7 con người đã hack cơ thể chính mình để có sức mạnh như máy móc

    NPQM,  

    Thật may mắn, chưa có trường hợp nào được ghi nhận là đủ khả năng để có thể trở thành "Kẻ hủy diệt" xóa sổ loài người cả.

    Nếu bạn nghĩ rằng xỏ khuyên và xăm mình là một loại hình thể hiện bản thân theo cách độc đáo nhất thì có lẽ bạn đã nhầm. Thực chất, những con người chấp nhận biến đổi cơ thể mới chính là hiện thân cho những đột phá của tương lai. Họ chấp nhận "nhét" linh kiện điện tử vào dưới da của mình, ăng-ten trong xương đầu, hoặc các công nghệ điều khiển chi giả bằng ý nghĩ của mình.

    Nhìn tổng thể, họ được gọi chung bằng một tên gọi: người lai máy.

    Dưới đây là 7 nhân vật nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này sẽ đem lại cho bạn một góc nhìn mới lạ, khác thường về những hướng đi của tương lai.


    Neil Harbisson

    Harbission là một nghệ sĩ, nhạc sĩ người Anh bị mù màu. Ông sở hữu một ăng-ten được cấy vào trong phía dưới hộp sọ của mình vào năm 2004. Ngoài ra, trước trán của mình, một cảm biến có nhiệm vụ phân tích ánh sáng sẽ truyền thông tin trở về và chuyển nó thành các tín hiệu, tần số âm thanh riêng biệt.

    Do đó, khác với chúng ta, Harbission có khả năng "nghe" được màu sắc. "Với chiếc điện thoại di động của mình, tôi có thể kết nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế NASA và tiếp nhận thông tin màu sắc trực tiếp từ ngay trong không gian," trích lời Harbission trên Tech Insider.


    Moon Ribas

    Được biết đến là một nghệ sĩ Tây Ban Nha, Rabis sở hữu những cảm biến từ trường siêu nhỏ được cấy vào khu vực gần khuỷu tay trái 3 năm trước. Những cảm biến này được kết nối với các dữ liệu đo địa chấn trên toàn thế giới. Do vậy, mỗi khi có sự kiện cần cảnh báo, tay của Ribas sẽ rung lên báo hiệu.

    Cường độ rung tỷ lệ thuận với mức độ đo được của máy, để rồi sau này Ribas đã là cái tên tiên phong trong một phong cách nghệ thuật mới, nhảy múa và biểu diễn theo nhịp độ trùng với độ rung của cảm biến. Cô còn coi đó là một giác quan mới của mình.

    "Như thể tôi có 2 nhịp tim đập cùng lúc vậy," Ribas chia sẻ với Quartz.


    Amal Graafstra

    Graafstra là CEO của Dangerous Minds, một công ty phát triển các công cụ dành cho mọi người để... tự ứng dụng và cài đặt máy móc lên chính cơ thể mình. Và Graafstra đã làm rất tốt những gì công ty muốn truyền đạt. Anh cấy 2 con chip nhận dạng theo tần số radio bên trong bàn tay của mình, nhằm mục đích mở khóa cửa nhà riêng hoặc đăng nhập vào máy tính cá nhân của mình, chỉ bằng cử chỉ tay.

    "Chúng tôi đã và đang hiện thực hóa những nhiệm vụ cao cả của khoa học hiện đại, liên quan đến chính cơ thể con người," trích lời Graafstra trong một cuộc nói chuyện với Tech Insider.

    Trong tương lai, anh mong muốn sẽ sáng tạo ra hình thức đồng bộ giữa tài khoản ngân hàng và chip trên tay mình để có thể thực hiện giao dịch mà không cần qua nhiều bước, thủ tục phức tạp.


    Jens Neumann

    Năm 2002, Neumann trở thành người đầu tiên trong lịch sử thế giới được cấy thành công một con mắt điện tử nhân tạo - bước đột phá của nhân loại có tên gọi Dobelle Eye. Được chế tạo bởi chuyên gia y sinh học William Dobelle, con mắt này có khả năng kết nối camera tích hợp với não bộ, từ đó giúp cho Neumann - vốn bị mù - có thể nhận biết trở lại những hình thể và sự vật trước mắt.

    Phát kiến và thành công phẫu thuật liên quan đến Nwumann đã khiến cho chính phủ tập trung đầu tư nhiều hơn vào những dự án tương tự, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các binh lính không may mắn, đặc biệt là những trường hợp tổn thương não, mất trí nhớ hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD). Ngoài ra, một số quan điểm khác cũng cho rằng nỗ lực này có thể giúp con người đạt đến siêu thị lực.


    Nigel Ackland

    Không phải tự nhiên mà Wired lại mệnh danh cánh tay sinh học điện tử của Ackland là tương lai của lĩnh vực cấy bộ phận giả. Sau khi hứng chịu hậu quả phải cắt bỏ nửa cánh tay dưới khuỷu của mình trong một tai nạn vào năm 2006, công ty công nghệ sinh học RSL Steeper đã trang bị riêng cho Ackland một trong những thiết kế cao cấp nhất của mình lúc bấy giờ - bebionic3. Cơ chế hoạt động của bebionic3 dựa vào sự co rút cơ nhân tạo, nhận diện qua những tín hiệu điện từ cử chỉ chuyển động của da cánh tay.

    Ackland có thể thực hiện 14 thao tác phức tạp, kể cả trên quy mô chi tiết như ngón tay, bàn tay. Được biết, thiết kế này đã hỗ trợ cuộc sống của mình rất nhiều, do đó anh luôn tích cực hợp tác với RSL Steeper để cung cấp nhưng phản hồi thích hợp nhất cho công cuộc nâng cấp, cải thiện chất lượng sản phẩm.


    Tim Cannon

    Một chiếc vòng tay Fitbit ư? Chắc chắn chưa bao giờ là đủ với Cannon.

    Năm 2013, Cannon cấy một con chip sinh trắc học với mã tên Circadia vào dưới lớp da cẳng tay của mình. Nó có nhiệm vụ thu thập dữ liệu chuyển động cũng như nhịp tim đến một thiết bị Android khác để đánh giá, theo dõi.

    Trong một cuộc trao đổi với Motherboard, Cannon đã chia sẻ rằng lý do mình đồng ý thực hiện điều này không đơn giản là để thỏa mãn trí tò mò hay thích thú, mà thực chất anh muốn tối ưu hóa những khía cạnh nhỏ nhất trong cuộc sống.

    "Giả như tôi gặp phải một ngày căng thẳng và tồi tệ, Circadia sẽ phản hồi và xử lý bằng cách kết nối dữ liệu, sau đó điều chỉnh điều kiện không gian hợp lý như bật đèn có độ sáng nhẹ, hoặc chuẩn bị sẵn nước nóng tại nhà để tôi có thể cảm thấy thoải mái nhất, bù cho những cảm xúc tiêu cực trong ngày."


    Jerry Jalava

    Sau khi gặp phải tai nạn xe máy đáng tiếc vào năm 2009 và ngón áp út trái bị dập nát, kỹ sư máy tính người Phân Lan này đã thay thế bộ phận đó bằng một... USB 2GB. Giờ đây, bất cứ khi nào có nhu cầu, anh chỉ cần tháo nắp đậy ra và có thể sử dụng nó như một thiết bị lưu trữ thông thường tiện lợi.

    "Mọi người thường tỏ ra sợ hãi khi lần đầu nhìn thấy nó," Jalava phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Diagonal View. "Chắc chắn là nó không có vẻ gì là một trò đùa thuần túy cả, nên phải một thời gian sau họ mới dần tỏ ra thoải mái hơn và coi đó như một chuyện bình thường."

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày