Alice "Điên" và chuyến du hành nhiều tỳ vết

    PV, Phêu 

    Mặc dù rất cuốn hút nhờ chất fantasy ma mị, Alice: Madness Returns lại không được hấp dẫn như những gì nó hứa hẹn.

    Trong Alice: Madness Returns, nhân vật nữ chính của series American McGee's Alice vẫn tiếp tục vật lộn để thoát ra khỏi cơn ác mộng đã đày đọa mình nhiều năm trước.
     
    Vùng Wonderland trong trí tưởng tượng của cô giờ đã trở thành một vùng đất chết thực sự, với đầy những phép màu ma quái và những ảo giác bệnh hoạn hơn cả trước đây. Chúng ta sẽ thấy những con búp bê trẻ em phun lửa hay lũ giòi bọ kinh tởm gào thét trong phần hai, sản phẩm của một cuộc sống nghiệt ngã trong một thế giới thực cũng tối tăm không kém.
     
     
    Thật đáng tiếc, gameplay của trò chơi lại không có được cùng độ sáng tạo với hình ảnh và ý tưởng của nó. Trò chơi tái sử dụng lại các ý tưởng của phiên bản thứ nhất liên tục, trong khi mang lại rất ít yếu tố mới. Có lẽ nếu không nhờ chất liệu gốc cực kì đặc biệt, trò chơi đã bị rớt vào khu vực "nguy hiểm" trong danh sách không khoan nhượng của các nhà bình luận.
     
     
    Trong phiên bản gốc, thế giới thần tiên được tạo ra bởi trí tưởng tượng của Alice bị biến dạng khi tai họa sập xuống gia đình cô: Một đám cháy đã cướp đi cả gia đình của Alice, cha mẹ và chị gái yêu quý.
     
    Alice tội nghiệp rơi vào một cuộc phiêu lưu dài trong thế giới Wonderland đổ nát, chiến thắng trước Hậu Đỏ và cả cơn bấn loạn của chính bản thân. Tuy nhiên, một quá khứ đau buồn như thế không phải là điều dễ vượt qua, Alice vẫn phải trải qua hàng tá các đợt điều trị tâm lý, và cô hiểu rằng để cứu bản thân, cô phải cứu được Wonderland - một lần nữa.
     
     
    Cũng như cốt truyện của game, bối cảnh của Madness Returns được thực hiện vô cùng kĩ lưỡng. Mỗi chương của trò chơi đưa game thủ đến một vùng đất khác nhau - một số gần như không thể diễn tả nếu như bạn không được tận mắt chứng kiến.
     
    Song song với vùng đất thần tiên đó, bạn còn được song song khám phá một London cũng u ám và mệt mỏi không kém. Mặc dù thời gian tải game và chất lượng xuất hình không thực sự tốt, làm người chơi đôi khi phải ngắt nhịp giữa các đoạn cao trào để chờ, đó vẫn là những bữa tiệc hình ảnh kích thích mãnh liệt trí tưởng tượng của người ngồi chước màn hình.
     
     
    Âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt cảm xúc của người chơi, và so với phần một, Madness Returns không hề kém cạnh một chút nào. Âm nhạc của phần hai được biên soạn chủ yếu bởi các âm hưởng bass rất nặng và được cắt nhịp rất sắc bởi các tiếng "dập" Piano và tiếng trống đục... thực sự mang lại thêm một lớp cảm giác vào trải nghiệm của người chơi.
     
     
    Cơ chế điều khiển của game rất nhẹ nhàng và thoải mái. Không quá mượt mà, nhưng được căn chỉnh vừa phải cộng với cảm giác bay bổng không trọng lượng mà nhà phát triển đã rất tinh tế đưa vào game - gần như phiên bản ba chiều của các game side-scrolling hiện đại như Odin Sphere... Gameplay cơ bản là chiến đấu, vượt qua các dãy platform và khám phá ra các đoạn ký ức thất lạc và dĩ nhiên, các rương kho báu.
     
     
    Trong một vài màn chơi đầu, người chơi sẽ cảm thấy đó là một tổng thể vô cùng thú vị, cho đến khi họ nhận ra về cơ bản, đó là tất cả những gì trò chơi có. Mặc dù rất khác nhau về hình ảnh, các phân đoạn của trò chơi hầu như lặp lại hoàn toàn về mặt câu đố, kĩ thuật mở đường hoặc tương tự...
     
    Đôi khi bạn sẽ phải thả một vài quả bom để làm sập các mảng đặt chân không cần thiết, hoặc tự thu nhỏ để vượt qua các lỗ khóa, tuy nhiên như thế là không đủ biến thể để có thể dùng trong một tựa game phiêu lưu thực sự.
     
     
    Bản thân phần hành động của game cũng tương đối lý thú, với các kẻ địch có hình thù rùng rợn, nhưng có thể bị đánh bại bởi các món vũ khí rất buồn cười, chẳng hạn như cối xay hạt tiêu, ấm trà hay ô che nắng cỡ bự. Game có thời lượng chơi không dài, chỉ khoảng 10 tiếng, vì vậy trước khi bạn kịp cảm thấy chán trước cơ chế thiết kế kéo búa bao khá trực quan, hệ thống chiến đấu đã đạt đến đỉnh điểm và hoàn thành sứ mệnh của nó.
     
     
    Madness Returns không phải là một tựa game tồi, tuy nhiên nó có giá trị không khác gì một bản nâng cấp trực tiếp của phần một, mặc dù có cốt truyện mới và một bộ gameplay sướng tay hơn hẳn.
     
    Đây không phải là kiểu trò chơi bạn có thể chơi lại nhiều lần, mà lại khá ngắn, vì thế giá trị sưu tầm của nó chẳng thể cao như các trò chơi lớn 60 USD - mặc dù sẽ được sở hữu cả hai phần của series trong một lần mua, điều này có thể sẽ làm bạn phải suy nghĩ đôi chút trước khi mua game.

    Tham khảo tại 1UP.