Những thói quen sử dụng máy tính tưởng chừng như vô hại dưới đây lại có thể tạo ra những lỗ hổng bảo mật mà bạn không hề hay biết.
- Malware nguy hiểm có khả năng ngắt truy cập internet lây lan tới hơn 500.000 router gia đình trên toàn cầu
- Malware đào tiền mã hóa qua mặt trình antivirus, khiến Windows crash khi bị buộc đóng
- Nhiều chuyên gia bảo mật và người dùng bị sốc, khi phát hiện trình duyệt Chrome quét dữ liệu trong máy tính để tiêu diệt malware
Người dùng công nghệ bao giờ cũng mong muốn các thiết bị máy tính, laptop của mình luôn được bảo vệ an toàn khỏi virus và các lỗ hổng bảo mật. Tuy nhiên, chính những thói quen cơ bản hàng ngày tưởng chừng như vô hại dưới đây lại hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các hacker bất ngờ “hỏi thăm” thiết bị của họ.
1. Xem phim hoặc các chương trình TV “lậu”
Với sự phát triển bùng nổ của Internet hiện nay thì việc thưởng thức những bom tấn điện ảnh ngay trên máy tính của bạn đã không còn quá khó khăn như trước nữa. Thậm chí, bạn có thể xem chúng một cách miễn phí, chấp nhận giảm chất lượng hiển thị so với phiên bản chiếu rạp hoặc trả phí.
Tuy nhiên, chính những dịch vụ phát sóng hay stream phim như vậy lại là cơ hội để kẻ gian lợi dụng và “thả” malware vào máy tính của bạn. Nguy cơ này còn tăng cao hơn nữa khi bạn quyết định tải phim về thay vì xem trực tuyến mà không biết rõ về nguồn gốc cũng như đơn vị đã đăng tải file phim đó.
Rất nhiều người trong chúng ta đã tìm đến những trang web phát phim không rõ nguồn gốc thay sử dụng các dịch vụ streaming uy tín.
Tất nhiên là không phải trang phim nào cũng như vậy. Thế nhưng vấn đề nằm ở nếu muốn, chỗ hacker hoàn toàn có thể lợi dụng những website chuyên cung cấp phim miễn phí để tấn công người dùng. Chỉ với vài quảng cáo hấp dẫn kiểu như: “Click vào đây để xem miễn phí những bom tấn mới nhất” là máy tính của bạn đã có thể nhiễm malware lúc nào không hay.
Dĩ nhiên giải pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ này là bạn chấp nhận bỏ ra một khoản tiền nhỏ mỗi tháng cho các dịch vụ stream phim uy tín. Hoặc nếu bạn vẫn muốn xem phim miễn phí, hãy nắm chắc thông tin về nguồn gốc và mức độ an toàn của các website mà bạn truy cập. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phần mềm diệt virus, malware để quét các file ngay sau khi tải về, đồng thời hãy tránh xa các quảng cáo hiển thị trên những trang phim mà bạn thường truy cập.
2. Chia sẻ tài khoản của bạn với những người khác
Việc chia sẻ tài khoản mạng xã hội hay các dịch vụ Internet cho người nhà hoặc bạn bè thân thiết không còn quá xa lạ trong thời đại hiện nay. Nhưng chính điều này lại gây ra những rắc rối bảo mật mà bạn khó có thể lường trước được.
Việc chia sẻ tài khoản online cũng có thể tạo cơ hội cho các hacker khai thác thông tin cá nhân của bạn.
Bạn có thể tự tin rằng chiếc máy tính của mình được cài đặt những phần mềm bảo mật cao cấp nhất. Thế nhưng còn người thân, bạn bè của bạn thì sao? Khi họ đăng nhập vào tài khoản chung, bạn có chắc rằng thiết bị mà họ đang sử dụng cũng cài đặt phần mềm diệt virus như bạn hay không? Bên cạnh đó, những người “gà mờ” về công nghệ cũng rất dễ bị mắc lừa bởi những quảng cáo pop-up, qua đó gián tiếp để lộ thông tin về tài khoản chung mà bạn và họ đang cùng sử dụng.
Nói cách khác, tài khoản của bạn càng được sử dụng trên nhiều thiết bị thì nguy cơ gây ra lỗ hổng bảo mật lại càng cao. Vì vậy, hãy luôn nắm chắc danh sách những người có thể truy cập vào tài khoản của bạn và thay đổi mật khẩu theo chu kỳ hoặc khi cần thiết.
3. Đặt mật khẩu quá đơn giản, dễ đoán
Ngày nay, đa số các thiết bị điện tử như máy tính, smartphone đều đã có cơ chế khóa màn hình bằng mật khẩu khá tiện lợi. Tuy nhiên, nếu những mật khẩu mà bạn sử dụng quá đơn giản, dễ đoán thì cũng có thể tạo cơ hội để hacker tấn công và khai thác thông tin. Nên nhớ, các đoạn mã khóa màn hình di động hiện nay thường chỉ có từ 4 - 6 kí tự, và hacker hoàn toàn có thể tiến hành tấn công brute force để mở khóa một cách dễ dàng. (Bạn có thể tìm hiểu thêm về tấn công brute force tại đây).
Mật khẩu có quá ít kí tự hoặc quá đơn giản cũng có thể tạo ra nhiều nguy cơ về bảo mật.
Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn nên đặt mật khẩu có độ dài ít nhất là 8 kí tự để khiến quá trình hack diễn ra khó khăn và tốn thời gian hơn. Android cho phép bạn để mật khẩu lên đến 16 kí tự (truy cập vào Settings > Security > Screen Lock), trong khi với iOS thì là 37 kí tự (Settings > Touch ID & Passcode hoặc Face ID & Passcode).
4. Coi nhẹ việc quét USB
Đa số chúng ta có thói quen cắm USB vào máy tính và sử dụng ngay lập tức mà không thực hiện quá trình quét virus. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng virus và malware đặc biệt thích ẩn mình trong USB để có thể dễ dàng lây lan qua nhiều thiết bị. Vì thế, nếu không sử dụng một chiếc USB hoàn toàn mới, hãy luôn dành ra một chút thời gian để quét virus trước khi bạn copy bất cứ file nào từ USB sang thiết bị của mình.
Hãy luôn quét USB ngay khi vừa kết nối với máy tính của bạn.
Với sự phát triển của công nghệ đám mây hiện nay thì vai trò của USB không còn quá quan trọng như trước đây nữa. Tuy nhiên, đây vẫn là một thiết bị “chữa cháy” trong những tình huống khẩn cấp, không có kết nối mạng. Vì thế, hãy luôn “cẩn tắc vô áy náy” mỗi khi sử dụng USB, đặc biệt là những chiếc USB đã được sử dụng trên nhiều thiết bị khác.
5. Không che micro và webcam máy tính
Mặc dù không phải là phương thức tấn công phổ biến nhưng cũng đã xảy ra không ít trường hợp kẻ gian lợi dụng webcam/camera và micro trên các thiết bị điện tử để theo dõi hoạt động của người dùng. Vì thế, sau khi sử dụng xong, bạn nên lấy một miếng băng dính nhỏ để che camera và đầu micro của máy tính lại.
Hãy che camera và micro của thiết bị khi không sử dụng.
Có thể bạn cho rằng sẽ chẳng có ai rảnh rỗi để theo dõi những hoạt động hàng ngày của bạn và tặc lưỡi: “Chắc nó chừa mình ra”. Nhưng một lần nữa phải khẳng định đây là phương thức tấn công hoàn toàn có thật và đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, hãy phòng bệnh hơn chữa bệnh trước khi có sự cố đáng tiếc xảy ra.
6. Không thường xuyên cập nhật phần mềm
Đây là một sai lầm vô cùng tai hại mà đa số người dùng máy tính hiện nay đều mắc phải. Bạn phải nhớ rằng các bản cập nhật phần mềm cung cấp tính năng mới thì ít mà giúp giải quyết và cải thiện các vấn đề bảo mật thì nhiều. Vì thế, nếu không chịu cập nhật thì đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sống chung với những lỗ hổng bảo mật mới mà hacker có thể lợi dụng và tấn công bất kỳ lúc nào.
Rất nhiều người dùng thường không có thói quen cập nhật phần mềm mà họ đang sử dụng.
Theo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng