẹp nữa. Chưa từng có thứ gì giống như vậy. Làm sao anh làm ra được một thứ như vậy chứ? Chưa từng có ai làm được thứ như vậy! Nó không đẹp sao? Tôi nghĩ nó thật ấn tượng!"
Quả thật như vậy. The Cube đẹp là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một vấn đề với nó. Steve Jobs có một "ma trận sản phẩm", một biểu đồ gồm 4 hình vuông tượng trưng cho laptop và desktop. Kể từ khi trở lại Apple vào năm 1997, ông đã lấp đầy 4 ô vuông đó bằng iMac, PowerMac, iBook, và PowerBook. The Cube dường như vi phạm phương châm sản phẩm của Jobs. Nó không có những tính năng mạnh mẽ của chiếc PowerMac cao cấp, như các khe cắm mở rộng hay ổ cứng dung lượng cao. Và nó lại có giá đắt đỏ hơn nhiều so với một chiếc iMac tầm thấp, đó là chưa tính đến màn hình bán riêng mà người dùng Cube phải mua thêm. Ai sẽ mua thứ này?
Jobs nói rằng: "Dễ thôi. Rất nhiều người dùng chuyên nghiệp. Mọi nhà thiết kế sẽ mua The Cube".
Lý do ông đưa ra để biện minh cho sự xuất hiện của The Cube là: "Chúng tôi nhận ra một cơ hội cực tốt để làm ra thứ gì đó nằm ở lưng chừng, giống như một đứa con sinh ra bởi tình yêu vậy, nhưng thực sự là một đột phá". Ẩn ý của ông là chiếc máy tính này tuyệt vời đến nỗi người ta sẽ thay đổi thói quen mua sắm để mua ngay một cái!
Nhưng điều đó chẳng hề xảy ra. Đầu tiên, giá bán của The Cube cao đến vô lý - nếu tính cả màn hình, nó đã đắt gần gấp 3 lần iMac và thậm chí còn cao hơn cả một số mẫu PowerMac. Phần đông mọi người chẳng ai muốn tiêu tốn khoản tiền họ dành để mua sắm các tác phẩm nghệ thuật cho những chiếc máy tính cả.
Đó không phải là vấn đề duy nhất với G4 Cube. Loại nhựa làm vỏ của nó rất khó sản xuất, và bản thân nó cũng có những thiếu sót. Hệ thống làm mát bằng không khí gặp vấn đề. Nếu bạn để một tờ giấy lên trên thiết bị, nó sẽ tắt ngay để ngăn bị quá nhiệt. Và bởi nó không có nút Bật, một chuỗi động tác vẫy tay của bạn sẽ khiến máy khởi động lên, dù bạn có muốn điều đó hay không.
G4 Cube đã thất bại trong việc thuyết phục mọi người mang nó về nhà. Jobs kỳ vọng sẽ bán được hàng triệu máy. Nhưng con số thực tế mà Apple đạt được là chưa đến 150.000. Sự sùng bái quá mức đối với thiết kế của Apple cũng là lý do giải thích cho tham vọng ngông cuồng của họ. Jobs đã "uống" quá nhiều "mỹ tửu". "Anh có thực sự muốn đục một cái lỗ trên thứ này rồi nhét một cái nút bấm vào đó không?" - Jobs hỏi ngược lại khi giải thích về việc máy không có nút nguồn. "Hãy nhìn để thấy chúng tôi đã bỏ bao công sức vào ổ đĩa dạng khe này, để anh không phải dùng khay đĩa, và rồi anh muốn phá hỏng nó và nhét một cái nút bấm vào ư?"
Nhưng những gì Jobs làm sau đó với The Cube đã cho thấy tại sao ông lại là một nhà lãnh đạo thành công: khi nhận ra rõ ràng chiếc máy tính này chẳng khác gì một cục gạch, Jobs nhanh chóng tìm cách để không phải thua lỗ thêm một đồng xu nào nữa và tiến đến một kế hoạch khác.
Trong một buổi nói chuyện vào năm 2017 tại Oxford, CEO Apple lúc này là Tim Cook đã nói về chiếc G4 Cube, thứ ông miêu tả là "một thất bại ngoạn mục về thương mại, gần như ngay từ ngày đầu". Nhưng phản ứng của Jobs đối với doanh số tồi tệ của The Cube cho thấy khi cần thiết, ông có thể nhanh chóng "xếp xó" một sản phẩm như thế nào, kể cả khi nó là một sản phẩm được ông yêu quý bằng cả tấm lòng.
Dù sao đi nữa, hãy chức mừng sinh nhật 20 tuổi của G4 Cube, đứa con sinh ra từ tình yêu số hoá của Steve Jobs.
Tham khảo: Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng