9 ống kính hiếm nhất trong lịch sử mà bạn có thể thực sự mua được nếu có nhiều tiền và kiên nhẫn
Đây là những ống kính với số lượng sản xuất từ vài trăm đến vài nghìn chiếc, nhưng nếu kiên nhẫn và may mắn thì bạn vẫn sẽ thấy nó được bán lại hoặc bán đấu giá.
Trải qua lịch sử phát triển của máy ảnh, hàng nghìn, hàng vạn loại ống kính khác nhau đã được thiết kế và sản xuất. Một số không vượt quá giai đoạn nguyên mẫu, một số chỉ được cá nhân sử dụng và đương nhiên nhiều chiếc được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên ngay cả khi được sản xuất hàng loạt, một sống ống kính vẫn cực kỳ hiếm.
Một tìm kiếm nhanh trên Google về “ống kính hiếm nhất” bạn sẽ thấy những cái tên như: Zeiss 1700mm, Zeiss 50mm f/0.7, Nikon 6mm f/2.8 Fisheye, Leica 1600mm và những loại khác. Về cơ bản, đây là những ống kính mà bạn có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời.
Dù vậy, vẫn còn những ống kính rất hiếm, nhưng thực sự có sẵn trên thị trường hàng đã qua sử dụng - những ống kính mà bạn thực sự có thể mua. Nhiều ống kính trong số này chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên eBay hoặc trong các cuộc đấu giá khác. Chúng đều là những ống kính cực kỳ hiếm.
Contax Zeiss 55mm f/1.2 Planar T* MM 100 Jahre
Năm 1973, cái tên Contax được Carl Zeiss cấp phép cho Yashica để sản xuất một dòng ống kính và máy ảnh SLR 35mm chuyên nghiệp, chất lượng cao. Năm 1983, Kyocera mua lại Yashica, tiếp tục sản xuất các máy ảnh và ống kính mà Zeiss và Yashica đã tạo dựng nên trước đó một thập kỷ.
Chiếc lens này đang được bán với giá gần 7000 USD trên eBay
Các máy ảnh chuyên nghiệp được bán dưới tên Contax trong khi các dòng máy “thân thiện túi tiền” hơn được đóng dấu Yashica - cả hai đều dùng chung ngàm Contax/Yashica (C/Y). Những ống kính C/Y tốt nhất được thiết kế bởi Zeiss và cho đến ngày nay là một số ống kính cổ điển tốt nhất mà bạn có thể mua - rất ít ống kính thời máy film có thể dùng tốt trên cảm biến hiện đại ngày nay, nhưng phần lớn ống kính C/Y của Zeiss có khả năng đó. Trên thực tế, thiết kế quang học của nhiều ống kính này đã được chuyển trực tiếp sang dòng Zeiss Classic (ZF, ZF.2, ZE, ZK) và sau đó là dòng Milvus.
Một số ống kính, như 50mm f/1.7 Planar, có giá khá phải chăng trong khi những ống kính khác, như 85mm f/1.4 Planar hoặc 28mm f/2 Distagon (còn được gọi là “Hollywood” do các nhà làm phim yêu thích sử dụng), sẽ rơi vào mức vài chục nghìn USD. Những loại khác, như 85mm f/1.2 Planar hoặc 200mm f/2 Aposonnar, khá hiếm và có thể đắt ngang với một chiếc ô tô khi chúng thỉnh thoảng xuất hiện trên thị trường.
Không rõ chính xác có bao nhiêu chiếc được sản xuất, nhưng tất cả đều được sản xuất để kỷ niệm 100 năm bằng sáng chế Zeiss Planar, do đó có cái tên “100 Jahre” (tiếng Đức là “100 năm”).
Konica Hexanon 60mm f/1.2
Không giống như nhiều ống kính Konica Hexanon - hầu hết được sản xuất cho ngàm AR của Konica - ống kính này được phát hành vào tháng 3 năm 1999 cho ngàm ren xoáy Leica Screw Mount (hay còn gọi là Leica Thread Mount hoặc “LTM”).
Năm 1996, Konica đã đặt hàng một loạt ống kính ở cả ngàm Leica M và Leica Thread Mount. Loại thứ hai là không bình thường trong thời gian đó vì hầu hết các máy ảnh quang trắc (Rangefinder) trong thời đại đó đã chuyển sang ngàm Leica M từ lâu. Một trong những ống kính LTM này là Hexanon 35mm f/2L, một bản sao của ống kính được đánh giá cao trên máy ảnh compact lấy nét tự động Hexar. Mặc dù ống kính này cũng rất được săn lùng, nhưng không có ống kính nào hơn Hexanon 60mm f/1.2, được sản xuất với số lượng hạn chế chỉ 800 chiếc.
Ống kính được sử dụng trên máy rangefinder và có thể hoạt động trên các thân máy M-mount hiện đại (film hoặc kỹ thuật số) thông qua việc sử dụng một bộ chuyển đổi đơn giản.
Konica M-Hexanon Dual 21-35mm f/3.4-4
Konica M-Hexanon Dual 21-35mm f/3.4-4 đang được bán với giá 2680 USD trên eBay
Việc Konica vào đấu trường M-mount không phải là đột ngột. Trên thực tế, Konica và Leica đã là đối thủ cạnh tranh vào những năm 1990. Trong suốt những năm 90, Konica đã phát hành rất nhiều ống kính ngàm M, rất nhiều trong số đó có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường đã qua sử dụng.
Năm 2000, Leica giới thiệu Tri-Elmar 28-35-50mm f/4 mang tính cách mạng cho dòng thân máy M của mình. Đây là lần đầu tiên người dùng rangefinder có khả năng thay đổi độ dài tiêu cự mà không cần hoán đổi ống kính. Hai năm sau, vào năm 2002, Konica đã trở lại với ống kính 21-35/ 3.4-4. “21-35” không nên được đọc như hầu hết chúng ta đã quen, mà theo cách giống như 28-35-50 Tri-Elmar - nó không phải là một ống kính zoom, mà là một ống kính cung cấp cả hai tiêu cự 21mm và 35mm, giống như Tri-Elmar cung cấp 28, 35 và 50mm.
Leica Tri-Elmar 28-35-50mm f/4
Trong khi Konica cung cấp ít tiêu cự hơn, nhưng nó thực sự đã vượt qua Tri-Elmar về một số mặt. Rõ ràng, ở mức 21mm, nó rộng hơn nhiều so với 28mm của Tri-Elmar. Nhưng thiết kế của nó cũng được cải thiện bằng cách triển khai khẩu độ thay đổi f/3.4 ở 21mm và f/4 ở 35mm. Khả năng thu phóng và lấy nét cũng được trang bị bên trong, giúp vận hành ống kính mượt mà hơn đáng kể.
Ước tính có khoảng 800 chiếc đã được sản xuất, vì vậy bạn có thể kiên nhẫn tìm thấy chúng trên thị trường đã qua sử dụng.
Leica Elcan 66mm f/2
Rất nhiều ống kính Leica được đánh giá cao và cực kỳ đáng mơ ước. Nhiều trong số chúng - như Noctilux - thậm chí có thể được coi huyền thoại. Nhưng Leica Elcan 66mm f/2 vừa là một chiếc ống kính huyền thoại vừa là một chiếc ống kính không thường được thảo luận.
Vào đầu những năm 50, Elcan (Ernst Leitz Canada) được thành lập trụ sở tại Midland, Ontario để phục vụ thị trường Bắc Mỹ. Công ty cũng được giao nhiệm vụ phát triển ống kính của riêng mình dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Walter Mandler, người ban đầu chỉ có kế hoạch làm việc với Elcan trong một thời gian ngắn. Nhưng Mandler đã ở lại Canada hơn năm mươi năm, cuối cùng trở thành một công dân.
Mandler là một trong những kỹ sư quang học được ca ngợi nhất trong lịch sử. Nổi tiếng với việc vượt qua giới hạn và thực hiện những điều dường như không thể, Mandler trở thành người chịu trách nhiệm cho vô số ống kính Leica cổ điển: 35/2.8 Summaron, 35/2 Summicron, 3/1.4 Summilux, 50/1.4 Summilux, 50/2 Summicron, 50/1.0 Noctilux, 75/1.4 Summilux, 21/2.8 Elmarit, 180/3.4 APO-Telyt, tất cả ống kính Leica R và hàng chục ống kính khác.
Một phần hoạt động kinh doanh của Leitz Canada tập trung vào việc phát triển và sản xuất máy ảnh và ống kính quân sự - những ống kính như vậy đã nhận được ký hiệu "Elcan". Rất nhiều ống kính này đã được NATO sử dụng trong Chiến tranh Lạnh, được cho là ống kính "gián điệp" và không được cung cấp cho công chúng. Một trong những ống kính như vậy là Elcan 66mm f/2, được sản xuất chủ đích cho Hải quân Hoa Kỳ với mục tiêu hướng tới độ phân giải tối ưu.
Có vẻ như Leitz Canada đã thành công trong lĩnh vực đó, vì Elcan 66mm được cho là một ống kính đáng kinh ngạc, ngay cả trên các máy ảnh kỹ thuật số hiện đại ngày nay. Thật không may, chỉ khoảng 200 chiếc đã từng được tạo ra, vì vậy chúng hiếm khi có trên thị trường và có giá cao.
Leica Elcan 90mm f/1.0
Elcan đã sản xuất một số ống kính cho quân đội, bao gồm 50mm f/2 và 66mm đã nói ở trên, nhưng có lẽ không ống kính nào trong số chúng có khả năng gây ra "hội chứng muốn mua lại" của bạn như ống kính này. Với Elcan 90mm f/1.0, Mandler mãi mãi củng cố di sản của ông như một kỹ sư quang học tiên phong. Đây là ống kính trên 60mm nhanh nhất từng được sản xuất, nếu không tính X-Ray và các ống kính không chụp ảnh khác.
Được chế tạo cho Không quân Hoa Kỳ chuyên dùng để chụp ảnh ban đêm, Elcan 90mm là một con quái vật khổng lồ. Với đường kính phía trước rộng hơn Leica 560mm Telyt, có thể nói vui rằng bạn gắn máy ảnh vào ống kính này, chứ không phải gắn ống kính vào máy ảnh.
Tuy nhiên, đừng quá hào hứng với việc chụp ảnh chân dung có độ sâu trường ảnh siêu nông với nó. Vì kích thước khổng lồ đã chặn toàn bộ khung ngắm, ống kính này không có vòng lấy nét tiêu chuẩn. Vì nó được thiết kế để chụp ảnh trên không vào ban đêm, thay vào đó, ống kính có ba vòng lấy nét để hoán đổi giữa: một cho vô cực, một cho 100 mét và một cho 50 mét.
Với ước tính chỉ có mười chiếc từng được sản xuất, không chắc bạn sẽ thấy một chiếc được rao bán, nhưng cơ hội vẫn còn đó.
Minolta G-Rokkor 28mm f/3.5
Vào giữa những năm 90, Minolta đã gia nhập cơn sốt máy ảnh sang trọng - nhỏ gọn. Minolta TC-1 là một trong những máy ảnh 35mm nhỏ gọn rất được yêu thích - và là một trong những máy ảnh đắt nhất - chủ yếu do thiết kế nhỏ nhắn và ống kính G-Rokkor 28mm f / 3.5 nổi bật của nó. Nhiều chiếc máy ảnh "point and shoot” sang trọng của thời đại đó được biết đến với khả năng quang học tuyệt vời và Minolta TC-1 nằm ngay Top.
Là một phần của lễ kỷ niệm 70 năm, Minolta đã phát hành ống kính G-Rokkor 28mm từ ống kính TC-1 với ngàm Leica Thread Mount với số lượng phiên bản giới hạn chỉ 2.000 chiếc. Điều này làm cho nó phổ biến hơn một chút so với một số cái tên khác trong danh sách này và có giá cả phải chăng nhất.
Nikon Nikkor 13mm f/5.6
Nikkor 13mm f/5.6 được coi là một trong những “Chén Thánh” của ống kính Nikon và ống kính cổ điển nói chung.
Nikkor 13mm, được sản xuất từ năm 1976 đến 1998, là một ống kính Rectilinear góc siêu rộng và điểm nổi tiếng của nó là độ méo cực thấp. Trên thực tế, nó là ống kính non-fisheye có góc rộng nhất trên thị trường trong một thời gian rất dài. Hầu hết các ống kính khác trong thời đại từ 16mm trở xuống là ống kính mắt cá (và thường hoạt động khá kém). Ống kính này có back-focus gấp khoảng 3,5 lần tiêu cự của nó - một kỳ tích cực kỳ khó vượt qua, kể cả ngày nay. Rất khó để sản xuất ống kính retrofocus cực độ và vào năm 1976, điều này chưa từng xảy ra. Nikkor 13mm lại là một câu chuyện khác.
Với phía trước có đường kính 115mm, ống kính này có trường nhìn 118 độ và thiết kế retrofocus với 16 thành phần. Thiết kế nổi chuyên dụng giúp giảm thiểu quang sai ở khoảng cách lấy nét gần.
Ngay cả ngày nay, ống kính này vẫn có chất lượng đáng chú ý. Nó không phải là hoàn hảo, nhưng rất ít ống kính full-frame 13mm đặc biệt là ống kính SLR, có thể gọi là hoàn hảo. Độ sắc nét vẫn tuyệt vời trên 95% khung hình, chỉ những vùng ngoại vi cực xa có dấu hiệu méo và quang sai trục. Ở f/8, hiệu ứng mờ viền được cải thiện rõ. Đến f/11, độ phân giải của nó cực kỳ đồng đều trên toàn bộ khung hình.
Ống kính này đại diện cho một trong những thành tựu công nghệ đáng chú ý nhất trong lịch sử nhiếp ảnh. Có rất ít ống kính SLR thể hiện mức hiệu suất này, ngay cả bao gồm cả các thiết kế hiện đại. Đó là một ống kính mang tính bước ngoặt.
Nippon Kogaku Nikkor-N 50mm (5cm) f/1.1
Trước khi Nikon là một trong những công ty hàng đầu trong ngành sản xuất SLR 35mm, họ đã sản xuất và phân phối máy ảnh và ống kính rangefinder - “Nippon Kogaku” thường được tìm thấy trên viền ống kính của hãng từ thời điểm này vì đó là tên ban đầu của Nikon và thực sự vẫn như vậy cho đến khi 1988. Tên gọi quen thuộc "Nikkor" - được sử dụng cho đến ngày nay - ban đầu được dự định là "Nikkon" nhưng công ty phải đối mặt với những lời phàn nàn từ Carl Zeiss, hãng đã sản xuất thương hiệu Zeiss "Ikon" nổi tiếng.
Vào cuối những năm 1940, Nikon trình làng dòng máy ảnh rangefinder của mình, bắt đầu với Nikon I và tiếp theo là Nikon M, S, S2, và hoàn toàn trưởng thành với SP vào năm 1957. Thiết kế của những chiếc máy ảnh này gần như là sự lai tạo giữa chiếc M3 của Leica và Contax IIa.
Nikon SP
Với dòng máy rangefinder của mình, Nikon cũng đã vượt qua ranh giới của thiết kế quang học - đáng chú ý nhất là ống kính 1000mm f/6.3 khổng lồ và tất nhiên là 50mm f/1.1 được thảo luận ở đây. 50mm f/1.1 trở thành ống kính thương mại nhanh nhất từng được phát hành khi Nikon công bố nó.
Trên thực tế, có hai phiên bản khác nhau (ba phiên bản, nếu bạn tính luôn số ít được tạo ra cho Leica Thread Mount). Phiên bản đầu tiên sử dụng cùng một hệ thống lấy nét như các ống kính khác trong dòng, có nghĩa là tiêu điểm đạt được bằng cách xoay ngàm chuôi lưỡi lê của máy ảnh thay vì vòng xoay trong ống kính. Vấn đề? Ống kính quá lớn và nặng nên không có gì lạ khi nó làm gãy ngàm của máy ảnh.
Nikon đã giải quyết vấn đề này bằng cách phát hành một phiên bản có vòng xoay tích hợp riêng và “ngàm ngoài” - về cơ bản, đó là một loại giá đỡ được trang bị xung quanh ngàm của thân máy để chịu được sức nặng của ống kính. Lấy nét không còn được điều khiển thông qua bánh xe điều khiển bằng ngón trỏ của máy ảnh mà chỉ đơn giản giống như một ống kính thông thường.
Nó cũng được phát hành cho ngàm ren của Leica, mặc dù các phiên bản như vậy hiếm hơn nhiều so với các biến thể ngàm Nikon S vốn đã khá hiếm. Thật kỳ lạ, ống kính ngàm S được các nhà sưu tập mong muốn hơn, vì vậy nếu bạn tìm thấy phiên bản ngàm Leica, nó có thể sẽ không đắt hơn nhiều.
Zeiss Hologon 15mm f/8
Hologon gắn vào Leica MDa
Ống kính này là một huyền thoại của Zeiss. Góc chụp của ống kính 15mm f/8 quá rộng (110°) nên không tương thích với bất kỳ máy ảnh nào lúc đó. Ban đầu nó được sản xuất cho Zeiss Ikon Contarex Hologon Ultrawide, về cơ bản là một body SLR dựa trên các mẫu Zeiss Ikon Contarex trước đó. Do phần phía sau của ống kính nhô ra quá mức, gương phải được tháo ra khỏi máy ảnh và kính ngắm quang học được đúc phía trên ống kính.
Zeiss Ikon ngừng sản xuất máy ảnh vào năm 1972, lúc đó Carl Zeiss cho phép Leica chuyển số hàng còn sót lại sang ngàm Leica M - điều này khiến nó trở thành ống kính Zeiss ngàm M đầu tiên và duy nhất cho đến khi Zeiss bắt đầu sản xuất ống kính ngàm M của riêng mình vào giữa những năm 2000. Zeiss tiếp tục làm lại ống kính cho Contax G vào những năm 1990, mặc dù có tiêu cự 16mm và thiết kế quang học phức tạp hơn.
Khoảng 1.400 ống kính Hologon 15mm đã được sản xuất, nhưng chỉ có 225 ống được chuyển sang ngàm Leica M.
Hologon là một ống kính cực kỳ kín đáo và mỏng, về cơ bản có kích thước bằng nắp thân máy Leica - ít nhất là khi được gắn trên một máy ảnh nơi phần dài phía sau có thể biến mất vào thân máy. Mặc dù nó chắc chắn không đáp ứng được các tiêu chuẩn của các ống kính hiện đại trong dải tiêu cự này, nhưng nó vẫn là một ống kính tốt - đặc biệt là vào thời điểm đó, khi nó được ca ngợi là một kiệt tác về thành tựu quang học.
Tham khảo: Petapixel
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng