70 năm xây dựng - 10 năm sụp đổ của Toshiba: 3 sai lầm chí mạng biến đại gia công nghệ đầu ngành trở thành "ông già lạc hậu" gần đất xa trời
Dành đến 7 thập kỷ để vươn lên thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghệ, nhưng chỉ với 3 sai lầm chí mạng, Toshiba giờ đây đã đánh mất tất cả.
Vị trí đầu của người tiên phong
Toshiba được thành lập từ việc sáp nhập Tập đoàn Điện tử Tokyo và Tập đoàn Kỹ thuật Shibaura vào năm 1939. Không lâu sau đó, Toshiba nổi lên thành thương hiệu tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từ băng hình, tivi, máy lạnh tới hệ thống phân loại bưu phẩm.
Cộng với chính sách cho vay ưu đãi và hạn chế cạnh tranh trong nước từ chính phủ Nhật, Toshiba vươn lên trở thành một "ông lớn" toàn cầu trong giai đoạn 1980 đến 1990, đặc biệt là vào năm 1985 với sự ra đời của laptop T1100.
T1100 tuy không phải là chiếc laptop đầu tiên, nhưng nó lại là chiếc laptop tương thích IBM đầu tiên trên thế giới.
Mẫu laptop Toshiba T1100
"Laptop trên thị trường bấy giờ đều có khiếm khuyết," theo John Rehfeld, người đã đem T1100 ra thị trường toàn cầu, "Đó là lý do Toshiba trở nên nổi bật, một chiếc máy tính xách tay có khả năng hoạt động như một máy bàn."
Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, Toshiba vô tình phát minh ra công nghệ ghi nhớ NAND flash, được ứng dụng rộng rãi trong máy ảnh số, mp3, điện thoại thông minh, USD… giúp thương hiệu này duy trì vị trí dẫn đầu trong một thời gian dài.
Thị phần công nghệ ghi nhớ NAND flash trên thế giới
Quay lại với laptop, từ thành công của những sản phẩm đầu tiên, Toshiba vươn lên top những nhà cung cấp hàng đầu trong giai đoạn 1990 – 2000. Đến năm 2007, Toshiba chiếm gần 20% thị trường bán lẻ laptop tại Mỹ.
Tuy nhiên, 3 sai lầm "chí mạng" đã đạp đổ một tượng đài công nghệ 80 năm tuổi chỉ trong 10 năm.
Toshiba – ông già lạc hậu
Ngay sau giai đoạn "hoàng kim" của mình, Toshiba bước vào thời kỳ bùng nổ Internet với vị thế là một trong những thương hiệu hàng đầu, đó là vào đầu những năm 2000, khi số lượng người dùng mong muốn sở hữu máy tính cá nhân tăng đột biến, tạo nên một thị trường đầy tiềm năng.
Và các thương hiệu nhanh chóng chớp được thời cơ không phải là những "tai to mặt lớn" trên thị trường mà lại là những thương hiệu giá rẻ của Đài Loan như Acer và Asus. Từng chỉ gia công và doanh phụ kiện, nhưng Acer và Asus nhanh chóng nhảy vào sản xuất laptop giá rẻ khi thấy cơ hội.
Không lâu sau đó, các thương hiệu mới nổi như Lenovo của Trung Quốc một lần nữa khuấy động thị trường với những mẫu laptop không thể rẻ hơn.
Trong khi đó, Toshiba, Sony và những hãng điện tử khác của Nhật vẫn chỉ tập trung vào hình ảnh thương hiệu và chất lượng sản phẩm, những tố chất bị coi là "dư thừa" đối với người dùng trẻ tuổi, họ xem laptop chỉ là một trong những thiết bị điện tử thông thường như TV hoặc máy giặt và với họ, giá thành rẻ là yếu tố quyết định hàng đầu.
Doanh thu mảng máy tính cá nhân của Toshiba trong 2007 - 2015
Không những thế, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 ập đến khiến hầu bao của khách càng bị "siết chặt", biến những năm 2000 thành một cơn ác mộng với Toshiba khi doanh thu mảng máy tính cá nhân sụt giảm hơn 80% từ năm 2007 đến 2015.
Cố quá sẽ… quá cố
Vào năm 2015, từ một nguồn tin giấu tên, một cuộc điều tra diện rộng đã được mở ra đối với Toshiba và phát hiện tập đoàn này đã kê khống … 1,2 tỷ USD lợi nhuận trước thuế trong thời kỳ kinh doanh khó khăn.
Cựu CEO Toshiba xin lỗi trước công chúng
Bắt đầu từ những nỗ lực trấn an nhà đầu tư, CEO Atsutoshi Nishida, người đã từng góp tay xây dựng mẫu laptop T1100 "bất hủ", đặt ra một loạt mục tiêu tài chính được đánh giá là "bất khả thi".
Dưới áp lực khủng khiếp từ CEO và một thị trường quá nghèo nàn, nhân viên Toshiba lúc này đành phải… "chế số liệu" thay vì chấp nhận thất bại.
Trong bản tường trình dày hơn 300 trang, các điều tra viên xác nhận rằng CEO Nishida nhiều lần khuyến khích phòng tài chính và kế toán "giả" số liệu. Vào tháng 1 năm 2009, khi một chuyên viên nhận định rằng Toshiba sẽ nhận lấy khoản lỗ khổng lồ tới 203 triệu USD trong 6 tháng tới, CEO Nishida ngay lập tức mở một cuộc họp và bắt nhân viên mình phải "cải thiện" khoản lỗ trước mắt đó thành khoản lợi nhuận 10 tỷ Yên, trong đó ông nhấn mạnh:
"Hãy làm tất cả mọi thứ, như thể sinh mạng phụ thuộc vào điều đó!"
Scandal này làm lộ ra vấn đề "cốt lõi" của Toshiba, như các doanh nghiệp Nhật Bản khác, nhân viên cấp dưới quá sợ hãi việc trình "tin xấu" lên lãnh đạo, những người không bao giờ chịu lắng nghe. Từ đó, khả năng sáng tạo và ứng biến của Toshiba với một thị trường thay đổi liên tục đã hoàn toàn biến mất.
Quyết định đầu tư sai lầm
Vào năm 2006, trong nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề, Toshiba đã bỏ ra đến 5,4 tỷ USD để thâu tóm Westinghouse - nhà thầu xây dựng các dự án hạt nhân lớn tại Mỹ.
Dù không có kinh nghiệm trong mảng này, nhưng Toshiba vẫn rất tự tin vì thị trường sản xuất điện hạt nhân đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng thần tốc với những lời hứa hẹn về khoản vay lãi suất thấp, giảm thuế doanh nghiệp, và nhiều chính sách có lợi từ chính quyền Hoa Kỳ.
Nhưng yếu tố "thiên thời" đã quay lưng lại với Toshiba, một cơn sóng thần hủy diệt ập vào bờ biển Nhật Bản vào năm 2011, tạo ra cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, khiến Nhật và hàng loạt nước khác đóng cửa toàn bộ dự án hạt nhân và ngừng nghiên cứu lĩnh vực này.
Sự kiện trên như một cơn sóng thần khác đánh thẳng vào Westinghouse và Toshiba, khiến doanh nghiệp này đắm chìm trong nợ. Hàng loạt dự án bị từ chối khiến Westinghouse không còn đường lui và phải nộp đơn phá sản vào năm 2017.
Kết quả của phi vụ "đầu tư" này khiến Toshiba tổn thất hơn 6 tỷ USD, nhiều hơn cả số tiền mà tập đoàn đã bỏ ra để mua Westinghouse và đẩy doanh nghiệp vào ngưỡng lỗ 9,9 tỷ USD vào năm tài chính 2017.
Để tránh thảm họa tài chính trên, Toshiba đành phải bán mảng kinh doanh bộ nhớ cho Quỹ đầu tư Bain Capital với giá 18 tỷ USD, dù đây là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà Toshiba đang dẫn đầu và mang lại lợi nhuận.
Kết quả
Dần đánh mất chính mình, vào 2010 Toshiba bắt đầu chuyển giao quá trình sản xuất TV cho các nhà thầu bên ngoài. Đến năm 2016, Toshiba chấm dứt việc kinh doanh laptop ngoài lãnh thổ Nhật Bản để tập trung chăm sóc "sân nhà", nhưng hướng đi trên chỉ khiến thị phần của Toshiba ngày một "teo tóp", từ 20% năm 1996 xuống chỉ 5% vào 2016.
Cầm cự đến năm 2018, Toshiba một lần nữa buộc phải bán 80% cổ phần công ty sản xuất laptop của mình cho Sharp với giá 36 triệu USD.
Và tới tháng 8 năm nay, số cổ phiếu còn lại được chuyển giao cho Sharp, đánh dấu chương cuối chuyến phiêu lưu của "máy tính Toshiba".
Theo QZ, DigitalTrends, IndianWire
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng