4 lý do khiến tai nghe USB-C không bao giờ trở nên phổ biến
Nổi bật trong các lý do trên là nhu cầu èo uột cũng như chi phí quá cao khiến cơ hội để tai nghe USB-C trở nên phổ biến ngày càng xa vời.
Một trong những nỗi đau đớn nhất của việc loại bỏ các jack cắm tai nghe trên smartphone là việc thiếu vắng một sự thay thế hợp lý. Mọi công ty khi loại bỏ jack cắm tai nghe analog trên thiết bị của họ đều nói với bạn hãy chuyển sang dùng tai nghe không dây, nhưng nếu bạn không muốn có thêm một thiết bị phải sạc thường xuyên, hay nếu bạn thay đổi thiết bị thường xuyên và không muốn phải liên tục gặp phải vấn đề khi bắt cặp Bluetooth mỗi ngày?
Lúc này các tai nghe USB-C có vẻ là sự lựa chọn hoàn hảo, hợp lý nhất cho vấn đề đau đầu về kết nối cổng âm thanh bằng cách cho phép người dùng Android và phần lớn các laptop mới ra mắt cắm cổng kỹ thuật số này vào để thay thế cho jack cắm tai nghe đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, những tai nghe như vậy vẫn còn khá hiếm hoi và đắt đỏ, một tình trạng có vẻ không bao giờ được khắc phục.
Dưới đây là lý do tại sao các tai nghe USB-C có vẻ khó trở thành một loại sản phẩm phổ biến:
Apple và Samsung không quan tâm đến nó
Nhân tố rõ ràng nhất chống lại việc phổ biến các tai nghe USB-C là hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới không cần đến chúng. Những chiếc iPhone của Apple có thể không có jack cắm tai nghe nhưng nó cũng không có cổng cắm USB-C, còn những thiết bị của Samsung vẫn giữ lại jack cắm tai nghe 3.5mm.
Mọi chuyện có thể sẽ thay đổi đáng kể nếu Samsung từ bỏ kết nối analog này, nhưng cho đến giờ thị trường cho các tai nghe với chân cắm USB-C vẫn rất hạn chế khi nhu cầu từ hai thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới là không đáng kể. Cách duy nhất để một nhà sản xuất tai nghe có thể hoạt động với thiết bị của hai thương hiệu này là kết nối không dây qua Bluetooth.
USB-C không phải món đồ miễn phí
Tại hội chợ CES vào tháng Một vừa qua, hãng Jabra lý giải tại sao tai nghe không dây mới của công ty, chiếc earbud Elite 65t vẫn được sạc qua cổng micro USB. Câu trả lời đơn giản nằm ở chi phí. Dù việc sử dụng cổng USB-C cho tai nghe sẽ liền mạch cho người dùng khi họ có thể sạc cho cả laptop và điện thoại, nhưng nó sẽ đẩy giá thành chiếc Elite 65t lên mức giá cao hơn.
Chi phí cũng là lý do tương tự cho việc Synaptics giới thiệu cổng quét vân tay OQI My Lockey với cổng USB-A thay vì USB-C, dù là sản phẩm nhắm đến các khách hàng doanh nghiệp. Phó chủ tịch Synaptics, Godfrey Cheng cho biết, dùng cổng sạc USB-C sẽ làm giá thành đắt thêm 25%, từ một sản phẩm 100 USD lên 125 USD. Ông Cheng cũng nhấn mạnh rằng đó là một khác biệt không nhỏ về chi phí giữa việc sử dụng một cáp USB-C chỉ để sạc và và một cáp khác chỉ để truyền dữ liệu.
USB-C không phổ quát
Như thường thấy trong thế giới công nghệ, khi một sợi cáp vừa với một cổng cắm, bất kỳ sợi cáp tương thích nào cũng sẽ giống như nhau. Tuy nhiên điều này lại không hoàn toàn đúng với USB-C. Một số cổng USB-C có cổng Thunderbolt 3 cho băng thông dữ liệu cao hơn, nhưng phần lớn lại không có. Có cổng USB-C có thể sạc cho thiết bị đang sử dụng, nhưng không phải tất cả đều như vậy.
Ngoài ra bạn có các loại cáp USB-C tuân theo các chuẩn và thông số khác nhau, một vài trong số chúng hỗ trợ truyền dữ liệu, một số khác chỉ đóng vai trò như dây sạc dẫn điện. Vì vậy, mặc dù cái tên USB-C dùng chung cho tất cả loại cáp và cổng này, chúng lại không có trải nghiệm “phổ quát” cho tất cả phụ kiện và thiết bị hỗ trợ nó.
Kết nối không dây là chuẩn phổ quát đích thực
Thách thức lớn nhất cho USB-C khi muốn trở thành sự thay thế tốt cho jack cắm tai nghe 3.5mm cổ điển chính là tai nghe Bluetooth. Bluetooth cũng có các vấn đề của riêng mình, bao gồm cả việc suy giảm chất lượng và độ trễ, nhưng nó đang được nỗ lực giải quyết. Chính sự khác biệt lớn về tiềm năng thị trường giữa âm thanh Bluetooth và USB-C, hầu như không ai dành thời gian sửa chữa cho USB-C trong khi mọi người đều tập trung vào cải thiện chất lượng âm thanh không dây.
Audio-Technica, Beyerdynamic, Sennheiser đều đang đưa ra các cam kết mở rộng hơn nữa dòng tai nghe không dây, thậm chí cho cả tai nghe gaming. Tương lai của thiết bị âm thanh tiêu dùng gần như chắc chắn nằm ở kết nối không dây.
Trong khi đó, với những tín đồ âm thanh, họ đều đã có các sợi cáp 3.5mm, 6.35mm và XLR. Những kết nối analog cổ điển đó cho phép họ sử dụng được các bộ khuếch đại chuyên dụng và DAC. Điều này càng khiến họ ít quan tâm hơn đến việc thêm vào một kết nối kỹ thuật số khác.
Dù không nhiều hy vọng với tai nghe, nhưng có lẽ tương lai chắc chắn của USB-C sẽ nằm ở khả năng sạc điện – vốn đã được chấp nhận. Apple đã đưa USB-C vào làm cổng sạc trên dòng MacBook, Google cũng làm tương tự với Chromebook, Lenovo với những chiếc ThinkPad. Đó là chưa kể đến những smartphone Android. Khi USB-C trở nên phổ biến hơn, có lẽ giá thành của các phụ kiện và cáp USB-C sẽ hạ xuống, và ta sẽ có quyền mơ về những tai nghe không dây với kết nối USB-C làm dự phòng.
Tham khảo The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng