AirPods của bạn sẽ chết sớm, kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường cực kỳ nghiêm trọng
Tuổi thọ pin ngắn và thiết kế khiến AirPods không thể thay pin sẽ biến nó thành rác thải công nghệ chỉ sau hai năm sử dụng.
Hai năm trước, Desmond Hughes thấy các kênh podcast yêu thích của mình nói về tai nghe không dây AirPods của Apple. Thiết kế gọn gàng và khả năng kết nối của nó khiến anh cảm thấy cái giá 170 USD của nó xứng đáng đến từng đồng. Anh nhanh chóng sở hữu nó.
Giờ đây, Hughes vẫn thấy các kênh podcast đó nói về chiếc AirPods nọ, nhưng giờ đây chúng là những lời phàn nàn. Viên pin gần như không sạc được nữa, biến chúng thành đồ vô dụng không hơn không kém. Các blogger của Apple đều đồng tình với nhận định: "AirPods đang cho thấy vấn đề tuổi tác của mình với những người mua ban đầu."
Đầu tháng Ba này, trang Apple Insider đã làm một bài kiểm tra giữa một cặp AirPods mua vào năm 2016 và một cặp khác mua vào năm 2018. Họ nhận ra rằng, cặp AirPod mua năm 2016 nhanh chóng kiệt pin sau 2 giờ 16 phút. "Nó chưa bằng một nửa thời lượng pin của cặp mới mua." Tác giả William Gallagher nhận định.
Điều tương tự cũng xảy ra với Hughes. Đầu tiên cặp tai nghe của anh có thời lượng pin đến 5 giờ, nhưng giờ đây đôi khi chúng chỉ dùng được trong nửa giờ. Giải pháp của anh – nghe một tai trong khi sạc cho một tai khác – đây không phải cách dùng tối ưu cho một cặp tai nghe đắt tiền như vậy.
Hiện tại anh đang dồn tiền vào một cặp tai nghe mới: "Tôi chỉ ước họ sẽ tăng tuổi thọ pin." Vào thứ Tư vừa qua, Apple đã ra mắt tai nghe AirPod thế hệ mới, nhưng như thường lệ, công ty không cho biết thiết bị mới này có tuổi thọ dài hơn hay không.
Những viên pin Lithium-Ion trong AirPod đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Doanh số ngành công nghiệp này được dự báo sẽ tăng từ 36,2 tỷ USD năm 2018 lên 109,72 tỷ USD vào năm 2026. Chúng sạc nhanh hơn, dùng lâu hơn và chứa nhiều năng lượng hơn các loại pin khác trong không gian hẹp.
Nhưng chúng cũng có tuổi thọ ngắn hơn, thường chỉ kéo dài được vài năm, bởi vì sau mỗi lần sạc, chúng lại chai đi một chút. Chúng cũng dễ dàng bắt lửa và phát nổ nếu bị va đập mạnh, vì vậy các công ty công nghệ thường làm việc thay thế hoặc tháo chúng ra khó khăn hơn, nếu không nói là không thể.
Kết quả: Vô số những chiếc AirPods, chuột không dây và loa Bluetooth với pin không còn sạc được nữa bị ném vào sọt rác. Còn người dùng sẽ ngày càng nhanh móc thêm tiền ra mua các sản phẩm mới – ngay cả khi đắt hơn, để thay thế cho chúng.
Kyle Wiens, nhà sáng lập của iFixit, tin rằng các công ty nên thiết kế những sản phẩm của họ cho phép thay thế pin – điều này cũng có thể có nghĩa rằng nên tìm ra các công nghệ pin khác nhau. Nhưng theo Sofiane Boukhalfa, kiến trúc dự án tại PreScouter, một hãng nghiên cứu công nghệ cho rằng, pin Lithium-Ion sẽ tiếp tục thống trị thị trường trong 10 năm nữa. Các tiến bộ trong công nghệ này đặc biệt chậm chạp, nhất là khi so với tiến bộ trên thiết bị.
Điều này cũng có nghĩa thế giới công nghệ sẽ tiếp tục tạo ra nhiều rác thải hơn. Trong năm 2012, khoảng 3,4 triệu tấn rác thải điện tử đã được tạo ra tại Mỹ - tăng 80% so với năm 2000. Trong số đó, chỉ có khoảng 29% được tái chế.
Wiens cho biết: "Thử tưởng tượng đến việc, mỗi một món đồ trên thế giới này đều chỉ có tuổi thọ ngang với pin, và trở nên vô dụng chỉ trong vòng 12 đến 18 tháng. Đó sẽ là một thảm họa với người dùng và thậm chí còn tồi tệ hơn đối với hành tinh."
Nhưng tất nhiên, các công ty thiết kế sản phẩm cho hiệu năng và doanh số, không phải vì tuổi thọ. Họ kiếm được tiền từ việc bán thiết bị, và họ cũng không có trách nhiệm tài chính nào cho việc xử lý các sản phẩm khi người dùng từ bỏ sử dụng chúng.
Nadim Maluf, nhà sáng lập của hãng tư vấn pin Qnovo, cho biết rằng, từ một thập kỷ trước, ông đã tới các công ty công nghệ và nói với họ, công ty của ông có thể giúp họ tăng gấp đôi tuổi thọ sản phẩm khi kéo dài tuổi thọ pin Lithium-Ion. "Không ai thực sự quan tâm cả. Kéo dài tuổi thọ sản phẩm không đồng nhất với tăng trưởng trên báo cáo tài chính."
Năm 2017, Lisa Jackson , phó chủ tịch về Môi trường, Chính sách và Sáng kiến Xã hội của Apple, cho biết, công ty muốn các sản phẩm được dùng càng lâu càng tốt. Apple cũng khuyến khích người dùng đưa sản phẩm của họ để tái chế và đổi lấy một khoản tín dụng nhỏ. Ví dụ, đổi một chiếc iPhone 5 có thể giúp giảm 40 USD khi mua iPhone XS giá 999 USD.
Trong khi điều này có thể góp phần làm doanh số iPhone tăng chậm lại, Apple cho biết, doanh số của "các thiết bị đeo", bao gồm AirPod và Apple Watch, đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Với tuổi thọ pin như đã nói ở trên, không khó để thấy lượng rác thải điện tử có thể tăng thêm bao nhiêu trong thời gian tới khi các thiết bị này không còn dùng được nữa.
Sự lãng phí là một trong những nét đặc trưng vốn có của nền kinh tế hướng tới tiêu dùng: các công ty liên tục bán sản phẩm để có lợi nhuận, còn người dùng liên tục mua sản phẩm để tiêu thụ lượng thu nhập của họ, và tiêu chuẩn sống của chúng ta được cải thiện.
Apple chiếm được cảm tình từ người hâm mộ nhờ vào khả năng thiết kế đẹp mắt của mình. Nhưng một phần trong thiết kế đó là việc hàn chặt các viên pin vào trong sản phẩm, nghĩa là người dùng không thể dễ dàng tự mình thay chúng được.
Đây là điều Apple đã làm từ khi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007 và dần dần đã trở nên phổ biến đối với ngành công nghiệp điện thoại. Nghĩa là về cơ bản, pin trong AirPod hay nhiều thiết bị khác của Apple sẽ không thể thay thế hay tái chế được.
Trong khi đó, dù cố ý hay không, thiết kế của AirPod cũng làm người dùng về cơ bản không thể thay thế nó được, còn với người sửa chữa chuyên nghiệp, điều đó khá đắt đỏ và nguy hiểm.
Điều này làm ngay cả những fan cứng của Apple cũng cảm thấy phiền toái. Khi Chris, một fan máy Mac, nhận ra rằng chiếc AirPods của anh không thể dùng được quá 20 phút sau mỗi lần sạc, anh tìm cách thay những viên pin trong nó. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra rằng, điều này là không thể.
"Nếu tôi có thể tự sửa được những thứ này, tôi sẽ làm ngay – chỉ là vì chúng quá khó để làm." Anh cho biết. Apple cũng cho phép người dùng trả phí để thay pin cho AirPods, nhưng giá thay pin cho mỗi chiếc AirPods lên đến 49 USD. Mức giá này rõ ràng sẽ thúc đẩy người dùng tìm mua món đồ mới hơn là cố gắng sửa chữa chúng.
Chỉ vì những viên pin không thể thay thế được, đã có nhiều món đồ phải bị vứt bỏ - chiếc tai nghe không dây AirPod không phải là duy nhất. Chuột không dây của Apple hay loa Bluetooth của Chris cũng là các ví dụ tương tự như vậy. "Dường như chúng ta đang hướng đến việc có được mọi thứ này, và không có cách nào để sửa chúng cả." Chris cho biết.
Nhưng các tai nghe không dây không cần phải quá khó sửa chữa như vậy. iFixit nhận thấy các tai nghe không dây Samsung Galaxy Buds là một ví dụ của điều đó. Chúng có thể sửa được khi được gắn với nhau bằng các móc kẹp thay vì keo dán. Pin của Galaxy Buds là loại pin dẹt, khá dễ kiếm để thay thế.
Một số công ty công nghệ khác cũng hướng đến việc tạo ra các sản phẩm lâu bền hơn. Ví dụ, Fairphone, chiếc điện thoại cho phép người dùng thay thế pin và các bộ phận khác. Hãng Dell hợp tác với công ty tái chế Goodwill để tạo nên một nơi thuận tiện cho người dùng muốn loại bỏ thiết bị điện tử cũ của mình. Hãng HP cũng cung cấp cho người dùng túi đựng để họ tái chế vỏ hộp mực in của mình.
Nhưng như đã nói ở trên, trong khi các công ty này nỗ lực cụ thể hóa tuyên bố của mình, họ lại mâu thuẫn trong chính thông điệp của mình đưa tới người tiêu dùng: Mua nhiều hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Vào thứ Tư vừa qua, Apple tiếp tục làm những người hâm mộ của mình ngây ngất khi cho biết, họ đang ra mắt chiếc AirPods thế hệ thứ hai. Với một con chip mới trong nó, AirPods mới sẽ có thời lượng pin lâu hơn. Nhưng họ không cho biết tuổi thọ của loại pin mới có dài hơn so với thế hệ trước đây hay không. Desmond Hughes cũng không bận tâm lắm đến điều này. Dù sao đi nữa anh cũng cảm thấy mình không thể sống thiếu nó.
Tham khảo The Atlantic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng