Trên thị trường smartphone hiện tại 99% hệ điều hành là Android và iOS, liệu Huawei có thể tìm được chỗ đứng cho HarmonyOS?
Hệ điều hành HarmonyOS 2 của Huawei Technologies đã ra mắt và nó được thiết lập để xuất hiện trên nhiều smartphone, tablet, smartwatch và thậm chí cả thiết bị gia dụng.
Dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ chặn quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ của Google, năm ngoái, Huawei đã bắt đầu chuyển đổi sang HarmonyOS, hệ điều hành nội bộ dành cho các thiết bị Internet-of-Things (IoT) của riêng mình. Công ty hiện có nhiều đối tác cho HĐH, bao gồm gã khổng lồ thiết bị gia dụng Midea, nhà sản xuất drone SZ DJI Technology, và các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Tissot và Swatch.
Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi về HarmonyOS, chính xác thì liệu nó có thể cạnh tranh trong thị trường smartphone, hiện đang là cuộc đua độc quyền của hai chiến mã Android / iOS hay không.
Dưới đây là những điều bạn cần biết:
Harmony (được gọi là Hongmeng trong tiếng Trung Quốc) là một hệ điều hành mà Huawei cho biết họ đã làm việc từ năm 2012, khi một nhóm nhỏ các giám đốc điều hành hàng đầu của họ do nhà sáng lập Ren Zhengfei đứng đầu tổ chức một cuộc họp kín để đưa ra ý tưởng về cách giảm phụ thuộc vào Android.
Cuối cùng, Huawei không còn lựa chọn nào khác: Công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào tháng 5 năm 2019, dẫn đến mất quyền truy cập vào các dịch vụ của Google. Mặc dù Dự án nguồn mở Android (AOSP) vẫn miễn phí cho mọi người sử dụng, nhưng các dịch vụ độc quyền của Google được coi là điều bắt buộc phải có đối với các thiết bị Android bên ngoài Trung Quốc, nơi doanh số bán hàng của Huawei giảm sút trầm trọng kể từ lệnh cấm.
Ba tháng sau lệnh cấm, Huawei chính thức công bố hệ điều hành HarmonyOS.
Vào thời điểm đó, nhà sản xuất thiết bị viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết họ sẽ không cài đặt Harmony trên smartphone của mình, tiếp tục sử dụng Android của Google để bảo vệ hệ sinh thái ứng dụng đang có. Tuy nhiên, các hạn chế của Hoa Kỳ vẫn tồn tại và ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, ngoài việc chỉ đưa nó lên điện thoại, Huawei đang định vị HarmonyOS là một hệ điều hành hiện đại được thiết kế cho tất cả các thiết bị IoT, làm cho nó linh hoạt hơn so với Android hoặc iOS của Apple, cả hai đều được phát triển từ hơn một thập kỷ trước.
Thiết bị đầu tiên ra mắt với HarmonyOS thậm chí không phải là thiết bị di động: đó là một chiếc TV thông minh được công bố vào tháng 8 năm 2019 từ thương hiệu giá rẻ Honor, mà Huawei đã bán cho một tập đoàn vào năm ngoái do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Gã khổng lồ smartphone Trung Quốc cũng cho biết tại buổi ra mắt của Harmony rằng hệ điều hành này cuối cùng sẽ được sử dụng trong PC, thiết bị đeo thông minh, ô tô, loa thông minh, tai nghe và kính thực tế ảo, cùng các sản phẩm khác. Với quan hệ đối tác mới được công bố với HarmonyOS 2, hệ điều hành này cũng được đưa lên các thiết bị Midea và máy drone DJI.
Richard Yu Chengdong, người đứng đầu nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết tại hội nghị nhà phát triển năm 2019 của công ty rằng Huawei đặt mục tiêu đưa HarmonyOS trở thành hệ điều hành tiên tiến nhất trên thế giới cho các ứng dụng IoT thế hệ tiếp theo.
Liệu Harmony có phải chỉ là một phiên bản Android?
Theo công ty, HarmonyOS chạy trên kiến trúc độc quyền của Huawei. Tuy nhiên, họ đã thừa nhận sử dụng mã AOSP và nhân Linux trong smartphone, đặt ra câu hỏi về việc liệu nó có phải chỉ là một phiên bản khác của Android hay không.
Huawei ban đầu cho biết HarmonyOS sẽ chạy trên một microkernel, lý tưởng cho các thiết bị IoT ít phức tạp hơn. Điều này dường như vẫn giữ nguyên, nhưng nó phụ thuộc vào thiết bị mà hệ điều hành đang chạy.
Kernel là nền tảng của mọi HĐH, cho phép phần mềm tương tác với phần cứng. Hầu hết các hệ điều hành đều chạy trên kernel nguyên khối, chứa mọi thứ cần thiết để chạy hệ thống. Bạn có thể tìm hiểu thêm về kernel tại đây.
Microkernel có nhiều mô-đun hơn, giống như những khối Lego: hệ thống có thể được chia thành các thành phần nhỏ hơn và ghép lại với nhau để hỗ trợ các thiết bị trong tương lai và kích hoạt các tính năng cụ thể, giám đốc tiếp thị sản phẩm Huawei James Lu nói với trang công nghệ Revu có trụ sở tại Philippines vào năm 2019 .
Điều này có nghĩa là microkernel là rất linh hoạt. Bằng cách chỉ chạy các hoạt động cơ bản, chúng có thể để lại mọi thứ khác cho các phần khác của hệ thống, làm cho chúng phù hợp hơn với các thiết bị IoT.
Mặt khác, kernel nguyên khối có thể cần được điều chỉnh cho phù hợp với các thiết bị cụ thể, như trường hợp của Android.
Các tài liệu về HarmonyOS hiện cho biết hệ thống “sử dụng thiết kế đa nhân”, bao gồm kernel Linux và microkernel HarmonyOS được xây dựng từ LiteOS của Huawei. Điều này có nghĩa là HarmonyOS hiển thị trên nhiều thiết bị IoT thực sự dựa trên LiteOS trong khi phiên bản trên điện thoại thông minh và máy tính bảng giống với Android hơn. Nhưng trong khi Huawei trước đây đã hứa tạo ra mã nguồn mở Harmony, họ vẫn chưa công bố mã nguồn này.
Và các ứng dụng
Huawei ban đầu cho biết các ứng dụng Android có thể được chuyển sang HarmonyOS bằng Trình biên dịch Ark mà không cần phải thay đổi nhiều. Tuy nhiên, khi trình biên dịch ban đầu được phát hành, các nhà phát triển đã phàn nàn về rất nhiều lỗi, với một số người gọi nó chỉ là một màn PR, “có tiếng mà không có miếng".
"Ứng dụng là thách thức đối với hệ điều hành mới này", Bryan Ma, phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC, nói với South China Morning Post vào năm 2019. "Ngay cả khi Huawei đang cố gắng giúp các nhà phát triển Android chuyển đổi ứng dụng của họ dễ dàng hơn, điều này vẫn đòi hỏi nỗ lực biên dịch lại và kiểm tra các ứng dụng. Ngoài ra, Google gần như sẽ không chuyển các ứng dụng của họ sang, vì vậy, đó vẫn là một cái gai nhức nhối đối với Huawei trên điện thoại ở nước ngoài của họ."
Theo thiết kế đa nhân mới, HarmonyOS 2 sử dụng nhân Linux dường như có các ứng dụng chia sẻ nhiều điểm tương đồng với các ứng dụng trên Android, chỉ có phần mở rộng tệp khác nhau, trang tin công nghệ Ars Technica đưa tin.
Thiết kế đa nhân khiến HarmonyOS giống như hai hệ điều hành khác nhau, tương tự như cách Google và Apple phát triển các hệ thống khác nhau cho các thiết bị khác nhau. Nhưng tầm nhìn của Huawei vẫn là thu hẹp khoảng cách giữa các thiết bị.
“Nó rất phức tạp,” Yu nói trong buổi ra mắt HarmonyOS vào năm 2019. “Hướng phát triển trong tương lai của hệ điều hành là microkernel: chúng tôi cần cung cấp một hệ điều hành tương lai cho kỷ nguyên thông minh [bao gồm] tất cả các kịch bản.”
Những thiết bị nào nhận được HarmonyOS 2?
Vào tháng 6 năm sau, HarmonyOS 2 sẽ có cho gần 100 thiết bị của công ty, Huawei cho biết. Hầu hết các điện thoại Huawei sẽ có thể nâng cấp lên HarmonyOS từ EMUI, bao gồm cả dòng Mate 40 và P40.
Loạt máy tính bảng MatePad Pro cũng đủ điều kiện để nâng cấp và các máy mới sẽ được cài đặt sẵn HarmonyOS 2.
Smartwatch mới của Huawei cũng xuất xưởng với HarmonyOS 2. Đây có thể là nơi microkernel LiteOS xuất hiện, vì các thiết bị Huawei Watch GT chạy trên hệ điều hành đó.
Tuy nhiên, HarmonyOS không dừng lại ở đó. Công ty đã tiết lộ kế hoạch đưa nó vào nhiều TV, ô tô và các thiết bị IoT khác nhau. Yu cho biết công ty đã hợp tác với hơn 1.000 nhà sản xuất phần cứng, 500.000 nhà phát triển ứng dụng và hơn 300 nhà cung cấp dịch vụ, cho phép hệ điều hành di động của công ty chạy trên nhiều thiết bị thông minh hơn so với hệ điều hành Android.
Thực tế có thể phức tạp hơn. Sẽ mất thời gian để các nhà sản xuất phần cứng khác tích hợp một hệ điều hành mới. Ngoài ra còn có một thách thức khác: không có đối thủ nào trong mảng smartphone của công ty đã ký kết từ bỏ Android thay bằng Harmony.
HarmonyOS có thể chen vào cuộc đua song mã giữa Android và iOS không?
Theo StatCounter, Android và iOS có một thế mạnh kinh khủng trong hệ điều hành điện thoại thông minh, đó là chiếm hơn 99% thiết bị di động trong tháng 5.
Các hệ điều hành có xu hướng trở thành một thị trường mà kẻ thắng sẽ có được tất cả, được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng khi các nhà phát triển và người dùng liên kết với nhau xung quanh một hoặc hai hệ điều hành phổ biến.
Điều này đã được giảm bớt phần nào trong những năm gần đây đối với môi trường máy tính do sự phổ biến ngày càng tăng của các ứng dụng web đa nền tảng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa trải nghiệm ứng dụng gốc và ứng dụng web là lớn hơn trên thiết bị di động, vì vậy người tiêu dùng và nhà phát triển thích các ứng dụng được tạo cho một hệ điều hành cụ thể.
Vấn đề thu hút các nhà phát triển có thể là điều khiến Huawei quay trở lại nhân Linux cho smartphone và máy tính bảng. Những nỗ lực trước đây để tạo các lựa chọn thay thế Android đã không khắc phục được sự cố này.
Microsoft đã phải vật lộn để có được các nhà phát triển ứng dụng cho hệ điều hành Windows Phone, hệ điều hành này đã bị ngừng sản xuất vào năm 2017, mặc dù đã cố gắng "rất nhiều" để khuyến khích họ - bao gồm cả việc trả tiền để họ viết ứng dụng - theo Joe Belfiore, giám đốc điều hành của Microsoft. Tại một số thời điểm, Microsoft đã cố gắng thêm một lớp phần mềm vào Windows để có thể chạy các ứng dụng Android, nhưng nó không thể khiến tất cả các ứng dụng chạy trơn tru.
Samsung Electronics cũng đã cố gắng thay thế Android trên điện thoại bằng hệ điều hành Tizen của mình, nhưng cuối cùng nó đã bị đưa xuống đồng hồ thông minh và TV. Giờ đây, Tizen cũng đang bị loại bỏ khỏi đồng hồ, khi Samsung hợp tác với Google, chuyển sang Wear OS, hệ thống dựa trên Android của Google dành cho thiết bị đeo thông minh.
Huawei thậm chí không phải là công ty Trung Quốc đầu tiên thử thách đấu với Android. Alibaba Group Holding - gã khổng lồ thương mại điện tử - có AliOS, một bản phân phối Linux từng chạy trên điện thoại thông minh với tên YunOS và hiện chỉ giới hạn ở các thiết bị IoT khác.
Ngay cả khi không bị các lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tạo nên thành công cho hệ điều hành mới của mình. Việc vay mượn từ AOSP có thể giúp ích trong quá trình chuyển đổi, cung cấp cho người dùng các ứng dụng tương thích ngay lập tức trong khi Huawei từ từ phát triển HarmonyOS khỏi cơ sở mã được chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu không có quyền truy cập vào Google, YouTube, Facebook cũng như nhiều ứng dụng và dịch vụ phổ biến khác, hệ điều hành này khó có thể phát triển bên ngoài Trung Quốc.
Động lực tự lực về công nghệ của chính phủ Trung Quốc cũng có thể giúp HarmonyOS phát triển tại thị trường nước nhà về lâu dài nếu cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn.
Dù vậy, hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng Android trong và ngoài nước.
Tham khảo: SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng