30 năm trước là người Syria đầu tiên bay vào vũ trụ, 30 năm sau là dân tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hồi ức đẹp đẽ năm nào giờ tan biến, Muhammed Faris đang phải chật vật với cảnh màn trời chiếu đất cùng hàng trăm ngàn người dân tị nạn Syria.
Từng thỏa sức vẫy vùng tại nơi cách Trái đất hàng trăm dặm, cựu phi hành gia 64 tuổi người Syria, ông Muhammed Faris, nay đang sống trong cảnh không khác cầm tù là mấy khi phải cùng gia đình chống chọi với cơn khủng hoảng nhân đạo có lẽ là tồi tệ nhất cuộc đời ông. Faris, người Syria đầu tiên bay vào vũ trụ, hiện đang là dân tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ The Guardian đưa tin, người đàn ông này được cho là đang sống tại một khu đổ nát cùng vợ và 3 người con tại thành phố Bursa, phía đông Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi đã tận mắt quan sát Trái đất từ ngoài vũ trụ. Trái đất của chúng ta trông tròn như một quả bóng, thậm chí còn chẳng có lấy một đường ngăn cách", Faris trải lòng trước phóng viên thông tấn xã The Associated Press. “Lúc ấy, cảm tưởng như giữa các quốc gia còn chẳng có bất kỳ một cánh cổng nào. Nhìn từ nơi đó, Trái đất như thể một gia đình lớn”.
Ông Muhammed Faris bên cạnh hồi ức đẹp đẽ 30 năm trước.
Khi được chọn tham gia vào sứ mệnh phóng tàu vũ trụ Mir do Liên Xô chủ trì vào năm 1987, Muhammed Faris đang giữ hàm đại tá trong lực lượng Không quân Syria. Sự kiện này đã khiến ông trở thành người Syria đầu tiên và đến giờ vẫn là công dân Syria duy nhất từng thám hiểm vũ trụ.
Sau 1 tuần trải nghiệm ngoài không gian, ông vinh dự được nhận Huân chương Lenin và được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vinh danh với Giải thưởng Anh hùng Liên bang Xô viết. Trở về quê hương Syria, ông lại tiếp tục những công việc quen thuộc như giảng dạy chuyên ngành hàng không hay cố vấn quân sự cho chính phủ Syria.
Khi bạo động Syria bắt đầu nổ ra vào năm 2011, Faris cùng vợ tham gia vào nhiều cuộc biểu tình phi bạo lực chống lại Tổng thống Bashar Assad tại thủ đô Damascus. Chứng kiến sự tàn bạo đến cực đoan của quân đội Syria, ông quyết định đưa gia đình chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2012, nơi họ vẫn đang sinh sống như những người tị nạn.
Phi hành đoàn 30 năm trước của Faris.
"Đây đơn giản là một sự lựa chọn. Thay vì sống như một vị anh hùng hết thời giữa cảnh đồng bào phải chịu bao tổn thất, tôi thà sống tha hương cầu thực để không bao giờ phải hổ thẹn với bản thân", câu nói gây nhiều cảm xúc của Faris đã được tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ ghi lại, khiến tên tuổi của ông được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.
Hiện tại, Faris đang nỗ lực tận dụng sức ảnh hưởng của bản thân, nhằm hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra biện pháp ứng phó với cơn khủng hoảng tị nạn đang ngày một tồi tệ này. Ông cũng thường xuyên tư vấn quân sự cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trang The Associated Press, Faris khẳng định chắc nịch, cách duy nhất để chấm dứt cơn ác mộng này chính là đặt dấu chấm hết cho chế độ độc tài của Tổng thống Syria: “Tôi đã gửi thông điệp tới châu Âu rằng, nếu các ông không muốn tiếp thêm dân tị nạn nữa thì hãy giúp chúng tôi thoát khỏi chế độ tàn nhẫn này”.
Mặc dù từng được Liên Xô tạo cơ hội khám phá vũ trụ "ngàn năm có một", Faris vẫn gay gắt chỉ trích sự can thiệp quân sự của Moscow vào cuộc chiến tranh, thậm chí còn thẳng thừng từ chối không ít lời mời tới các sự kiện ở Nga. Ông tuyên bố trên nhật báo Habertürk của Thổ Nhĩ Kỳ: "Tôi nói với họ rằng sẽ nhận lời mời nếu được thông qua một điều kiện nhỏ. Rằng họ phải ngừng ngay việc chống lưng cho Assad. Không đời nào tôi chịu bắt tay với những kẻ đang nối giáo cho giặc".
Kể từ những vụ bạo động đầu tiên cách đây 5 năm, cuộc sống hàng ngày của người dân Syria chỉ xoay quanh số liệu thương vong và những đống đổ nát.
"Bọn họ chính là những kẻ giết người, là những tên tội phạm cổ vũ cho tội ác hoành hành", Faris bức xúc lên tiếng trên tờ The Guardian. Theo thống kê, quân đội Nga được cho là đã giết hại nhiều dân thường hơn cả những đối tượng bị tình nghi thuộc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Theo yêu cầu của chính phủ Syria, Nga bắt đầu các cuộc không kích vào tháng 9/2015 nhằm chống lại phiến quân và các nhóm thánh chiến. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách Syria, tính từ những cuộc xung đột đầu tiên nổ ra cách đây 5 năm, gần nửa triệu dân Syria đã phải bỏ mạng oan uổng.
Theo thống kê năm 2015 của Liên hợp quốc, đã có ít nhất 7,6 triệu người dân Syria hiện đang di tản, và hàng triệu người khác đang tìm cách thoát khỏi chính đất nước mình. Ngay lúc này đây, hàng trăm ngàn người Syria vẫn đang mòn mỏi chờ đợi quyết định nhập cư được các nước châu Âu thông qua, những nơi đang ngày một thắt chặt biên giới nhằm giảm thiểu nguy cơ do dân tị nạn mang lại.
Faris ngậm ngùi chia sẻ: "Ước mơ cháy bỏng của tôi là được sống thư thả tại quê hương mình, ngồi trong vườn nhà, ngắm mấy đứa trẻ con nô đùa chẳng e dè bom đạn... Chúng tôi rồi sẽ được về nhà, tôi chắc chắn đấy".
Tham khảo HuffingtonPost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng