Ai còn dùng CMND lưu ý làm ngay việc này trước 31/12 để tránh bị phạt tiền

    Nguyễn Hoàng,  

    Đây là một trong những quy định mà người dùng Chứng minh nhân dân (CMND) phải đặc biệt lưu ý từ 2025.

    "Khai tử" CMND từ 1/1/2025

    Đây là một trong những quy định mà người dùng CMND phải đặc biệt lưu ý từ 2025. Theo đó, tại quy định chuyển tiếp tại Điều 46 Luật Căn cước 2023, CMND còn hạn sử dụng chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024.

    Có nghĩa là, từ 1/1/2025, toàn bộ CMND kể cả 9 số hay 12 số đều sẽ bị khai tử. Những ai đang dùng CMND - dù còn hay hết hạn thì cũng không còn được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính nữa.

    Việc không cập nhật giấy tờ tùy thân mới còn có thể khiến người dân bị xử phạt. Do vậy, những ai đang sử dụng CMND cần phải làm ngay thủ tục thay đổi sang thẻ Căn cước trước 31/12/2024 để tránh những rắc rối liên quan tới giấy tờ tùy thân trong thời gian tới.

    Lưu ý: Mặc dù CMND không còn giá trị từ năm 2025, tuy nhiên các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã cấp có sử dụng thông tin từ CMND thì vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND trong giấy tờ đã cấp.

    Ai còn dùng CMND lưu ý làm ngay việc này trước 31/12 để tránh bị phạt tiền- Ảnh 1.

    Năm 2025, cố tình dùng CMND cũ bị phạt thế nào?

    Từ 1/1/2025, CMND cũ sẽ không còn giá trị sử dụng. Do vậy, nếu vẫn cố tình sử dụng CMND cũ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, người dùng có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

    Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt khi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng giấy CMND, CMND hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:

    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

    b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

    c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    Đang sử dụng CCCD có bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước?

    Không giống CMND chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024, thẻ CCCD dù là mã vạch hay gắn chip thì sang năm 2025 vẫn được sử dụng bình thường nếu thời hạn trên thẻ vẫn còn.

    Đặc biệt, thẻ CCCD chỉ bị đổi sang thẻ Căn cước nếu người dân có nhu cầu đổi và thực hiện yêu cầu đổi thẻ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Căn cước 2023.

    Lưu ý: Cùng với quy định mới từ 2025 dành cho người dùng CMND và CCCD nêu trên, các loại giấy tờ có thông tin về số CMND với số CCCD thì cơ quan quản lý không quy định thủ tục riêng để thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

    Thủ tục đổi CMND sang thẻ Căn cước

    Hiện nay, công dân có nhu cầu có thể thực hiện online trên Cổng dịch vụ công hoặc thực hiện trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước. Hiện nay, thông thường công dân sẽ chọn Công an cấp huyện để thực hiện.

    Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định trình tự thủ tục cấp thẻ Căn cước như sau:

    Trường hợp cấp thẻ Căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên

    Bước 1: Đến cơ quan làm thủ tục tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước

    Bước 2: Cung cấp thông tin nhân thân

    Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước.

    Trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    Bước 3: Thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học

    Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.

    Bước 4: Người cần cấp thẻ Căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin Căn cước

    Bước 5: Cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước;

    Công dân được trả thẻ Căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn.

    Trường hợp người cần cấp thẻ Căn cước có yêu cầu trả thẻ Căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý Căn cước trả thẻ Căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

    Trường hợp cấp thẻ Căn cước cho người từ 06 - dưới 14 tuổi

    Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

    Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thay cho người đó. Thủ tục cấp thẻ Căn cước tương tự như với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

    Trường hợp cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi

    Người đại diện thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước.

    Cơ quan quản lý Căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

    Người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi (theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP).

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày