5 trở ngại cần phải vượt qua nếu chúng ta muốn thực hiện ghép đầu người này sang thân người khác

    Neo,  

    Một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đang xây dựng kế hoạch thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép toàn bộ cơ thể đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng ta cần phải giải quyết được 5 vấn đề đáng chú ý dưới đây.

    Năm ngoái, nhà giải phẫu người Ý Sergio Canavero đã nổi tiếng toàn thế giới sau khi tuyên bố sẽ sớm thực hiện ca cấy ghép đầu của ai đó lên cơ thể của một người khác.

    Và có vẻ như ông không phải là người duy nhất muốn thực hiện phẫu thuật cấy ghép đầu hay nói đúng hơn là cấy ghép toàn bộ cơ thể.

    Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Trung Quốc, Tiến sĩ Xiaoping Ren của Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân vừa chia sẻ rằng ông đang xây dựng một nhóm chuyên gia nhằm thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép toàn bộ cơ thể.

    Khác với Canavero, người chỉ đơn thuần là mơ thấy ý tưởng, Ren cho biết ông có một kế hoạch cụ thể cho ca phẫu thuật. Nó sẽ được diễn ra, ông nói, "khi chúng tôi sẵn sàng".

    Gần hai thập kỷ trước, Ren thuộc một nhóm nghiên cứu từ Đại học Louisville hỗ trợ thực hiện ca phẫu thuật ghép tay đầu tiên tại Mỹ. Ông dành 16 năm ở Mỹ để nghiên cứu trước khi trở về quê nhà Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc.

    Ren rất nhiều lần được các phương tiện truyền thông nhắc tới bởi ông đã thực hiện hàng ngàn ca cấy ghép đầu trên chuột nhưng những con chuột sau khi được cấy ghép chỉ sống được một ngày. Ren còn chia sẻ thêm rằng ông đã thực nghiệm ca phẫu thuật cấy ghép đầu trên xác người nhưng không đề cập chi tiết.

    Ý tưởng về việc cấy ghép toàn bộ cơ thể đã được nhiều nhà khoa học khám phá nhằm tìm ra giải pháp cứu chữa những người mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức mà các nhà khoa học cần phải giải quyết.

    Dưới đây là 5 trở ngại chính mà các nhà khoa học cần phải vượt qua trước khi thực hiện ca cấy ghép toàn thân:

    1. Sau khi lìa khỏi cơ thể đầu không thể tồn tại lâu

    Trong bất kỳ ca cấy ghép nào, các cơ quan được hiến tặng sẽ được duy trì sự sống cho tới khi được đặt vào cơ thể người nhận.

    Ngay sau khi bị tách ra khỏi cơ thể các cơ quan sẽ bắt đầu chết.

    Với những ca cấy ghép như ghép tim hoặc thận, bác sĩ làm lạnh các cơ quan để giúp nó sống càng lâu càng tốt. Làm lạnh các cơ quan giúp giảm mức năng lượng mà các tế bào của nó cần để tồn tại.

    Bác sĩ thực hiện quá trình bảo quản các cơ quan bằng cách nhúng chúng trong dung dịch nước muốn lạnh. Quá trình này có thể bảo quản thận trong vòng 48 giờ, gan trong vòng 24 giờ và tim trong khoảng từ 5 tới 10 giờ.

    Nhưng đầu thì khó khăn hơn nhiều. Đầu không chỉ là một cơ quan độc lập mà nó còn là cơ quan nặng nhất và một trong số những phần phức tạp nhất của cơ thể. Nó chứa bộ não, mắt, tai, mũi, miệng, da cùng hai hệ thống tuyến riêng biệt gồm tuyến yên - điều khiển hormone lưu thông khắp cơ thể và tuyến nước bọt - chịu trách nhiệm sản xuất nước bọt.

    Hơn một thế kỷ nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng tại thời điểm tách đầu ra khỏi cơ thể, áp xuất máu ở đầu giảm đáng kể. Việc mất máu và ô-xy khiến não rơi vào tình trạng hôn mê và cuối cùng là chết.

    Điều này đưa chúng ta tới vấn đề tiếp theo.

    2. Hệ thống miễn dịch cần phải được điều chỉnh để chấp nhận cái đầu khác

    Trong bất kỳ ca cấy ghép nào, một trong những vấn đề chính mà các bệnh nhân cần chú ý tới chính là cơ thể của họ: Nếu hệ thống miễn dịch trong cơ thể không chấp nhận các cơ quan cấy ghép nó có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm đào thải cơ quan này.

    Đây chính là lý do khiến hầu hết bệnh nhân cấy ghép phải dùng thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật.

    Do đầu là một cơ quan phức tạp và bao gồm rất nhiều bộ phận nên nguy cơ nó bị hệ thống miễn dịch từ chối là rất cao.

    3. Ca phẫu thuật phải diễn ra trong thời gian dưới 1 giờ

    Trong một thí nghiệm vào năm 1970, loại thí nghiệm không được phép tiến hành ở thời điểm hiện tại, nhà giải phẫu thần kinh Robert White đã tiến hành ghép đầu một con khỉ vào cơ thể của một con khỉ khác. Ông duy trì sự sống cho cơ thể con khỉ bằng cách làm lạnh nó ở nhiệt độ khoảng 59 độ F trong suốt thời gian phẫu thuật. Con khỉ với chiếc đầu ghép sống sót trong vòng tám ngày nhưng sau đó tử vong vì hệ thống miễn dịch từ chối cái đầu mới.

    Toàn bộ ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng dưới một giờ, theo ghi chép của White và nghiên cứu của Canavero.

    Canavero cho rằng đầu của bệnh nhân và người hiến tặng cần phải được tách ra khỏi cơ thể cùng lúc. Sau đó, với các thao tác cực nhanh, các bác sĩ phẫu thuật phải ghép đầu của người muốn tiếp tục sống với hệ thống tuần hoàn trên cơ thể của người hiến tặng trong khi cả hai cơ thể đều bị ngưng tim. Toàn bộ ca phẫu thuật chỉ được diễn ra trong vòng một giờ.

    Mới đây, có thông tin cáo buộc Canavero tuyên bố cấy ghép đầu chỉ để quảng cáo cho một game video. Tuy nhiên Canavero khẳng định ông không hề có liên quan tới game Metal Gear Solid 5: The Phantom Pain và chưa hề nghe nói về tác giả cũng như nhà sản xuất game này.

    4. Kết nối tủy sống là công việc vô cùng khó

    Để đầu có thể giao tiếp và kiểm soát cơ thể mới thì tủy sống và não cần được kết nối liền mạch.

    Trong ca cấy ghép đầu khỉ được nhắc tới ở trên White đã thất bại trong việc kết nối tủy sống với não. Con khỉ sau khi ca cấy ghép đầu có thể nhìn, di chuyển mắt và ăn nhưng nó bị liệt từ cổ xuống.

    Kết nối tủy sống giữa đầu và cơ thể người hiến tặng là rào cản kỹ thuật vĩ đại nhất, Canavero chia sẻ. Và ông đã có một công nghệ riêng phục vụ công việc khó khăn này.

    Công nghệ của Canavero là "một loại keo sinh học đặc biệt" có tên polyethylene glycol. Vài bác sĩ phẫu thuật sử dụng vật liệu này trong những thử nghiệm vào những năm 1930 và 1940 để nối tủy sống của chó. Tuy nhiên, thử nghiệm này hướng tới việc ghép thêm một chiếc đầu nữa vào cơ thể chó, tạo ra những chú chó hai đầu nhân tạo, chứ không phải ghép đầu con chó này vào cơ thể con chó khác. Kiểu phẫu thuật này cũng diễn ra trong vòng chưa tới một giờ.

    Sau phẫu thuật, bệnh nhân của Canavero sẽ được đặt trong tình trạng hôn mê trong vòng một tháng để tủy sống nối liền với nhau. Nếu không tủy sống sẽ bị u hoặc xoắn, theo Canavero.

    Nhưng tình trạng hôn mê lâu cũng tiềm ẩn một số vấn đề. Harry Goldsmith, một giáo sư giải phẫu thần kinh tại Đại học California ở Davis, cho rằng hôn mê vì mục đích y tế thường gây ra nhiễm trùng, tụ máu và làm giảm khả năng hoạt động của não.

    5. Ca phẫu thuật cần thành công trên động vật trước khi được thực hiện trên con người

    Trước khi cấy ghép đầu được thử nghiệm trên người nó cần được thử nghiệm thành công trên động vật. Nhưng dạng thử nghiệm này trên động vật có thể bị cấm vì lý do nhân dạo. Để được cho phép thử nghiệm trên động vật các nhà nghiên cứu cần đưa ra các bằng chứng cho thấy nó là cần thiết và hữu ích.

    Tham khảo Business Isider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày