8 thương hiệu nổi tiếng quen thuộc bấy lâu nay nhưng liệu có ai biết tại sao họ chọn tên và logo như vậy?
Pepsi, Starbucks, IKEA... toàn là các thương hiệu lớn và rất quen thuộc. Nhưng ý nghĩa của những cái tên ấy thì sao? Tại sao họ lại chọn chúng?
Mỗi ngày, chúng ta lướt qua hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác nhau. Nghe đến IKEA, ai cũng biết đó là hãng nội thất của Thụy Điển. Pepsi thì rõ ràng là thương hiệu nước giải khát nổi tiếng. Hay Starbucks, hẳn là một hãng cafe nổi bật với menu đa dạng và không gian bài trí luôn được xếp vào hàng tinh tế.
Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao các thương hiệu này lại chọn tên và logo của họ như vậy không? Đằng sau mỗi logo và tên gọi đều có ý nghĩa của nó, thậm chí là hết sức sâu sắc về mặt lịch sử. Vấn đề ý nghĩa ấy là gì thôi!
1. Pepsi
Pepsi nghĩa là gì? Theo David Bradham - người sáng lập ra Pepsi, loại nước giải khát truyền thống của công ty được tạo ra từ đường, nước, caramel, tinh dầu chanh và hạt nhục đậu khấu - tất cả đều có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa. Bởi vậy, ông đã chọn cái tên Pepsi - lấy từ trong thuật ngữ "dyspepsia" - nghĩa là chứng khó tiêu. Khi bỏ đi tiền tố "dys" ở đầu, "pepsi" lại có nghĩa "lợi cho tiêu hóa".
Còn về logo thì trong 100 năm tồn tại, nó đã thay đổi rất nhiều lần. Ở thời điểm hiện tại, logo của Pepsi được làm dưới dạng vòng tròn với 3 màu đỏ, trắng, xanh. Đừng coi thường, vì họ phải trả tới hơn 1 triệu đô cho thiết kế này đấy.
Logo này lấy cảm hứng của từ trường Trái đất, từ định lý Pi-ta-go (Pythagoras) và lý thuyết về tỉ lệ vàng.
2. Chupa Chups
Nhắc đến Chupa Chups, cả một bầu trời tuổi thơ lại ùa về với những que kẹo "mút mãi không hết" sau mỗi buổi tan trường.
Enric Bernat - người sáng lập thương hiệu đã nảy ra ý tưởng này khi chứng kiến cảnh vài phụ huynh quát mắng con mình vì để tay dính đầy kẹo. Ông cho rằng tại sao không bán một loại kẹo được gắn vào một cái que? Và chỉ đơn giản vậy thôi, ông đã tạo ra một đế chế kẹo mạnh đến không ngờ.
Cái tên Chuma Chups bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha: chupar, có nghĩa là " mút. Tuy nhiên, điều thú vị hơn cả nằm ở chiếc logo, do Salvador Dali thực hiện. Bernat đã yêu cầu Dali tự mình sáng tạo, và người nghệ sĩ quyết định vẽ nền là hình bông hoa cúc màu vàng, với cảm hứng từ màu cờ của Tây ban Nha. Sau này, logo được sửa đổi nhiều lần, nhưng tựu chung ý tưởng vẫn được giữ nguyên.
3. Asus
Thương hiệu công nghệ của Đài Loan đã có độ phủ sóng ở phạm vi toàn cầu, nhưng ít ai biết rằng cái tên của nó lại có một lịch sử hết sức thú vị.
Ban đầu, các nhà sáng lập định đặt tên là Pegasus - tên của loài ngựa có cánh trong thần thoại Hy Lạp. Nhưng khi chốt lại, họ quyết định bỏ đi 3 chữ cái đầu, chỉ lấy Asus. Lý do thì chỉ để tên của họ xuất hiện ngay trên những trang đầu tiên của cuốn danh bạ điện thoại thôi.
4. IKEA
Hãng nội thất "xịn sò" từ Thụy Điển này cũng không có gì xa lạ với chúng ta nữa. Nhưng cái tên IKEA có nghĩa gì nhỉ?
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm trong IKEA đều được đặt tên theo tiếng Thụy Điển - khá là khó đọc, nhưng riêng cái tên của thương hiệu lại có nguồn gốc khác. Ingvar Kamprad - người sáng lập ra thương hiệu đã lấy chữ cái đầu trong tên mình, kết hợp cùng tên của trang trại Elmtaryd tại Agunnaryd (Thụy Điển) - quê hương của ông.
5. Android
Dù bao trùm lên rất nhiều các hãng điện thoại khác nhau, nhưng Android là một hệ điều hành có nguồn gốc từ Google, và lịch sử ra đời của cái tên ấy cũng hết sức thú vị.
Theo Andy Rubin - cha đẻ của Android, cái tên này xuất phát từ việc Rubin cực kỳ yêu thích robot. Chính bản thân Rubin cũng được đồng nghiệp đặt biệt danh là "Android" chỉ vì tính cách này.
Logo của Android được thiết kế bởi Irina Blok. Cô cho biết mình đã tưởng tượng ra robot khi thiết kế, nhưng không làm sao cho hoàn hảo được. Rốt cục, ý tưởng cho logo này lại đến từ các hình vẽ trên... nhà vệ sinh, và cô quyết định làm chiếc logo sao cho càng đơn giản, càng gần gũi càng tốt.
6. Starbucks
Cái tên của Starbucks đến một cách rất tình cờ. Khi ấy, những người đứng đầu thương hiệu đang tụ tập để nghĩ ra một từ gì đó bắt nguồn từ 2 chữ "st", vì họ cho rằng chúng rất... ngầu.
Trong lúc đang "chém gió", có người tìm thấy chiếc bản đồ về một thị trấn cổ xưa, có tên Stabo. Rồi một người bạn khác thì nhớ ra trong cuốn tiểu thuyết về con cá voi trắng Moby Dick có một nhân vật tên Starbuck. Và chuyện gì xảy ra tiếp theo chắc bạn cũng biết rồi nhỉ?
Logo của Starbucks cũng bắt nguồn từ cuốn sách ấy. Nhân vật Starbuck trong tiểu thuyết vốn là phụ tá trên một con tàu, vậy nên những người sáng lập quyết định sẽ để logo theo chủ đề biển, với tạo hình là một cô tiên cá trong thần thoại Hy Lạp.
7. Instagram
Người sáng lập ra Instagram - Kevin Systrom - là một nhân vật cực kỳ đam mê nhiếp ảnh. Nhưng đặc biệt hơn là Systrom rất thích những tấm hình đến từ máy ảnh lấy liền (instan photo - như Polaroid chẳng hạn). Đó là lý do ông đưa ra cái tên Instagram - lấy từ chữ instant và "gram" trong Telegram (ứng dụng trò chuyện cho phép gửi hình ảnh qua đó).
Bản thân logo của công ty cũng lấy ý tưởng của chính cái tên, đó là hình chiếc máy ảnh chụp lấy liền.
8. Amazon
Amazon được Jeff Bezos đưa vào vận hành vào năm 1994, với mục đích ban đầu là một nền tảng bán sách online.
Nhà tỷ phú giàu nhất hành tinh đã không mất quá nhiều thời gian cho tên thương hiệu, mà lấy luôn theo tên dòng sông Amazon biểu tượng của Nam Mỹ. Và rồi sau này khi đã lớn mạnh, người ta mới thêm vào đó ý nghĩa rằng hãng sẽ tiếp tục mở rộng, bành trướng lớn nhất thế giới đúng như lưu vực của con sông này.
Logo của Amazon được thay đổi khá nhiều lần, và phiên bản ngày nay cũng sở hữu ý nghĩa riêng. Với mũi tên ngay bên dưới, Jeff Bezos muốn ám chỉ rằng Amazon sẽ cung cấp các mặt hàng từ A-Z. Ngoài ra, mũi tên còn nhằm biểu thị nụ cười, cho thấy Amazon sẵn sàng làm mọi thứ để có được sự hài lòng của khách hàng.
Tham khảo: BS, VT.co
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng