9 năm sau iPhone, 6 năm sau iPad, cuộc cách mạng tiếp theo của chúng ta ở đâu?
Những cuộc cách mạng cũ đều đã trở nên tầm thường, và những thứ được hứa hẹn là "cách mạng" bây giờ vẫn còn quá nhỏ bé.
Quý tài chính đầu năm nay thực sự có thể coi là một thảm họa với các ông lớn. Apple, Microsoft, Google và Intel lần lượt gây thất vọng cho giới đầu tư, Qualcomm hay Facebook dù đạt kết quả tích cực nhưng vẫn là quá nhỏ bé so với các ông lớn khác. Riêng Samsung chứng kiến mảng di động tăng trưởng tới 42% nhưng là do... "hack" khi đẩy sớm thời điểm phát hành rộng rãi của các dòng smartphone đầu bảng lên sớm một quý.
Và tất cả những con số, bất kể là tích cực hay tiêu cực, đều không thể xóa đi ấn tượng ảm đạm về ngành hi-tech hiện thời. Khi hỏi đại đa số các tín đồ công nghệ rằng họ có còn cảm thấy choáng ngợp với chiếc smartphone hay tablet hay máy Mac, bạn gần như chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời là "Không". Lý do là bởi chiếc smartphone giờ đây đã trở nên quá phổ thông. Khi ai ai cũng có một chiếc smartphone, người ta sẽ ít cảm thấy choáng ngợp hơn khi lần đầu tiên chuyển từ một chiếc điện thoại vỏ sò hay thanh kẹo lên màn hình cảm ứng điện dung cỡ lớn.
Nhưng sự đi xuống của smartphone là điều ai cũng có thể dự đoán trước. Chúng ta đã từng "chán" PC, từng chán máy ảnh số/camcoder, chán máy nghe mp3 thì cũng chẳng có lý do gì không có ngày cảm thấy buồn tẻ với những chiếc điện thoại thông minh đã từng đại diện cho thế giới hi-tech trong suốt 9 năm vừa qua. Điều thực sự đáng nói là tại sao kể từ 2010 đến nay, không có một công nghệ mới nào xuất hiện và khiến người dùng choáng ngợp?
Nếu dừng lại ở mức độ "mới và tiềm năng", những năm vừa qua thực chất đã chứng kiến nhiều công nghệ được người ta tung hô là "cách mạng": nhà thông minh, thiết bị đeo thông minh, xe tự lái, kính thông minh, thực tại ảo/thực tại hỗ trợ hay mới đây là chatbot. Gần như tất cả các trào lưu này đều đi kèm với các con số dự đoán viển vông của các tập đoàn cung cấp dữ liệu thống kê như IDC và Gartner, và nếu nói về mặt lý thuyết thì quả thật chúng hoàn toàn có thể thay đổi thế giới. Nếu như chiếc xe nào cũng tự lái, tỷ lệ tai nạn sẽ giảm đáng kể. Nếu như căn phòng nào cũng tự tắt đèn khi phát hiện không có ai trong phòng, chi phí điện trên toàn cầu chắc chắn sẽ sụt giảm đáng kể.
Vấn đề là ở chỗ tất cả những kịch bản đầy hứa hẹn ấy đều chưa trở thành hiện thực.
Khi nhìn lại những cuộc cách mạng rộng khắp nhất, choáng ngợp nhất, bạn sẽ thấy chúng đều diễn ra trên những lĩnh vực mang vai trò gần như không thể thay thế trong cuộc sống hàng ngày. Chiếc IBM PC có ảnh hưởng rộng khắp tới vậy là bởi PC đã thay thế đáng kể (thậm chí là toàn bộ) những gì bạn cần trong công việc giấy vở. Bạn không còn cần máy đánh chữ, không còn cần những bản vẽ khổ to khó chỉnh sửa, không cần tốn tiền mua phong bì và tem. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua giá trị giải trí của PC, nhưng lý do duy nhất khiến chiếc máy tính cá nhân trở nên thực sự phổ biến là bởi thế giới năm 80 có thể vận hành nhanh gọn hơn khi cá nhân nào cũng có máy tính.
Tương tự, lý do quan trọng nhất khiến iPhone (và sau đó là Android) thành công tới vậy là bởi chiếc smartphone này đã thay đổi hoàn toàn ấn tượng về một thiết bị liên lạc mà ai cũng cần có. Hay, cuộc cách mạng được nhắc tới rất nhiều trong 10 năm qua là điện toán đám mây cũng trở nên nổi trội là bởi công nghệ này đã thay đổi cách các nhà phát triển phát triển, triển khai sản phẩm phần mềm của họ và thay đổi cách tất cả mọi người tiếp cận các dịch vụ dữ liệu.
Nhiều cuộc "cách mạng" khác mà chúng ta đã hoặc đang tung hô không có được may mắn như vậy. Ví dụ có thể kể đến chiếc smartwatch. Một lần nữa, cần phải khẳng định rằng quả thật có smartwatch thì cuộc sống của bạn có thể tốt hơn khi bạn không cần mất quá nhiều thời gian để mở điện thoại xem thông báo và cũng có thể theo dõi sức khỏe cá nhân tốt hơn. Song, smartwatch thay thế cho một loại phụ kiện không phải ai cũng dùng, và quả thật một thiết bị có mục đích chủ yếu là hiển thị thông báo sẽ không thể nào mang ý nghĩa thiết yếu như một thiết bị có thể cho phép bạn liên lạc với bất cứ ai từ bất cứ vị trí nào.
Phần lớn những cuộc "cách mạng" khác đang diễn ra cũng mắc phải điểm yếu này. VR tạm thời mới dừng ở mặt giải trí, và kể cả ở mức độ nhỏ bé như bây giờ (bán ra 15.000 kính Vive, HTC sẽ chỉ thu về 12 triệu USD), không một ai dám khẳng định rằng người tiêu dùng sẽ không "chán" VR như đã từng chán 3D hay một loại hình giải trí nào khác. Hay, một cuộc "cách mạng" thất bại toàn tập là kính thông minh thậm chí còn mang lại những thứ bị… căm ghét: không ai muốn xã hội của mình tràn ngập những "người máy" có đôi mắt gắn liền với một chiếc camera ghi lại tất cả những gì họ nhìn thấy.
Hai trở ngại khác cũng vô cùng to lớn với những cuộc cách mạng tiếp theo không nằm ở tầm nhìn của chính sản phẩm được cho là sẽ thay đổi thế giới. Thời trang công nghệ và nhà thông minh, hay nói chung là Internet of Things, đòi hỏi những công nghệ chip cảm ứng mới, nhỏ hơn và mạnh mẽ hơn hiện tại. Vấn đề là ở chỗ ngành sản xuất chip đã bắt đầu tiến đến các giới hạn về vật lý. Sức mạnh xử lý sẽ luôn định nghĩa những gì một thiết bị điện tử có thể làm được, và trong kịch bản xấu nhất, nhà thông minh hay thiết bị đeo thông minh sẽ không đủ thông minh để thay đổi cuộc sống con người đến mức độ của PC hay smartphone.
Cuối cùng là trở ngại về mặt xã hội và nền tảng pháp lý. Thời trang công nghệ và nhà thông minh sẽ mang lại một khối lượng dữ liệu khổng lồ, kéo theo đó là câu hỏi ai là người làm chủ những thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dùng? Khi đám cháy lan rộng vì lỗi của máy báo khói, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước tòa án: người dùng, nhà sản xuất, kỹ sư phần cứng hay kỹ sư phần mềm?
Tương tự, ai sẽ chịu trách nhiệm khi xe tự lái gây tai nạn? Một thế giới chỉ có lái xe là thuật toán chắc chắn sẽ an toàn hơn một thế giới chỉ có con người là lái xe, nhưng loài người không thể chuyển giao sang kịch bản đó trong một năm hay thậm chí là một thập kỷ. Vào đầu năm, chính quyền Obama đã lên kế hoạch phát triển nền tảng pháp lý cho xe tự lái có giá 4 tỷ USD và kéo dài trong vòng ít nhất là 10 năm. Xe tự lái sẽ là một cuộc cách mạng, và bạn sẽ phải đợi cuộc cách mạng đó trong khoảng thời gian tương đương với số năm đủ khiến chúng ta cảm thấy chán ngán với smartphone.
Phải rất lâu nữa Google mới có thể có một thất bại ê chề như Google Glass.
Nói tóm lại, thế giới công nghệ của chúng ta ngày hôm nay giống như một cậu sinh viên bằng giỏi mới ra trường: đầy tiềm năng, nhưng chưa làm được gì thực sự có ý nghĩa cả. Cậu sinh viên đó cũng còn rất nhiều khó khăn phải giải quyết trước mắt, và chừng nào những khó khăn đó chưa được khắc phục, có lẽ chúng ta vẫn phải ngồi... ngáp đợi iPhone 7 Pro mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng