Ám ảnh 1 sao đe doạ hàng chục triệu shipper: Quỳ gối cầu xin vì sợ muộn giờ, đập vỡ điện thoại khi bị đánh giá xấu, chạy xe bất chấp tính mạng… nhưng đồng lương ngày càng ít đi
Hàng chục triệu nhân viên giao hàng ở Trung Quốc đang chịu áp lực khổng lồ từ phía khách hàng và từ phía nền tảng ứng dụng.
- Mark Zuckerberg sa thải nhân viên vì dùng tiền ăn trợ cấp mua đồ gia dụng, nỗi sợ hãi lan tràn khắp Meta khi người lao động không biết khi nào mất việc
- TGĐ VCCORP Nguyễn Thế Tân: “Sợ nhất là mình không làm, còn không làm được thì thôi. Cùng lắm là xấu hổ”
- 3 kiểu AI nói dối con người, liệu bạn có chấp nhận một robot biết lừa dối?
- Mark Zuckerberg: Gã độc tài bị Elon Musk và Tim Cook ghét cay đắng, nhưng lại được cổ đông ủng hộ
- Vết nứt trong thương vụ tỷ USD Microsoft-OpenAI, một số thoả thuận đã bị phá vỡ
Một nhân viên giao hàng (hay shipper) không giữ nổi bình tĩnh, đập vỡ điện thoại di động của mình trên vỉa hè sau khi nhận đánh giá tiêu cực từ khách hàng.
Một nhân viên giao hàng khác quỳ xuống xin lỗi một cảnh sát đã chặn anh ta lại vì vượt đèn đỏ. Sau đó, người này đứng dậy, xô đổ chiếc xe chở hàng và băng qua đường mà không quan tâm đến giao thông, vừa chạy vừa hét “Tôi không thiết sống nữa”.
Trong một trường hợp khác, một nhóm tài xế tức giận tụ tập bên ngoài một khu chung cư, muốn đòi công bằng cho một tài xế giao hàng khác được cho là bị nhân viên bảo vệ ở đó bắt nạt.
Đây là một vài trong số nhiều vụ việc gây bão trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy điều kiện lao động đã căng thẳng đến mức không thể chịu đựng được.
Ngành công nghiệp trị giá 200 tỷ USD - lớn nhất thế giới về doanh thu và khối lượng đơn hàng – phát triển gấp đôi trong ba năm phong tỏa vì Covid-19 và từng mang lại thu nhập ổn định cho những người lao động thời vụ. Nhưng giờ thì không còn nữa.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với một loạt các trở ngại, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thiếu chi tiêu của người tiêu dùng, những người giao hàng đang phải chịu nhiều tổn thất.
Những thách thức đó đã trở nên rõ ràng hơn vào ngày 18/10, khi Cục Thống kê Quốc gia công bố nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong quý 3, bị kìm chân bởi mức tiêu thụ yếu và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Tổng sản phẩm quốc nội tăng 4,6% từ tháng 7 đến tháng 9, so với cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò, những người dự đoán mức tăng trưởng là 4,5%.
Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết: "Họ phải làm việc nhiều giờ, bị chèn ép nặng nề. Và họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực vì các nền tảng giao hàng phải giữ chi phí ở mức thấp".
Nền kinh tế trì trệ có nghĩa là mọi người sẽ chọn những bữa ăn rẻ hơn. Điều đó làm giảm thu nhập của người lao động vì hầu hết đều làm việc theo hoa hồng, buộc họ phải làm việc nhiều giờ hơn để duy trì thu nhập của mình - bà Chan nói.
Ngoài ra, sự thống trị của hai nền tảng giao đồ ăn lớn cho phép họ áp đặt các điều khoản hợp đồng, khiến người lao động không có nhiều cơ hội phản đối điều kiện làm việc ngày càng xấu đi.
Đội xe lớn
Khoảng 12 triệu tài xế giao hàng đang tạo thành xương sống của mạng lưới giao đồ ăn rộng lớn của Trung Quốc, bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của ứng dụng Ele.me vào năm 2009. Hiện ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Alibaba.
Những người lao động này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm cho các cộng đồng trong thời kỳ Covid khi cư dân bị cấm rời khỏi nhà theo các quy tắc phong tỏa nghiêm ngặt. Giờ đây, họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của đất nước tỉ dân.
Họ có mặt ở khắp mọi nơi: băng qua một mạng lưới đường sá đông đúc và những con hẻm tối tăm để giao đồ ăn mỗi ngày. Một số thậm chí không dừng lại giữa những trận mưa lớn hoặc những cơn bão giật mạnh.
Theo ước tính của iiMedia Research, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc chuyên theo dõi xu hướng của người tiêu dùng, thị trường này đạt 214 tỷ USD vào năm 2023, gấp 2,3 lần so với năm 2020. Ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt 280 tỷ USD vào năm 2030. Morningstar cho biết Trung Quốc có thị trường giao đồ ăn mang về lớn nhất thế giới.
Ngày nay, những người giao hàng liên tục chịu áp lực lớn để đáp ứng “thời gian đếm ngược”, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải cắt ngang đường - bằng cách phóng nhanh hoặc vượt đèn đỏ - gây ra những mối nguy hiểm cho cả bản thân họ và những người tham gia giao thông khác.
Người lái xe đập vỡ điện thoại của mình khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng khiếu nại chống lại anh ta là vô căn cứ. Nhưng người này nói rằng anh ta vẫn bị phạt khi nền tảng cắt giảm nhiệm vụ - đồng nghĩa với việc làm giảm thu nhập của anh ta và lặp lại những khiếu nại tương tự.
"Họ muốn gì thế? Họ muốn tôi chết sao?" - anh ta nói trong video.
Năm ngoái, lợi nhuận tại hai trong số hai công ty lớn nhất trong ngành là Meituan và Ele.me đều tăng vọt. Doanh thu của Meituan đạt 10 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2022.
Alibaba báo cáo doanh thu là 8,3 tỷ USD cho bộ phận dịch vụ địa phương, chủ yếu do Ele.me thúc đẩy, trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, tăng 19% so với năm trước.
Khoản tiền lương bị co lại
Hiện tại, tiền lương của nhân viên giao hàng đã bị cắt giảm mạnh. Theo Trung tâm nghiên cứu việc làm mới của Trung Quốc, năm 2018, họ kiếm được trung bình hơn 1.000 USD một tháng, so với chưa đến 950 USD một tháng vào năm 2023.
Vấn đề là mặc dù kiếm được ít hơn, nhiều người hiện phải làm việc nhiều giờ hơn. Lu Sihang, 20 tuổi, nói với CNN rằng anh làm ca 10 tiếng và giao 30 đơn hàng mỗi ngày. Anh kiếm được khoảng 30 đến 40 USD mỗi ngày. Với tốc độ đó, Lu phải làm việc hầu như hàng ngày để đạt được mức lương trung bình 950 USD.
Gary Ng, một nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết: “Xu hướng thắt lưng buộc bụng của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn”.
Nhà kinh tế cho biết mặc dù thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nhưng nền kinh tế yếu kém khiến khách hàng chi ít hơn cho các đơn hàng giao hàng, trong khi các nhà hàng sẽ phải giảm giá để thu hút khách hàng.
Điều đó làm giảm thu nhập của nhân viên giao hàng vì tiền lương của họ thường được gắn với hoa hồng dựa trên giá của đơn hàng. Khi khách hàng cảm thấy thiếu tiền, họ cũng ít có khả năng đưa tiền boa hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế ảm đạm có nghĩa là có ít việc làm hơn, khiến tình trạng cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt lên 18,8% vào tháng 8, mức cao nhất kể từ khi chính quyền thay đổi phương pháp tính vào năm ngoái để loại trừ sinh viên.
“Nếu bạn có nguồn cung lao động lớn, khả năng mặc cả của họ sẽ giảm. Trong khi đó, chỉ có một lượng đơn hàng giao hàng hạn chế để cung cấp việc làm cho họ”, Ng cho biết.
Độc quyền thị trường
Tuy nhiên, vấn đề không phải lúc nào cũng như vậy. Nghiên cứu của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết các ứng dụng giao hàng ban đầu đã đầu tư mạnh để đưa ra mức lương cao hơn nhằm thu hút đủ lao động cho quá trình mở rộng của họ.
“Nhưng khi điều kiện thay đổi, với các công ty nền tảng độc quyền thị trường và phát triển thuật toán kiểm soát quy trình lao động, người lao động có ít quyền bảo vệ lao động và mất đi một mức độ tự do nhất định”, báo cáo cho biết.
Nhiều nhà hàng không tính phí giao hàng. Một số thậm chí còn cung cấp các ưu đãi rẻ hơn so với ăn tại chỗ hoặc tự lấy hàng.
Chan, thuộc Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết các nền tảng đã đầu tư mạnh ngay từ đầu để giảm giá nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây, khi đã đạt được sự thống trị của mình, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm tiền thưởng và tiền lương của họ.
Đầu năm nay, cổng thông tin trực tuyến do nhà nước điều hành Workers.cn đã đưa tin về một số khiếu nại từ các tài xế cho biết họ không làm gì sai.
Một tài xế cho biết anh ta đã bị phạt 86 nhân dân tệ (khoảng 300 nghìn đồng) vì không nhận đơn hàng đã chuẩn bị, mặc dù anh ta đã thông báo với nhà hàng rằng anh ta sẽ không nhận vì nhà hàng không chuẩn bị đồ ăn đúng giờ - Workers.cn đưa tin.
Chan cho biết một vấn đề khác là nhân viên giao hàng được coi là những người làm việc tự do và được trả lương theo khối lượng công việc thay vì nhận lương tháng. Điều này khuyến khích họ bỏ qua tình trạng đường sá nguy hiểm để giao càng nhiều đồ ăn càng tốt.
"Ai muốn vượt đèn đỏ nếu họ có thể giao đồ ăn một cách an toàn? Nhưng họ không có lựa chọn", bà nói.
Hậu quả đã được chứng minh là rất nghiêm trọng. Theo hãng thông tấn nhà nước Global Times, năm 2019, một tài xế giao hàng đã tử vong sau khi bị cây đổ do gió mạnh ở Bắc Kinh.
Chỉ vài tuần trước, Tập đoàn Phát thanh Trùng Khánh đã phát sóng đoạn phim về một tài xế giao hàng đâm xe của mình vào một chiếc ô tô tại một ngã tư ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc sau khi vượt đèn đỏ.
Một tài xế giao hàng 35 tuổi họ Yang thừa nhận những mặt hạn chế, nói rằng ngành này "không còn kiếm tiền ổn như trước".
Nhưng anh vẫn nghĩ rằng công việc này phù hợp với mình hiện tại, sau khi đã làm nhiều công việc trước đây - từ bán đồ ăn nhẹ đến làm việc trong văn phòng.
“Đó là một công việc có tính linh hoạt. Nếu bạn muốn kiếm nhiều tiền hơn, bạn sẽ cần làm việc lâu hơn, nếu bạn muốn nghỉ ngơi, bạn có thể làm việc ít hơn”, Yang nói.
Tham khảo CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng