AMD: Kẻ từ cõi chết trở về với vị thế thách thức Intel
Để có được sự trở lại thần kỳ như vậy, cái giá mà AMD phải trả chính là từ bỏ việc đầu tư vào mảng thị trường VGA dành cho game thủ.
Năm 2016, AMD lần đầu tiên đưa GPU Navi vào trong lộ trình hoạt động tương lai của mình. Khi ấy, Navi được dự kiến sẽ xuất hiện sau kiến trúc Vega 7nm, và sẽ trở thành thế hệ GPU mới xuất hiện trong năm 2018.
Quay trở lại với hiện tại, mặc dù AMD đã giới thiệu tới toàn thế giới chiếc VGA tiến trình 7nm đầu tiên tại sự kiện Computex 2018 vừa qua - nhưng đây lại là một chiếc card đồ họa tối ưu cho việc nghiên cứu AI và machine learning. Điều này khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là những fan của "đội đỏ", cảm thấy có chút hụt hẫng khi kỳ vọng về một chiếc VGA dành cho game thủ, để rồi vẫn chẳng thấy gì. Theo như những gì quan sát được tại Computex 2018, nhiều khả năng AMD sẽ đẩy lùi kế hoạch ra mắt Navi ít nhất 1 năm, để lộ trình của hãng phần nào trở nên hợp lý và khả thi hơn.
Lộ trình cũ của AMD
Nhưng dẫu sao đi chăng nữa, có lẽ đến thời điểm hiện tại hầu hết tất cả mọi người phải công nhận rằng, khoảng thời gian 2 năm qua đánh dấu sự trở lại hết sức "thần kỳ" của AMD từ vị trí của một kẻ bị Intel đè bẹp hoàn toàn trên mảng thị trường CPU. Và câu chuyện dưới đây, có lẽ sẽ phần nào giúp các bạn hiểu được tại sao AMD lại có thể trở lại mạnh mẽ như vậy, cũng như cái giá mà "đội đỏ" cần phải hy sinh để làm được điều đó.
Trước tiên, hãy cùng nói đến bối cảnh và nguồn lực của AMD. Ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của AMD là 15,35 tỉ USD, nhỏ hơn rất nhiều so với hai đối thủ cạnh tranh chính của mình là NVIDIA và Intel - khi mà giá trị vốn hóa thị trường của 2 ông lớn này lần lượt là 158,2 tỉ USD và 254,1 tỉ USD. Tương tự về mặt nhân lực, dù nhân sự của AMD tài năng đến đâu thì cũng không thể phủ nhận rằng, "đội đỏ" không có quá nhiều người - vậy nên họ chỉ có thể tập trung vào một vài dự án trong một thời điểm nhất định, thay vì dàn trải nhân sự ra như các đối thủ của mình.
Lisa Su - CEO mang lại sự hồi sinh thần kỳ cho AMD
Đến đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng AMD là một công ty đang rất, rất "khát tiền". Với nguồn lực hạn chế, AMD buộc lòng phải trở nên vô cùng cẩn thận trong việc điều phối nhân sự và tiền của vào các dự án nghiên cứu mới. Đồng thời, mức độ hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực của AMD cũng sẽ thể hiện rất rõ trong hiệu quả hoạt động của công ty này.
Quay trở lại với câu chuyện bên trong nội bộ của AMD, vào thời điểm đầu năm 2016. Đây là thời điểm mà những mâu thuẫn bên trong nội bộ của "đội đỏ" tăng cao, giữa bộ phận phụ trách mảng đồ họa (nay là Radeon Technologies Group thuộc AMD) và CEO Lisa Su. Khi ấy, Raja Koduri (chịu trách nhiệm lãnh đạo RTG) muốn chuyển hướng hoạt động sang mảng xe tự lái, thậm chí còn xuất hiện cả những lời đồn rằng ông muốn tách hẳn bộ phận đồ họa của công ty ra ngoài.
Trong khi đó, định hướng của CEO Lisa Su lại là muốn tập trung để lấy lại chỗ đứng của AMD trên mảng thị trường CPU, và ổn định ở bên mảng thị trường GPU thong qua việc phát triển các chip đồ họa bán tùy chỉnh (semi-custom). Theo như bà Lisa Su, việc tìm cách trở nên dẫn đầu trong mảng thị trường GPU là vô cùng tốn kém, nhất là khi thị trường này đang có gã khổng lồ NVIDIA tọa trấn. Nguồn lực có hạn của AMD gần như không thể làm được điều này, vậy nên phương án tốt nhất khi ấy là tạm bỏ qua mục tiêu đó.
Và thế là khi ấy bộ phận Radeon Technologies Group được thành lập, phân tách riêng rẽ hai mảng nghiên CPU và GPU. Radeon Technologies Group được giao cho Raja Koduri lãnh đạo, tuy nhiên 2/3 nhân sự của RTG sẽ được điều động để nghiên cứu chip semi-custom mới - là kiến trúc Navi dùng cho chip đồ họa của Sony. Quyền tự chủ tài chính cũng không được giao cho Raja Koduri, và điều này có nghĩa RTG chỉ còn lại 1/3 kỹ sư để phát triển VGA cho game thủ, bên cạnh đó họ cũng hoàn toàn không được chủ động về mặt tài chính.
Raja Koduri - sếp của Radeon Technologies Group
Kết quả của quyết định này là AMD trở nên thành công trong mảng CPU với sự ra đời của dòng vi xử lý Ryzen, cũng như có được mối quan hệ hợp tác với hai tên tuổi lớn là Apple và Sony. Cái giá phải trả cho sự thành công nói trên là VGA dành cho game thủ của AMD tiếp tục trở nên tụt hậu so với NVIDIA. Tuy nhiên, may mắn cho AMD khi đây lại là thời điểm mà cơn sốt tiền mã hóa bùng nổ, và hóa ra VGA Vega của "đội đỏ" lại có khả năng đào tiền mã hóa cực tốt. Điều này khiến cho VGA của AMD bán đắt như tôm tươi, mang lại một khoản thu không hề nhỏ cho hãng này.
Lý do Lisa Su đưa ra quyết định nói trên, thực ra vô cùng dễ hiểu: thị trường chip semi-custom là một thị trường theo kiểu chắc ăn - lợi nhuận trên từng sản phẩm không cao nhưng lượng sản phẩm lớn, nhờ vậy mà doanh thu đem lại sẽ hết sức ổn định. Kiến trúc Vega được thiết kế chủ yếu cho Apple, còn Navi hiện đang được AMD gấp rút hoàn thiện để Sony sử dụng cho cỗ máy chơi game đời tiếp theo của mình - chiếc PS5.
Tuy nhiên, tham gia vào thị trường chip bán tùy chỉnh như vậy cũng đồng nghĩa với việc AMD phải đảm bảo tuân thủ một cách nghiêm ngặt lộ trình được đề ra. Sony cần AMD hoàn thiện GPU Navi trước khi PS5 được tung ra thị trường (dự kiến vào khoảng năm 2020), và đây chính là deadline mà Sony đã đặt ra với "đội đỏ". Tương tự, lộ trình ra mắt GPU Vega của AMD trên thực tế cũng dựa theo lộ trình sản phẩm của Apple, chứ không phải ngược lại. Điều này dẫn tới việc khá nhiều người tại RTG cảm thấy hoạt động của mình bị hạn chế quá mức, và có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Raja Koduri rời khỏi AMD hồi cuối năm ngoái.
Thị trường VGA dành cho game thủ là một thị trường hết sức khó nhai đối với AMD ở thời điểm hiện tại, và hơn ai hết, Lisa Su hiểu rõ điều này. Mảng thị trường gaming vốn rất khó để có thể duy trì, khi đòi hỏi sự nâng cấp hiệu năng rất lớn qua từng năm - trong khi vẫn phải tìm cách hạ thấp chi phí nghiên cứu sản xuất để đảm bảo giá thành sản phẩm không quá cao so với ví tiền của game thủ. Một tiến trình giờ vẫn còn đang chưa được hoàn thiện và tối ưu như 7nm rõ ràng không hề phù hợp để áp dụng vào mảng thị trường gaming một chút nào, nhất là đối với một AMD như hiện tại.
Tiết mục demo GPU 7nm đầu tiên trên thế giới mà AMD thực hiện tại Computex không hề hướng đến đối tượng khách hàng game thủ, mà nhắm đến một phân khúc cao cấp hơn hẳn: phân khúc của những người làm các công việc nặng về đồ họa, cũng như những nhà nghiên cứu AI và Machine Learning. Đây là phân khúc thị trường tương đối đặc biệt, với những người sẵn sàng chi trả những khoản tiền lớn cho sản phẩm. Và mặc dù trong màn thuyết trình trên sân khấu của AMD, Lisa Su có nói "GPU 7nm sẽ đến với các game thủ", nhưng điều đó không có nghĩa là GPU Vega 7nm sẽ được sản xuất cho game thủ vào năm tới. Nên nhớ rằng ở thời điểm hiện tại về phía mảng đồ họa, AMD đang gấp rút tiến hành phát triển kiến trúc Navi cho Sony, và đây sẽ là một deadline vô cùng quan trọng đối với "đội đỏ" - do đó không có gì quá ngạc nhiên nếu như AMD dồn nhiều công sức vào kiến trúc này.
Vậy nên, rất có thể, GPU 7nm của AMD dành cho game thủ sẽ được sản xuất dựa trên kiến trúc Navi. Chính xác hơn, GPU đó sẽ là Navi 10, và đây sẽ không phải là một chiếc VGA cao cấp. Nói cách khác, NVIDIA sẽ không gặp phải sự cạnh tranh nào đến từ AMD trong mảng gaming, sớm nhất là trước năm 2019. Sau Navi 10 là Navi 14, rồi mới đến Navi 20 - GPU chơi game cao cấp thực sự mà AMD tạo ra trên kiến trúc 7nm. Tuy nhiên, Navi 20 là chuyện của năm 2020 hoặc 2021 - tức vẫn còn rất lâu nữa.
Rõ ràng, quyết định đánh đổi mảng gaming để tập trung vào phát triển CPU cũng như các con chip semi-custom là một quyết định vô cùng lý trí của CEO Lisa Su. Quyết định này có thể không làm các game thủ fan của "đội đỏ" vui lòng, nhưng chắc chắn, đây là một quyết định đã cứu giúp AMD thoát khỏi vực thẳm để trở lại với thị trường.
Tham khảo wccftech
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng