5 cách cơ bản giúp tăng tốc smartphone Android

    Yến Thanh,  

    Theo thời gian, hiệu suất hoạt động của smartphone Android sẽ chậm lại, vậy làm sao để giúp các thiết bị này lấy lại "phong độ" như ban đầu?

    Khi lần đầu tiên sử dụng một chiếc smartphone Android mới, bạn sẽ phải rất ngạc nhiên vì nó chạy nhanh và mượt mà làm sao. Tuy nhiên, theo thời gian sử dụng thì bạn dễ nhận thấy hiệu suất hoạt động cũng như phản hồi thao tác của Android sẽ chậm lại, và chắc lúc này bạn sẽ học được tính "kiên nhẫn" khi sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, bạn có thể nhanh chóng giúp smartphone Android lấy lại "phong độ" như ban đầu.

    Trên kho ứng dụng Google Play có rất nhiều các ứng dụng của bên thứ 3 giúp người dùng dọn dẹp và tối ưu hóa thiết bị Android để tăng tốc và cải thiện hiệu suất hoạt động. Nhưng nếu bạn không tin cậy vào những ứng dụng dạng này, bạn có thể tiến hành "tăng tốc" cho chiếc điện thoại Android yêu dấu theo cách thủ công, với 5 phương pháp sau đây.

    1. Gỡ bỏ các ứng dụng không dùng tới

    Trong quá trình sử dụng, có thể bạn đã tải rất nhiều hình ảnh, video và ứng dụng từ Playstore, khiến cho bộ nhớ của thiết bị ngày càng quá tải. Tất cả những thứ ấy chính là nguyên nhân làm cho bạn cảm thấy thiết bị của mình ngày càng chậm chạp.

    Ngay cả khi không dùng, không mở thì những phần mềm này vẫn chiếm dụng tài nguyên máy như bộ xử lý CPU, RAM hay ít nhất là chiếm bộ nhớ lưu trữ. Để khắc phục vấn đề này, người dùng cần tìm ra những phần mềm mình không có nhu cầu sử dụng và gỡ bỏ khỏi máy.

    Để gỡ bỏ ứng dụng trên Android, chúng ta cần truy cập đến menu Settings và tìm thẻ quản lý ứng dụng Apps Manager. Thiết bị sẽ liệt kê các phần mềm cài trên máy, chọn ứng dụng cần xóa và bấm nút Uninstall để gỡ bỏ. Ngược lại, người dùng cũng có thể tải lại những ứng dụng đã xóa, kể cả những phần mềm trả phí.

    2. Tăng không gian bộ nhớ trống

    Theo thời gian sử dụng, bộ nhớ lưu trữ của smartphone hay máy tính bảng sẽ dần được lấp đầy bởi vô số ảnh, video hay các dữ liệu tải về... Điều này phần nào khiến máy Android chạy chậm đi, thiết bị mất nhiều thời gian để truy suất dữ liệu.

    Xóa ảnh, video hay những bản nhạc không cần thiết là cách đơn giản nhất để cải thiện vấn đề này. Hiện nay, việc chụp hình, quay phim thường phục vụ cho nhu cầu chia sẻ lên mạng xã hội, nên sau khi đăng là hầu như bạn không dùng đến nữa.

    Tuy vậy, khác với dọn dẹp phần mềm, ảnh hay video là những dữ liệu duy nhất nên cần chắc chắn trước khi xóa. Với những tập tin ít sử dụng nhưng vẫn có nhu cầu lưu trữ, người dùng có thể chuyển lên các dịch vụ điện toán đám mây như Dropbox, One Driver, Google Driver... và tải về khi cần thiết.

    3. Xóa bộ nhớ đệm của ứng dụng

    Một số các ứng dụng Android sẽ phát sinh ra các dữ liệu cache để tăng hiệu suất hoạt động, đơn cử là các trình duyệt web trên Android. Việc này đôi khi dẫn đến sự quá tải về bộ nhớ hệ thống, làm cho thiết bị hoạt động xử lí trở nên chậm chạp dần do thiếu bộ nhớ.

    Chẳng hạn, file cài đặt Facebook trên Android có dung lượng khoảng 27 MB, nhưng cộng thêm dữ liệu đệm có thể kiến nó chiếm tới 200 MB. Cached data nhiều đôi khi còn khiến phần mềm hoạt động không hiệu quả do liên tục bị ghi đè, tốn tài nguyên bộ xử lý để truy xuất.

    Vì thế bạn nên thường xuyên xóa các dữ liệu cache để giảm tải cho hệ thống. Bạn hãy truy cập vào mục Settings của các ứng dụng có sử dụng bộ nhớ cache như Google và nhấn vào nút lệnh xóa cache (Clear cache) để làm sạch dữ liệu cache.

    4. Kiểm tra lại thẻ nhớ

    Với nhiều người dùng Android, việc sở hữu một chiếc smartphone có hỗ trợ thể nhớ là một điều tương đối tự hào. Thế nhưng, đôi khi đây lại là một trong những nguyên nhân khiến thiết bị chạy chậm hoặc bị lỗi. Lời khuyên đưa ra là hãy luôn kiểm tra dữ liệu trên thẻ nhớ, hoặc đặt định dạng lại để xóa các file không cần thiết.

    Người dùng có thể làm việc này nhanh hơn với máy tính. Đầu tiên, ngắt kết nối an toàn cho thẻ nhớ bằng cách tắt nguồn máy rồi tháo thẻ. Lắp thẻ vào máy tính thông qua đầu đọc hoặc khe cắm có sẵn, sau đó sao lưu toàn bộ dữ liệu trên thẻ vào máy tính.

    Cắm thẻ nhớ vào điện thoại và bật nguồn. Hãy định dạng thẻ bằng chính smartphone để đảm bảo tính tương thích. Chỉ copy những file cần thiết đã sao lưu trên máy tính vào điện thoại. Việc làm này có thể khiến một số phần mềm gặp lỗi do dữ liệu được đặt trên thẻ nhớ. Cách khắc phục là cài lại ứng dụng đó từ kho Play Store.

    5. Khôi phục cài đặt gốc

    Đưa máy về trạng thái xuất xưởng (Factory reset) thường là cách cuối cùng để người dùng có được những trải nghiệm như lúc mới mua máy. Toàn bộ dữ liệu như tin nhắn, hình ảnh...sẽ bị xóa "trắng" khỏi máy, tuy nhiên các bản cập nhật firmware thì vẫn được giữ lại.

    Để thực hiện phương pháp này, hãy đảm bảo việc sao lưu dữ liệu cần thiết, máy nên còn trên 50% pin. Trên thiết bị Android, truy cập cài đặt và tìm đến mục Backup and reset. Chọn Factory data reset và xác nhận việc đưa máy về trạng thái xuất xưởng.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày