3 công nghệ tiên phong xuất hiện tại Computex 2013

    MT,  

    Màn hình IGZO, giao thức Thunderbolt thế hệ mới, màn hình 4K cho máy tính...đều là những công nghệ tiên phong nhưng sẽ cần phải có nhiều thời gian để phổ biến.

    Computex 2013 không chỉ là dịp để các hãng sản xuất trưng bày và giới thiệu các sản phẩm mới của họ, ngày hội này còn là dịp những hãng công nghệ tiên tiến trên thế giới trình diễn những công nghệ mang tính đột phá, hứa hẹn trong tương lai. Dưới đây là 3 công nghệ đáng chú ý nhất xuất hiện tại Hội chợ lần này.

    Màn hình IGZO

    Màn hình IGZO không phải bây giờ mới được nhắc tới mà nó thực chất đã được công bố từ hồi tháng Một năm ngoái. Công nghệ này đầy hứa hẹn nhưng hầu hết chúng ta chưa hiểu nhiều về nó. IGZO về bản chất là một loại vật liệu bán dẫn được dùng để sản xuất màn hình LCD do hãng Sharp (Nhật Bản) và 1 công ty nghiên cứu có tên Semiconductor Energy Laboratory (tạm dịch: Phòng thí nghiệm năng lượng bán dẫn), hợp tác phát triển và người ta gọi luôn nó là màn hình IGZO. IGZO là tên gọi viết tắt từ tên của các loại vật liệu cấu thành nên nó gồm "Indium Gallium Zinc Oxide".

    Từ trước tới nay, các màn hình LCD đều sử dụng công nghệ Amorphous Silicon (AS - lớp silicon vô định hình) phân bổ các silicon lên tấm phim TFT theo cấu trúc hình khối không có hình dạng cố định. Một nguyên tử silicon sẽ liên kết với 4 nguyên tử silicon khác ở xung quanh tạo nên liên kết mạng lưới lớp silicon vô định hình. Còn công nghệ IGZO không dùng Silicon, nó dùng các chất tạo nên nó để tạo thành các tinh thể hình lục giác và bố trí chúng lên tấm TFT. Điểm nổi bật của IGZO là nó giúp cho các hạt điện tích di chuyển nhanh hơn, từ đó cho phép nhà sản xuất tạo ra các bóng bán dẫn có kích thước nhỏ và kết quả là họ có thể tạo ra các điểm ảnh (pixel) có kích thước nhỏ hơn điểm ảnh của công nghệ cũ. Như vậy, với cùng một kích thước màn hình, IGZO có thể giúp nhà sản xuất bố trí nhiều điểm ảnh hơn so với công nghệ cũ, giúp màn hình có độ phân giải cao hơn.

    Nhờ thành phần điện tử có cấu tạo nhỏ hơn mà viền màn hình cũng sẽ được làm mỏng đi. Chưa hết, Pixel nhỏ hơn đồng nghĩa với việc ánh sáng sẽ lọt qua chúng dễ dàng hơn, như vậy tấm nền của màn hình LCD không cần phải chiếu sáng quá nhiều, từ đó giúp màn hình tiết kiệm điện hơn. Nói tóm gọn lại, IGZO hứa hẹn sẽ giúp cho màn hình thiết bị có độ phân giải siêu cao giúp các nội dung hiển thị sắc nét hơn, tiết kiệm điện hơn và viền màn hình cũng có thể được thiết kế mỏng hơn, tạo sự "sexy" và sang trọng.

    Gallery Image

     IGZO giúp cho thiết vị có viền màn hình rất mỏng.

    IGZO giúp cho thiết vị có viền màn hình rất mỏng.

    Ưu điểm của IGZO là không còn phải nói thêm nhưng sự kỳ vọng vào công nghệ này nằm ở chỗ giá thành sản xuất của nó không quá đắt hơn so với công nghệ cũ, giúp cho giá sản phẩm không bị đội lên như các công nghệ khác. Computex 2013 đã chứng kiến bước tiến mới của nó mà cụ thể là đã có các sản phẩm thương mại xuất hiện và được bán ra trong thời gian tới. Lifebook UH90 của Fujitsu, hay màn hình 4K của Asus là các sản phẩm đi đầu Sharp công bố họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt màn hình IGZO cho laptop và chúng ta có thể kỳ vọng rằng nhiều nhà sản xuất sẽ áp dụng công nghệ mới trong tương lai gần.

    Thunderbolt 2

    Giao thức Thunderbolt đã không còn quá xa lạ về tên gọi nhưng vẫn chưa đủ độ gần gũi với người dùng bởi các hạn chế về giá thành và nhiều vấn đề khác nữa. Tại Computex 2013 năm nay, Intel tiếp tục công bố về công nghệ Thunderbolt mới của họ với 1 số cải tiến so với thế hệ cũ. Cụ thể, cổng Thunderbolt trước đây bao gồm một kênh DisplayPort để truyền hình ảnh và một kênh PCIe để truyền dữ liệu nhưng mỗi kênh này có băng thông tối đa 10 Gbps. Thunderbolt 2 cũng có cấu tạo và băng thông tương tự nhưng không còn bị giới hạn băng thông mỗi kênh là 10 Gbps như trước. Người dùng có thể tăng tốc độ của 1 kênh, hoặc PCIe, hoặc DisplayPort, lên tối đa 20Gbps.

    Intel công bố Thunderbolt 2, tăng băng thông lên 20 Gbps, hỗ trợ tốt hơn cho video 4K

    Thunderbolt 2 loại bỏ giới hạn băng thông 10 Gb/s mỗi kênh của thế hệ trước.

    Nguyên nhân được Intel đưa ra khi muốn thay thế chuẩn kết nối Thunderbolt cũ là vì hiện nay việc truyền tải các video 4K đòi hỏi băng thông trên 10 Gbps, thậm chí gần 20 Gbps. Mặc dù tốc độ của Thunderbolt nhanh hơn nhiều so với các công nghệ PC I/O hiện nay nhưng việc giới hạn băng thông 10 Gbps mỗi kênh sẽ khiến việc tải video 4K thường xuyên gặp phải tình trạng nghẽn. Chính vì giới hạn băng thông của thế hệ Thunderbolt trước mà người dùng phải sử dụng thêm cáp DisplayPort để xuất hình ảnh 4K từ máy tính ra màn hình ngoài. Với Thunderbolt 2, họ sẽ chỉ cần 1 sợi cáp duy nhất mà thôi.

    Tuy đã khắc phục được nhược điểm mà thế hệ cũ để lại, nhưng tương lai và độ phổ biến của Thunderbolt sẽ vẫn là một câu hỏi lớn mà Intel phải tìm câu trả lời. Mặc dù tốc độ của công nghệ này đã qua mặt USB 3.0 từ lâu và tương lai sẽ còn tăng thêm nữa nhưng "tốt hơn không có nghĩa là sẽ phổ biến hơn". Khi mà USB 3.0 đã được nhiều nhà sản xuất hỗ trợ và sử dụng trên nhiều thiết bị thì Thunderbolt vẫn chỉ có mặt trên một vài mẫu PC với giá bán "siêu đắt". Bởi thế, mặc dù là kẻ tiên phong nhưng ít nhất đến thời điểm hiện nay, khó có thể nói Thunderbolt sẽ là tương lai của PC.

    Màn hình vi tính 4K

    Chúng ta đã nghe nhiều về TV 4K nhưng màn hình vi tính 4K thì có lẽ đó là điều hiếm hoi. Tuy nhiên, tại Computex 2013 năm nay, Asus đã đi đầu trong công nghệ này. Chiếc màn hình Asus PQ321 mà hãng giới thiệu tại Hội chợ diễn ra ngay "sân nhà" có kích thước 31,5 inch độ phân giải 3840 x 2160 và được bán với giá gần 4000 USD.

    Asus ra mắt màn hình desktop siêu khủng: Panel IGZO, độ phân giải 4K

    PQ321 không chỉ tiên phong về độ phân giải cho màn hình vi tính mà nó còn sử dụng công nghệ IGZO tiên tiến đã nói ở trên. Tuy nhiên, công nghệ của Asus sẽ gặp nhiều rào cản để trở nên phổ biến. Bởi bên cạnh giá bán quá cao với hầu hết người dùng phổ thông, thì hiện nay, hầu hết các PC đều không đủ mạnh để có thể tận dụng được các ưu điểm của PQ321. Bản thân 1 số HĐH máy tính cũng có sự giới hạn về độ phân giải mà điển hình là OS X. Khi thử kết nối chiếc màn hình này với MacBook Pro Retina 2012 (sở hữu card đồ họa rời Geforce GT 650M), mặc dù trên lý thuyết card rời của Nvidia có khả năng xuất hình ảnh 4K nhưng bản thân OS X đã hạn chế độ phân giải được xuất ra ngang với độ phân giải của màn hình laptop là 2560×1600 (độ phân giải của màn hình Retina).

    Với máy tính Windows, tình hình có vẻ tốt hơn. Các GPU mới của Nvidia lẫn AMD đều hỗ trợ xuất các nội dung 4K và Windows cũng hỗ trợ tốt hơn OS X ở các thiết lập đa màn hình cũng như đa độ phân giải. Thử nghiệm cho thấy chỉ cần một chiếc desktop với card đồ họa GTX 660 Ti, HĐH Windows 8 có thể chạy thiết lập 3 màn hình (TV 4K 55 inch của Toshiba, 2 màn hình 27 inch độ phân giải 2560×1400 Samsung) với ứng dụng Adobe Premiere Pro CS6 mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của màn hình 4K trên Windows là ở mảng game. Ít có card đồ họa nào hiện nay có thể chạy game ở độ phân giải 4K bởi ở độ phân giải 3840×2160, GPU sẽ phải xử lý số pixel nhiều gấp 4 lần so với chuẩn full HD 1920×1080. Tựu chung lại, sức mạnh PC hiện nay vẫn còn nhiều giới hạn cho 1 công nghệ tiên phong như PQ321 và có lẽ nó sẽ chỉ dành cho một thị trường ngách là những nhà sản xuất phim hay những gamer "siêu hardcore" mà thôi.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày