Amazon khởi động cuộc chiến với nạn hàng giả, hàng nhái

    Neo,  

    Hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới vừa trình làng một ý tưởng mới nhằm quét sạch hàng giả, hàng nhái.

    Lần đầu Randy Hetrick nhìn thấy hàng giả trên Amazon.com vào năm 2013. Ông bán TRX Training System, một bộ dụng cụ tập thể dục, trên trang web này từ năm 2008. Sau khi nhìn thấy những mẫu hàng nhái giá rẻ trên Amazon, ông đã yêu cầu nhân viên của mình liên hệ với Amazon. Tất cả những gì ông nhận được là yêu cầu thực hiện những bước nhàm chán của báo cáo để loại bỏ sản phẩm giả mạo.

    Nhưng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trở lại gần như ngay lập tức và tới năm 2014, "tôi nhận ra rằng đây là một bệnh dịch", Hetrick nói. Ước tính, vấn nạn hàng giả khiến ông thiệt hại khoảng 100 triệu USD mỗi năm, gấp đôi doanh thu hàng năm của ông.

    Marketplace của Amazon giúp những nhà sáng chế như Hetrick tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng mà không cần bỏ tiền ra xây dựng và phát triển một trang web bán hàng từ đầu. Cơ chế này mang về cho Amazon khoản hoa hồng dựa trên mỗi món hàng được bán ra. Nhưng những sản phẩm bán chạy trên Amazon thường bị làm nhái, làm giả với vật liệu rẻ tiền khiến các doanh nhân bị thiệt hại về doanh thu và cả thương hiệu.

    Theo một nguồn tin nội bộ, Amazon biết vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn im lặng. Điều này khiến các nhà sản xuất và người sở hữu thương hiệu thất vọng. Họ trả tiền cho Amazon nên họ muốn hãng này có những hành động nhằm chấm dứt nạn hàng giả.

    Mới đây, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã khởi động cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái. Nguồn tin giấu tên ở Amazon khẳng định hãng này đặt việc chống hàng giả là một số các mục tiêu lớn trong năm 2017. Họ đang xây dựng các nhóm chuyên trách tại Mỹ và châu Âu để hợp tác cùng với các thương hiệu lớn trong cuộc chiến chống hàng giả.

    "Amazon không khoan nhượng với các hành vi bán hàng giả trên web của chúng tôi", Amazon tuyên bố. Hãng này còn chia sẻ thêm rằng họ đang tích cực theo dõi các thương gia bán hàng giả.

    Nhóm chuyên trách mới của Amazon sẽ khuyến khích các thương hiệu, ngay cả thương hiệu không bán hàng trên Amazon, đăng ký với cửa hàng trực tuyến. Sau khi đăng ký xong, Amazon sẽ yêu cầu các thương gia trên Marketplace liệt kê các sản phẩm nhằm chứng minh rằng họ bán được các thương hiệu cho phép bán sản phẩm trực tuyến. Amazon bắt đầu thực hiện hệ thống đăng ký này với Nike và các công ty khác vào đầu năm nay. Quá trình này sẽ được đẩy mạnh vào năm 2017, mở rộng ra hàng ngàn công ty lớn, bao gồm cả những hãng đã ngừng bán trên Amazon vì bức xúc với vấn đề hàng giả.

    Ngoài ra, tháng này Amazon sẽ hợp tác với doanh nghiệp của Hetrick để đâm đơn kiện ba cá nhân bị tình nghi là làm giả các sản phẩm của Hetrick và chúng trên Amazon. Cùng ngày, Amazon cũng đệ đơn kiện một cá nhân bị buộc tội bán hàng giả khác.

    Những vụ kiện tụng chứng tỏ rằng Amazon đã thua trong cuộc chiến hàng giả dù bỏ ra hàng chục triệu USD, hy động đội quân hùng hậu gồm các kỹ sư phần mềm, các nhà điều tra và nhà nghiên cứu khoa học mỗi năm đề chiến đấu với hàng giả.

    "Điều đáng buồn là những thương hiệu bỏ tiền đầu tư và tạo ra sản phẩm mới là những người mất mát nhiều nhất vì họ là mục tiêu của nạn hàng giả", Hetrick nói. "Cuối cùng bạn trở thành công cụ bán hàng và marketing cho những kẻ bán hàng giả bất hợp pháp".

    Amazon đang cố gắng lập lại trật tự trên trang bán hàng của họ. Tính riêng tại Mỹ đã có hơn 2 triệu doanh nhân độc lập, cạnh tranh với nhau nhằm thu hút sự chú ý và tiền bạc của người tiêu dùng. Khoảng một nửa số hàng được mua trên Amazon tới từ các thương nhân độc lập, những người này đã giúp Amazon mở rộng các kho hàng một cách nhanh chóng với chi phí ít hơn nhiều so với việc tự làm.

    Tuy nhiên, chính những gì Amazon cố gắng để các doanh nhân độc lập có thể dễ dàng đăng ký và bán hàng lại tiếp tay cho kẻ xấu. Chúng làm giả những món hàng bán chạy trên Amazon, đăng ký tài khoản và bán một cách nhanh chóng sau đó biến mất không để lại dấu vết.

    Có vẻ như những nỗ lực từ Amazon vẫn quá nhỏ nhoi.

    Sự thay đổi từ mua sắm ở cửa hàng với kho hàng được kiểm soát chặt chẽ sang mua sắm trực tuyến nơi không dễ dàng phân biệt hàng giả và hàng thật tạo điều kiện cho hàng giả phát triển và không hề có dấu hiệu chững lại. Alibaba và eBay cũng đang phải vật lộn với vấn đề này. Ước tính, trong năm 2013, hàng giả chiếm 500 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu toàn cầu, tương đương 2,5%. Trung Quốc là nguồn hàng giả, hàng nhái lớn nhất thế giới.

    Bất chấp những nỗ lực nhằm giảm số lượng, ít nhất là từ năm 2014 tới nay báo cáo về hàng giả trên Amazon vẫn tiếp tục tăng. Birkenstock đã tuyên bố ngừng bán sản phảm trên Amazon do lo ngại vấn đề hàng giả. Hồi tháng 10, Apple đã kiện một nhà cung cấp bán hàng qua Amazon, buộc tội đơn vị này bán các sản phẩm giả mang mác táo, một trong số chúng không an toàn, trên Amazon.

    "Vấn đề hàng giả trực tuyến chưa bao giờ lắng xuống", Stuart Fuller, giám đốc phụ trách các hoạt động thương mại tại NetNames, đơn vị giúp các thương hiệu xác định những doanh nhân và trang web bán hàng giả. "Amazon là thị trường đáng tin cậy nhất thế giới nên nó thu hút những kẻ bán hàng giả bởi họ biết người mua tìm tới Amazon bởi họ tin rằng hàng được bán trên đó hà hàng chính hãng".

    Các khách hàng của Amazon thường tỏ ra mệt mỏi bởi hàng ngày họ phải lượn qua Amazon, báo cáo về các doanh nhân bán hàng giả để họ bị khóa tài khoản. Nhưng ngay lập tức, một tài khoản mới được tạo và tiếp tục bán hàng giả. Họ sẽ đánh giá cao bất cứ nỗ lực nào của Amazon nhằm xóa sổ vấn nạn hàng giả.

    Amazon, eBay và Alibaba thường sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ có các quy trình giúp các thương hiệu báo cáo hàng gải và khóa tài khoản doanh nhân bán hàng giả kịp thời khi nhận được thông báo. Thị trường trực tuyến thường không có hàng tồn kho vì vậy rất khó nắm bắt được chứng cứ. Kết quả là, các thương hiệu phải thực hiện một vòng lặp vô tận của việc báo cáo hàng giả, khóa tài khoản để rồi sau đó lại thấy tài khoản mới của những kẻ xấu. eBay và Alibaba đều đã cho phép chủ sở hữu đã đăng ký thương hiệu báo cáo những doanh nhân bán hàng giả.

    Theo Akino Chikada, do các nhà bán lẻ chỉ có thể làm như vậy để bảo vệ người tiêu dùng nên để tránh mua phải hàng giả khách hàng phải có những biện pháp tự bảo vệ. Trước khi mua hàng, khách hàng nên xem xét trang web của người bán, địa chỉ trang web giả mạo, chính sách riêng tư và lợi nhuận cẩu thả có thể là những dấu hiệu của sự lừa đảo. Mức giá quá rẻ cũng là một dấu hiệu tương tự. Tuy nhiên, những kẻ bán hàng giả tinh vi đang áp dụng các phương thức định giá sản phẩm mới, cung cấp các chương trình khuyến mại để bán sản phẩm với giá thấp hơn 10 hoặc 20% so với giá gốc nhằm đánh lừa khách hàng.

    "Hàng giả bắt chước rất tài tình kiểu dáng và cảm nhận của hàng thật", Chikada nói. "Khách hàng rất dễ bị mắc lừa, chỉ vài cú nhấp chuột thôi là bạn đã mua phải một món hàng giả".

    Theo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày