5 thiết bị công nghệ lạc hậu vẫn được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản

    Neo,  

    Dễ dàng nhận ra Nhật Bản là quốc gia có nền công nghệ phát triển với rất nhiều công việc đã được robot đảm nhận. Thậm chí, toilet tại quốc gia mặt trời mọc cũng được trang bị các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, người Nhật vẫn ưa chuộng một số sản phẩm công nghệ cũ, lạc hậu.

    Dưới đây là năm ví dụ điển hình:

    1. CD

    Hầu hết mọi người đã không còn mua đĩa CD từ gần một thập kỷ qua và chuyển qua sử dụng các thiết bị nghe nhạc kỹ thuật số. Nhưng tại Nhật Bản, thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới, lại không thay đổi theo xu hướng thế giới.

    Theo thống kê vào năm 2014 của New York Time, tại Nhật, 85% doanh thu thị trường âm nhạc tới từ việc bán đĩa CD. Chắc chắn doanh thu từ đĩa CD đã giảm, từ gần 1 tỷ USD năm 2009 xuống chỉ còn 400 triệu USD trong năm 2013, nhưng Nhật Bản vẫn là quốc gia bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi sang tải nhạc kỹ thuật số hoặc nghe nhạc trực tuyến. Hơn một năm sau khi đóng cửa chi nhanh ở các quốc gia khác Tower Records, chuỗi cửa hàng bán ấn phẩm âm nhạc, vẫn hoạt động tại Nhật Bản. Thậm chí, có tới 85 cửa hàng Tower Records trên toàn nước Nhật. Mỗi năm, doanh thu từ việc bán các ấn phẩm âm nhạc của Tower Records tại Nhật lên tới 500 triệu USD.

    Tại Mỹ, trong năm 2014 doanh thu từ các dịch vụ âm nhạc như Spotify và Apple Music lần đầu vượt qua đĩa CD. Người dùng Mỹ thường đi đầu trong việc chạy theo xu hướng. Hiện tại, người dùng xứ cờ hoa đã không còn tải nhạc nữa, thay vào đó họ chọn các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.

    Rất khó để xác định lý do tại sao đĩa CD vẫn phổ biến tại Nhật Bản. Theo Medium, sự quan liêu và chính sách bảo hộ cho toàn bộ ngành công nghiệp âm nhạc của chính phủ Nhật Bản chính là nguyên nhân.

    Với môi trường như thế, Spotify vẫn chưa thể xâm nhập thị trường Nhật Bản. Và chưa chắc thời đại của đĩa CD tại Nhật sẽ chấm dứt khi Spotify xuất hiện.

    2. Báo giấy

    Ba tờ báo lớn nhất thế giới hiện tại nằm ở Nhật Bản. Và mặc dù chỉ có 127 triệu dân, chẳng thấm gì so với dân số của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng số lượng ấn bản mà mỗi tờ báo Nhật in ra hàng ngày nhiều hơn cả tờ The Time của Ấn Độ hay Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc.

    Tờ báo hàng đầu, Yomiuri Shimbun, có số ấn bản lên tới 10 triệu. Con số này gấp ba lần so với The Time của Ấn Độ và gấp bốn lần The Wall Street Journal, tờ báo lớn nhất của Mỹ.

    Giống như CD, báo giấy Nhật Bản cũng đang sụt giảm nhưng tỷ lệ và tầm quan trọng của chúng trong thời đại mà mọi tin tức đều được cập nhật qua smartphone vẫn rất đáng kinh ngạc.

    "88% công dân tin rằng trong tương lai báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi thông tin và tìm kiếm kiến thức", Japan Times, một trong những tờ báo giấy hàng đầu của Nhật, kết luận sau một cuộc khảo sát.

    "Quan trọng hơn hết, 93% số người tham gia cuộc khảo sát chia sẻ rằng học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nên đọc báo. Con số này cho thấy mọi người coi báo giấy là một cách củng cố hiểu biết về thế giới".

    Theo hãng phân tích Nieman Lab, nguyên nhân chính khiến người dân Nhật Bản ở độ tuổi nhất định vẫn trung thành với báo giấy không phải chỉ vì nó là một phương tiện thông tin đơn thuần mà là nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Việc người trưởng thành tại Nhật làm đầu tiên sau khi thức dậy mỗi sáng là tới hộp thư để nhận báo sáng. Sau đó, những tờ báo buổi tối sẽ chuyển tới bạn toàn bộ sự kiện trong ngày.

    Ngoài ra, người dân Nhật rất thích đọc sách, báo và các sản phẩm in ấn nói chung. Báo chí Nhật cũng được hỗ trợ bởi một mạng lưới phân phố rộng lớn khiến cho các sạp báo hoặc nhân viên giao báo trở thành một phần quan trọng của cộng đồng.

    Ngành công nghiệp báo giấy của Nhật đã nhận thức được những thách thức trong thời đại Internet. Thế hệ trẻ với mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến có thể quay lưng với báo giấy. Tuy nhiên, các tờ báo giấy của Nhật vẫn đang phát triển mạnh ở thế kỷ 20 bằng cách gắn kết thuê bao phiên bản trực tuyến của họ với các ấn bản hàng ngày.

    "Nhiều khả năng một ngày nào đó, khi đã già, các thanh niên thời đại kỹ thuật số ngày nay sẽ quay trởi lại với sách, báo giấy", Nieman Lab chia sẻ.

    3. Máy fax

    Các ứng dụng như Slack đang cố gắng thuyết phục công sở Nhật từ bỏ email nhưng có một điều khá bất ngờ là email vẫn chưa khiến máy fax bị ruồng bỏ.

    "Tính trên đầu người, máy fax vẫn còn được sử dụng khá nhiều tại Nhật Bản, nó được người lớn tuổi lớn lên với chữ viết tay chứ không phải bàn phím ưa chuộng", Jonathan Coopersmit, giáo sư - tác giả cuốn Faxed: Sự thăng trầm của máy fax, chia sẻ.

    Máy fax phổ biến tại nhiều công sở Nhật và thậm chí cả trong một số gia đình.

    Máy fax vẫn được ưa chuộng tại Nhật một phần vì dân số già của quốc gia này thích gắn bó với những công nghệ quen thuộc. Ngoài ra, văn hóa Nhật đề cao những văn bản fax hơn một email, do vậy máy fax được ưa chuộng hơn so với email.

    "Máy fax càng ngày càng ít phổ biến do sự bùng nổ của máy tính và smartphone nhưng những người trên 60 tuổi không thông thạo công nghệ mới lại thích máy fax hơn", Miyuki Nakayama, phát ngôn viên của Sharp, hãng vẫn đang phân phối máy fax tại Nhật Bản chia sẻ.

    4. Dịch vụ cho thuê DVD

    Tại Nhật, DVD vẫn còn phổ biến tương tự CD.

    Ở các thành phố và thị trấn tại Nhật vẫn còn nhiều cửa hàng cho thuê DVD. Các hãng lớn như Tsutaya có tới hơn 1.600 cửa hàng đang hoạt động trên toàn quốc, kết hợp cho thuê sách và DVD. Chỉ tính riêng tại một quận ở Tokyo hãng này có tới 45 cửa hàng và vẫn đang phát triển mạnh trong khi các hãng khác tại Mỹ như Blockbuster đã phải ngừng hoạt động.

    Tsutaya cũng có những chiến lược để tránh đi vào vết xe đổ của Blockbuster. Ngoài cửa hàng và hệ thống cho thuê DVD qua thư truyền thống, hãng này còn phát triển một dịch vụ streaming. Tuy nhiên, tương tự chiến lược của các tờ báo giấy tại Nhật, dịch vụ streaming của Tsutaya chỉ phục vụ cho các thuê bao sử dụng dịch vụ thuê DVD qua thư.

    Ngay cả khi Netflix thâm nhập thị trường Nhật Bản, DVD vẫn không thể biến mất trong thời gian ngắn.

    Tsutaya luôn sẵn sàng cạnh tranh với Netflix. Tháng 6 năm ngoái, vài tháng trước khi Netflix gia nhập thị trường Nhật Bản, gã khổng lồ thị trường cho thuê đĩa tuyên bố sẽ sớm cung cấp những bộ phim mới nhất, độc quyền qua hệ thống cho thuê đĩa DVD của mình.

    Tsutaya có vẻ như muốn sống chết với dịch vụ cho thuê DVD. Và ngay cả trang web thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản, Rakuten, cũng đang cung cấp dịch vụ cho thuê DVD qua thư.

    5. Điện thoại nắp gập

    Thuật ngữ mà ngành công nghiệp di động dành cho những chiếc điện thoại này là "điện thoại cơ bản". Những chiếc điện thoại này cực kỳ cơ bản, chúng dày, cục mịch và hầu như không có bất kỳ ứng dụng nào.

    Nhưng tại Nhật Bản chúng vẫn chưa lui vào quá khứ thậm chí chúng còn rất phổ biến.

    Việc điện thoại nắp gập phổ biến tại Nhật là một đặc điểm rất lạ, rất khác với sự phát triển của điện thoại di động tại các quốc gia khác, tới nỗi mà thế giới gọi nó là "hội chứng Galápagos". Trong tiếng Nhật, điện thoại nắp gập được gọi là gare-kei.

    Trong khi cả thế giới sử dụng điện thoại để gọi điện, nhắn tin SMS... thì người dùng Nhật Bản đã dùng điện thoại để thanh toán trực tuyến và các tác vụ khác trước khi chúng ta có iPhone trên tay.

    Đó là những trải nghiệp sống mãi trong lòng người dân Nhật Bản khiến họ gắn bó với điện thoại nắp gập dù không được sử dụng những ứng dụng phổ biến. Tuy nhiên, có vẻ như xu hướng này đang đi tới những ngày cuối cùng khi thị phần smartphone đã lần đầu vượt quá 50% sau nhiều năm. Sau khởi đầu chậm chạp, cuối cùng iPhone của Apple đã đứng đầu thị trường Nhật Bản.

    Dữ liệu của IDC cho thấy 27,5 triệu smartphone Nhật Bản được bán ra vào năm 2015 lớn hơn rất nhiều so với 6,9 triệu điện thoại cơ bản. Dẫu vậy, mức doanh số 20% của điện thoại cơ bản là cực kỳ cao với một thị trường phát triển như Nhật Bản.

    Tham khảo TechinAsia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày