Vì tính chất "mới" nên đã có rất nhiều người dùng tỏ ra thèm khát chuẩn USB này, dù chưa hề biết rõ về USB Type-C.
Trong thời gian gần đây, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về chuẩn USB Type-C trên các thiết bị thông minh như smartphone, tablet hay laptop. Vì tính chất "mới" nên đã có rất nhiều người dùng tỏ ra thèm khát chuẩn USB này, dù chưa hề biết rõ về USB Type-C.
Về cơ bản, đây là 1 chuẩn USB mới với đầu jack kết nối có thể cắm cả 2 mặt. Điều này đồng nghĩa, trong tương lai, chúng ta sẽ không cần phân biệt đầu cắm như những cổng USB trước đây. Bên cạnh đó, kích thước đầu kết nối của USB Type-C nhỏ gọn hơn so với Type-A truyền thống.
Dây cáp chuẩn USB Type-C trên chiếc OnePlus 2
Một minh chứng đơn giản nhất chính là việc Apple đã giới thiệu dòng laptop Macbook 12 inch với chuẩn kết nối USB 3.1 Type-C. Với bước đi này, Apple đã nổ một phát súng tiên phong trong việc áp dụng chuẩn công nghệ USB mới, cũng như các hãng sản xuất khác bắt đầu chú tâm đến nhiều hơn và sự xuất hiện của các thiết bị sử dụng cổng USB Type-C bắt đầu nhen nhóm từ đây.
Ngoài ra, USB 3.1 có tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn rất nhiều, đạt mức 10Gbps (gigabits/giây), gấp đôi so với tốc độ của USB 3.0 hiện nay. Không những truyền tại dữ liệu nhanh mà USB 3.1 còn có khả năng tải điện năng lên tới 100 Watt. Điều đó cũng có nghĩa, người dùng có thể sạc các thiết bị ngoại vi bằng cáp USB nhanh hơn rất nhiều.
Do đó, với những ưu điểm vượt trội về tốc độ truyền tải nhanh, khả năng sạc, kích thước và tính tiện dụng, có thể thấy USB 3.1 Type-C đang được một số nhà sản xuất smartphone sử dụng.
Tiện lợi và hiệu quả là vậy, nhưng với 5 lý do sau đây, có thể bạn sẽ cảm thấy thôi mong ngóng về chuẩn USB Type-C trên smartphone.
1. Type-C nhưng chưa chắc đã sạc nhanh
Một trong những quan niệm sai lầm khá phổ biến về USB Type-C đó là chuẩn mới sạc nhanh hơn so với các chuẩn USB hiện tại. Trên thực tế, chuẩn USB Type-C chỉ liên quan tới câu chuyện thiết kế vật lý của đầu kết nối đó. Để có tốc độ sạc pin trên smartphone nhanh hơn, chúng ta vẫn cần tới sự tương thích giữa chuẩn USB Type-C và các chip quản lý dòng điện sạc di động.
Một minh chứng rõ ràng nhất cho chuẩn USB Type-C sạc pin còn... chậm hơn các chuẩn sạc cũ là chiếc smartphone OnePlus 2. Chúng ta đều biết rằng, máy hỗ trợ đầu sạc USB Type-C mới nhất, nhưng thực chất lại chỉ sử dụng chuẩn kết nối USB 2.0. Việc thiếu hụt khả năng sạc nhanh trên OnePlus 2 chứng tỏ các công ty sản xuất chip quản lý sạc và bộ sạc chưa làm việc hoặc chưa trả phí nhượng quyền công nghệ cho Qualcomm, công ty sở hữu bằng sáng chế Quick Charge độc quyền.
2. USB Type-C không cho tốc độ truyền tải nhanh hơn
Chuẩn USB 3.1 Type C trên Macbook mới
Quan niệm sai lầm thứ 2 về USB Type-C chính là các dây cáp loại này sẽ cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn. Tương tự như trường hợp đầu tiên, USB Type-A, USB Type-B hay USB Type-C là cách để các nhà sản xuất phân biệt về chuẩn của đầu kết nối. Còn tốc độ truyền tải của cáp USB Type-C phải phụ thuộc vào đó là chuẩn USB 2.0, USB 3.0 hay USB 3.1.
Như đã đề cập ở trên, cùng là đầu sạc USB Type-C, nhưng cáp sạc USB 3.1 của Macbook 12 inch sẽ cho tốc độ truyền tải cao hơn, trong khi cáp sạc USB 2.0 trên OnePlus 2 cho tốc độ kết nối chậm hơn. Suy rộng ra, có thể smartphone của bạn hỗ trợ chuẩn USB 3.1 Type-C, nhưng nếu máy tính chỉ hỗ trợ chuẩn 2.0, việc truyền tải tốc độ cao cũng không diễn ra. Việc đảm bảo được tốc độ truyền tải 10Gbps (gigabits/giây) cần tới sự đồng bộ về chuẩn USB 3.1 trên cả 2 thiết bị.
3. USB Type-C không thích hợp cho những chuyến đi xa
Thông thường, nếu lỡ quên dây cáp microUSB khi đi du lịch hoặc đi công tác xa, chúng ta có thể hoàn toàn mượn phụ kiện của những người xung quanh. Thế nhưng, với smartphone chỉ hỗ trợ chuẩn USB Type-C mới, đây thực sự là một thảm họa. Bởi USB Type-C vẫn là một chuẩn kết nối mới, chưa hỗ trợ nhiều trên các smartphone hay laptop hiện hành.
Các thiết bị hỗ trợ chuẩn kết nối này hầu như chỉ được đếm trên đầu ngón tay nếu tính riêng tại sự kiện IFA trong năm nay. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế, nếu lỡ quên cáp sạc, hoặc sẽ phải "offline" dài dài, hoặc luôn kè kè cáp sạc theo người, hoặc phải mua riêng một thiết bị chuyển đổi đầu sạc từ USB Type-A sang USB Type-C.
4. Chuẩn Type-C khá hiếm và đắt đỏ
LeTV là một trong số ít thương hiệu smartphone đã áp dụng chuẩn USB Type-C
Ngoài ra, nếu quyết định sở hữu một thiết bị chỉ hỗ trợ chuẩn USB Type-C ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng khó lòng tìm ra một sợi cáp thay thế hoàn hảo. Bởi cáp sạc chính hãng luôn rất khó tìm thấy trên thị trường, thêm vào đó, giá bán của những sợi cáp này cũng không hề dễ thở chút nào. Điều này còn trở nên khó khăn hơn khi cáp, sạc chuẩn USB Type-C cũng không xuất hiện tại các cửa hàng di động phổ thông, đẩy chúng ta vào hoàn cảnh có tiền cũng không có cáp, sạc mà dùng.
5. Phụ kiện cũ thành đồ bỏ đi
Cuối cùng, nếu sử dụng smartphone chuẩn USB Type-C, chúng ta sẽ phải bỏ đi hầu như phần lớn các dây cáp, sạc từng có trước đây. Bởi chuẩn mới không thể hoạt động cùng như phụ kiện cũ. Tất nhiên, trong trường hợp chúng ta có thể sắm được những bộ chuyển đổi từ Type-A thành Type-C, việc có thể sử dụng lại những phụ kiện cũ là điều hoàn toàn hiển nhiên.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng