7 quả cầu lạ tiết lộ về sự sống Trái Đất nửa tỉ năm trước

    Anh Thư,  

    (NLĐO) - Kho báu cổ sinh vật học vô song ở Trung Quốc đã mở ra một "cánh cửa thời gian" mới vào lịch sử sự sống Trái Đất.

    Sử dụng các kỹ thuật phân tích tiên tiến, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Mingjin Liu từ Đại học Trường An (Trung Quốc) phát hiện suốt nhiều năm qua họ đang nắm giữ một trong những báu vật cổ sinh vật học hiếm có nhất, tiết lộ về sự sống Trái Đất đầu kỷ Cambri.

    Đó là 7 quả cầu kỳ lạ được khai quật từ hệ tầng Kuanchuanpu ở tỉnh Thiểm Tây từ vài thập kỷ trước, theo tờ Science Alert.

    7 quả cầu lạ tiết lộ về sự sống Trái Đất nửa tỉ năm trước- Ảnh 1.

    Các quả cầu bí ẩn được xác định là phôi của các sinh vật kỷ Cambri, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử tiến hóa của sự sống Trái Đất - Ảnh: NIGPAS

    Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Palaeogeography, Palaeoclimatology, Palaeoecology, 7 quả cầu lạ nói trên là 7 phôi thai hóa thạch.

    Những vật thể có kích thước tính bằng mm này có tuổi đời lên đến 535 triệu năm, tức vào đầu kỳ Cambri, là thời kỳ bùng nổ tiến hóa của sự sống Trái Đất.

    Trong mỗi quả cầu nhỏ, các mô mềm tạo nên mỗi phôi từ lâu đã được thay thế bằng khoáng chất canxi phosphate khi chúng phân hủy trong trầm tích ở đáy môi trường biển.

    Quá trình hóa thạch này bảo tồn giải phẫu ba chiều của phôi với độ chi tiết đáng kinh ngạc.

    Dựa trên số lượng và sự sắp xếp của các mảng tạo thành bộ xương ngoài của phôi, được gọi là sclerite, các nhà nghiên cứu đã phân loại các sinh vật nhỏ bé này thành hai loài mới: Saccus xixiangensis và Saccus necopinus .

    Chúng ta không biết hai sinh vật này sẽ tiếp tục phát triển như thế nào, nên vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Nhưng cấu trúc giải phẫu của chúng thì vô cùng rõ ràng.

    Các tấm trên bộ xương ngoài của chúng được sắp xếp theo hướng xuyên tâm ở đầu và theo hướng song phương ở đuôi, cho thấy cơ thể của chúng đối xứng hai bên trái phải giống như chúng ta.

    Trong khi đó, sự vắng mặt của các phần phụ giống như lông khiến chúng thuộc về nhóm Ecdysozoa, một nhóm động vật bao gồm côn trùng, nhện, giáp xác và giun.

    Kích thước lớn và phần giữa rỗng của mỗi hóa thạch chỉ ra rằng mỗi phôi thai này từng ăn một lòng đỏ lớn, dựa vào đó để duy trì sự sống cho đến khi chúng có thể mọc miệng và bắt đầu tự kiếm sống.

    Các nhà nghiên cứu cũng phân tích song song hóa thạch trưởng thành của một sinh vật có đặc điểm tương tự đã sống cách đây 540 triệu năm để đối chiếu.

    Nó tên là Saccorhytus coronarius, từng được mô tả trong một nghiên cứu trước đây, với vẻ ngoài như sinh vật ngoài hành tinh trong phim ảnh: Không chân tay, thân hình giống như túi, miệng khổng lồ, thân hình đối xứng hai bên và không có hậu môn.

    7 quả cầu lạ tiết lộ về sự sống Trái Đất nửa tỉ năm trước- Ảnh 2.

    Quái vật Saccorhytus coronarius, chỉ "cao" khoảng 1 mm - Ảnh: NIGPAS

    Có khả năng Saccus có thể phát triển thành thứ gì đó tương tự, có họ hàng gần với Saccorhytus coronarius.

    Và cho dù có quan hệ gia đình thế nào đi nữa, Saccorhytus coronarius cũng như 7 sinh vật bí ẩn trong các quả cầu canxi phosphate được khai quật từ Trung Quốc cũng là chân dung sống động về thủy tổ của nhiều loài ngày nay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày