3 lý do khiến màn đăng quang của Apple sẽ kết thúc chóng vánh

    Yến Thanh,  

    Câu chuyện phía sau báo cáo tài chính kỉ lục của Apple.

    Như chúng ta đã biết, vừa qua Apple đã có một quý kinh doanh khá thành công, khi doanh thu của hãng trong Q4/2015 đạt 51,5 tỷ USD và lợi nhuận là 11 tỷ USD. Đáng chú ý, những con số này thậm chí còn cao hơn cả quý kỷ lục trước đó, với doanh thu 42,1 tỷ USD và lợi nhuận đạt 8,5 tỷ USD. Với mức tăng trưởng doanh thu 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trưởng doanh thu cao nhất từ trước đến nay của Apple.

    Trong đó, doanh số iPhone được bán ra trong Q4/2015 đạt 48 triệu chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số iPad đạt 9,8 triệu máy, còn các sản phẩm như Apple TV, tai nghe Beats và một số nguồn thu nhỏ khác cũng đem về cho công ty 2,6 tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc, nơi được Apple toàn tâm toàn ý đầu tư cả về chất và lượng đã tăng trưởng tới 99% chỉ sau một năm, doanh thu đạt tới 12,51 tỷ USD.

    Chỉ cần nhìn vào những con số này, chúng ta có thể thấy, tình hình kinh doanh của Apple đã và đang đạt đỉnh, đồng thời thể hiện vị trí thống trị trong làng công nghệ thế giới. Bởi nếu nhìn sang đối thủ là nhà sản xuất Samsung, lợi nhuận hoạt động của Apple thu về nhiều hơn, trong khi doanh thu thấp hơn. Thế nhưng, hơn ai hết, CEO Tim Cook biết rằng, công ty của ông đang gặp phải khó khăn, nhiều hơn là thuận lợi.

    Giữ vững kỉ lục đã khó, xác lập kỉ lục mới còn khó hơn

     Hình ảnh rạng rỡ của CEO Tim Cook

    Hình ảnh rạng rỡ của CEO Tim Cook

    Dù không công bố con số cụ thể, nhưng chính Apple đã xác nhận, trong 1 tuần đầu mở bán bộ đôi iPhone 6s và iPhone 6s Plus, công ty này đã vận chuyển được hơn 13 triệu chiếc iPhone, vượt qua kỉ lục 10 triệu máy iPhone 6 và iPhone 6 Plus trong năm ngoái. Rõ ràng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho Apple, khi doanh số iPhone thế hệ mới luôn tạo ra được bất ngờ cho giới đầu tư.

    Tuy nhiên, đây chỉ đơn giản là một cuộc đua ngắn hạn của iPhone cũng như Apple trong năm nay. Việc xác lập ra kỉ lục trong 1 tuần đầu mở bán không có nghĩa Apple sẽ tiếp tục phá vỡ kỉ lục doanh số iPhone trong quý cuối năm. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự đoán rằng, có thể iPhone 6s trong năm nay sẽ còn ế ẩm hơn iPhone 6 trong năm ngoái.

    Giải thích cho những dự đoán này, một số chuyên gia cho biết. Sở dĩ bộ đôi iPhone trong năm ngoái được bán rất chạy là nhờ việc, đây là lần đầu tiên Apple tăng kích thước màn hình trên iPhone, thỏa mãn nhu cầu màn hình lớn của người dùng bao lâu nay. Ngoài ra, thiết kế của iPhone 6 và iPhone 6 Plus cũng tỏ ra khác biệt hoàn toàn các thế hệ trước đây.

    Tuy nhiên, nếu nhìn sang bộ đôi iPhone 6s và iPhone 6s Plus trong năm nay, sự khác biệt là không rõ rệt. Hiệu năng được cải thiện và công nghệ 3D Touch của iPhone thế hệ mới đều là những yếu tố rất tuyệt. Nhưng chừng đó là chưa đủ với người dùng. Điều này giải thích tại sao, nhiều nhà cung ứng cho hay, Apple đã bắt đầu cắt giảm các đơn đặt hàng iPhone do doanh số không đạt mức kì vọng.

    30% người mua iPhone trong Q4/2015 chuyển sang từ Android, vậy chiều ngược lại là bao nhiêu ?

     Android và iOS là sự chuyển dịch 2 chiều

    Android và iOS là sự chuyển dịch 2 chiều

    Cũng trong khuôn khổ báo cáo tài chính vừa qua, CEO Tim Cook cho biết, ông rất lấy làm tự hào khi số lượng người dùng mua mới iPhone trong Q4/2015 đã chuyển từ Android sang là rất lớn, chiếm khoảng 30% doanh số iPhone trong quý tài chính vừa qua. Đây được xem là con số ấn tượng trong 3 năm gần nhất, kể từ khi Apple bắt đầu đưa ra thống kê lượng người dùng chuyển từ smartphone Android sang iOS.

    Điều này cũng đồng nghĩa, iPhone đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt người dùng hơn, đặc biệt là tại các nước đang phát triển tại châu Á, cũng như thị trường Trung Quốc. Bằng cách tung ra ứng dụng "Move to iOS", với mục tiêu giúp người dùng Android chuyển sang sử dụng iPhone thuận tiện, đơn giản hơn, Apple đã bước đầu thành công với hướng đi này.

    Tuy nhiên, trên thực tế, có đi thì cũng có lại. Bản thân Apple nói rằng người dùng Android chuyển sang sử dụng iPhone rất nhiều, nhưng lại không cung cấp số lượng người dùng đã chuyển dịch theo hướng từ iOS sang Android. Điều này đồng nghĩa, không ai trong số Apple cũng như các nhà sản xuất Android được hưởng lợi khi mất đi những người dùng trung thành.

    Có chăng, Apple sẽ hưởng lợi nhiều hơn bởi iOS chỉ có một, còn Android là miếng bánh mà bất kì công ty nào cũng xâu xé. Tất nhiên, về phía Google và cả Samsung, họ đều tung ra các ứng dụng chuyển đổi từ iPhone sang Android truyền thống, nhưng chưa hề công bố số lượng người dùng chuyển dịch cụ thể. Do đó, chắc chắn Apple không thể lấy con số 30% trong Q4/2015 để làm vui.

    Thị trường di động Trung Quốc có còn màu mỡ ?

     Apple đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhưng tương lai của thị trường này vẫn là một câu hỏi lớn

    Apple đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhưng tương lai của thị trường này vẫn là một câu hỏi lớn

    Không riêng gì Apple, mà hầu hết các nhà sản xuất điện thoại lớn nhất hiện nay đều rất quan tâm tới thị trường di động Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự đầu tư nghiêm túc và kiên quyết, hiện tại Apple đã có 24 cửa hàng bán lẻ tại nước này và dự định sẽ nâng con số này lên 40 cửa hàng vào giữa năm 2016. Nhờ đó, doanh thu của Apple tại Trung Quốc trong Q4/2015 vừa qua đã đạt tới 12,51 tỷ USD, tăng trưởng 99% sau một năm.

    Phải khẳng định rằng, Apple đang ăn nên làm ra tại đất nước đông dân nhất thế giới. Ở điểm này, Apple đã đúng. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, tính cho tới thời điểm hiện tại, thị trường di động Trung Quốc đã không còn màu mỡ như một năm trước đó. Bởi theo những báo cáo từ những ngày đầu năm 2015, lượng smartphone được vận chuyển tại Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm sút.

    Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên sau 6 năm, thị trường smartphone tại Trung Quốc ghi nhận dấu hiệu sụt giảm này. Theo các chuyên gia, lý do cơ bản chính là việc các khách hàng lần đầu sử dụng smartphone đã gần như đã biến mất. Tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone tại đất nước đông dân nhất thế giới đã lên tới 90%, điều này đồng nghĩa ai cũng sở hữu ít nhất 1 chiếc smartphone, bất kì chủng loại và phân khúc.

    Điều này đồng nghĩa, thị trường di động Trung Quốc đã quá "no nê", kéo theo những cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Và họ phải đối đầu với các nhà sản xuất nội địa với các sản phẩm giá rẻ, đi kèm cấu hình cao, thay vì thỏa sức tung hoành ở phân khúc cao cấp như trước đây. Do đó, mức độ tăng trưởng doanh số iPhone tại Trung Quốc trong những ngày đầu năm sau sẽ là câu hỏi lớn với Apple.

    Kết luận lại, với 3 lý do trên đây, chắc chắn Apple sẽ không thể ngay lập tức đánh mất thứ hạng của mình trong làng di động thế giới. Thế nhưng, đây rõ ràng là 3 nỗi lo lớn nhất của dòng sản phẩm Apple iPhone ở thời điểm này. Và như người ta thường nói, sau khi đạt đỉnh sẽ là suy thoái. Hy vọng, thời điểm đó sẽ không quá sớm, nhất là cuộc đua trên thị trường di động đang diễn ra rất hấp dẫn hiện nay.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày