Lương thấp, đãi ngộ không tốt, môi trường không phù hợp, công việc thiếu hấp dẫn... là những lý do khiến nhân viên thay đổi công việc. Và cũng có muôn vàn lý do đang yên đang lành thì nhân viên bỗng dưng tuyên bố nghỉ việc, khiến cho người quản lý lẫn công ty ngỡ ngàng.
Hãy cùng tham khảo các nguyên nhân phổ biến sau đây theo chia sẻ của Trưởng phòng Nhân sự CareerLink để có hướng khắc phục nhé.
Tìm việc nhanh và hiệu quả tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
Công việc quá tải
Dù có "ba đầu, sáu tay", tài giỏi đến mấy thì nếu bị giao quá nhiều việc nhân viên cũng sẽ dễ "ngộ độc" vì quá tải và mong muốn tìm lối thoát thân ở một nơi khác. Điều đáng buồn là có khá ít vị sếp nhận ra điều đó. Để không chậm tiến độ, sếp thường giao mọi thứ cho một nhân viên giỏi với hàng tá nhiệm vụ khó khăn, khiến họ ngập đầu trong mới bòng bong công việc, trong khi những nhân viên yếu kém hơn lại thảnh thơi với vài ba công việc dễ dàng. Việc phải thường xuyên đối mặt với sự quá tải công việc kèm thêm nỗi ức chế vì nghĩ sếp thiên vị sẽ là động lực để nhân viên tìm kiếm lý do thôi việc. Và biết đâu, trong một cơn "bốc hỏa" vì quá tải công việc họ sẽ đột ngột dứt áo ra đi để tìm một nơi khác "bình yên" hơn.
Vậy nên, đừng quá lạm dụng tài năng của nhân viên giỏi, hãy phân chia công việc một cách khoa học. Hoặc trong trường hợp cấp bách, bắt buộc phải sử dụng tối đa "chất xám" của nhân viên giỏi, hãy cho họ đãi ngộ tương xứng như tăng lương hay thăng chức, để khích lệ, động viên họ gắn bó với công ty.
Lý do cá nhân
Những ví dụ cụ thể minh chứng cho lý do cá nhân có ảnh hưởng rất lớn đến việc nhân viên quyết định nghỉ việc đột ngột, chẳng hạn: bỗng dưng kết hôn, du học, mở công ty riêng, ở nhà chăm sóc con cái,… Bên cạnh đó, những cú sốc tâm lý trong cuộc sống thường ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc nhân viên bỏ việc: Sức khỏe không tốt hoặc người thân đau ốm cần có người chăm sóc, buồn bực trong chuyện tình cảm, gia đình… khiến nhân viên có xu hướng muốn bỏ việc. Những lý do bất khả kháng có phần riêng tư đôi khi lại là nguyên nhân khiến nhân viên nhất thời có quyết định nghỉ việc. Vì vậy, ngoài sâu sát trong công việc, công ty cũng cần quan tâm đến đời sống riêng tư của nhân viên để kịp thời giúp đỡ, tạo điều kiện để họ có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Công ty chậm trễ lương
"Có thực mới vực được đạo" – quy luật bất thành văn cho bất cứ ai đi làm. Niềm hạnh phúc lớn nhất với hầu hết mọi người chính là lúc điện thoại "ting ting" báo "máu đã về tim" sau một tháng dài đằng đẵng ngóng chờ. Nào tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền mua sắm, đám tiệc… đều đang chờ khoản tiền lương giải quyết dùm. Thế nên đến hẹn rồi mà lương vẫn không về, một hai ngày trôi đi dài hơn cả thế kỷ. Dù bạn có thể là nhân viên hay quản lý đi chăng nữa thì tất cả đều có chung một nỗi lo lắng không hề nhẹ mang tên "chậm lương". Nếu tình trạng trên cứ lặp đi lặp lại thì mối hoài nghi về tình trạng kinh doanh của công ty trong lòng nhân viên càng lớn. Rất nhiều người đã không đủ dũng cảm và kiên nhẫn để chờ đợi dẫn đến quyết định ra đi để tìm một nơi khác ổn định hơn cũng là đều hoàn toàn dễ hiểu.
Bất hòa với đồng nghiệp
Hơn cả bạn bè, người thân... đồng nghiệp là người mà nhân viên phải dành 5 ngày 1 tuần chạm mặt, 8 tiếng 1 ngày tương đương ⅓ thời gian trong ngày để "sống" cùng. Đồng nghiệp là người ngồi cùng phòng, cùng bàn, hít thở chung bầu không khí, có ảnh hưởng tương tác và đôi khi còn quyết định đến việc nhân viên đi hay ở.
Thực tế, trong nhiều trường hợp, lý do cho việc ở lại của một cá nhân là họ cảm thấy có những người đồng nghiệp tốt, họ cảm thấy công việc thoải mát, vui vẻ, thú vị. Ngược lại, những bất hòa với đồng nghiệp luôn tạo nên không khí căng thẳng, áp lực, tâm lý chán nản, mọi việc đều không mấy suôn sẻ. Kết quả của những cãi vã không thể dung hòa tất yếu sẽ là những cuộc chia tay đáng tiếc. Do vậy, quản lý cần chú ý và can thiệp đúng lúc nếu cảm thấy có sự bất hòa mà nhân viên không có khả năng tự giải quyết trước khi quá muộn.
Cãi nhau với sếp
Giữa sếp và nhân viên luôn tồn tại một mối quan hệ hai chiều, vừa phụ thuộc lại vừa tranh đấu. "Một con én không thể làm nên mùa xuân", vì vậy sếp có tài giỏi đến mấy cũng cần nhân viên, ngược lại sếp chính là "kim chỉ nam" trong mọi công việc của cấp dưới. Thế nhưng, bên cạnh mối quan hệ tưởng chừng không thể tách rời đó lại luôn có một cuộc chiến âm ỉ, kéo dài dai dẳng và không có hồi kết giữa sếp và nhân viên. Những mâu thuẫn ngày càng gia tăng và đôi khi cuộc "khẩu chiến" chỉ vì một lý do "lãng xẹt" cũng là giọt nước tràn ly khiến nhân viên ngay lập viết đơn thôi việc. Mâu thuẫn với sếp cùng là lý do số 1 để nhân viên đột ngột nghỉ việc, cần phải được quan tâm đúng mức và xử lý triệt để.
Tóm lại, bất cứ công ty nào cũng hiểu càng có nhiều nhân sự thạo việc gắn bó "chung thủy" thì guồng quay của toàn doanh nghiệp càng hoạt động trơn tru, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo... Chính vì vậy, việc tìm ra các biện pháp để "giữ chân" nhân viên là vấn đề tiên quyết của nhà quản lý và bộ phận tuyển dụng. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn hơn trong việc nhân viên đột ngột bỏ việc để tìm ra cách phòng ngừa và ứng biến trong từng trường hợp cụ thể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng