Ẩn số Phong Vũ: "Cây đa cây đề" của làng máy tính Sài Gòn toan tính gì khi Bắc tiến, giáp mặt những hùng binh như Thế giới di động, FPT Shop...?
Nổi tiếng lâu đời trong ngành phân phối ICT tại khu vực phía Nam, Phong Vũ đang từng bước thực hiện chiến dịch Bắc tiến trên mặt trận mới mang tên thương mại điện tử.
Tọa lạc ở tầng 6 một tòa nhà ở vị trí đắc địa trên phố Thái Hà, showroom máy tính Phong Vũ miền Bắc gây ấn tượng mạnh bởi lời nhắc nhở nhân viên gồm 5 điều cần từ bỏ:
1. Cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người
2. Sợ thay đổi
3. Ăn mày quá khứ
4. Hạ thấp giá trị bản thân
5. Nghĩ quá nhiều
Có lẽ, Phong Vũ không sợ thay đổi, cũng như không ăn mày quá khứ, khi dũng cảm tiến quân ra thị trường miền Bắc sau khi đã "ổn định" hơn 2 thập kỷ ở phương Nam, thậm chí thuộc hàng "cây đa, cây đề" trong làng phân phối máy tính, thiết bị ICT tại Tp. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam.
“Sau khi sáp nhập Tekshop.vn, Phong Vũ quyết định mở rộng ra miền Bắc và xây dựng kênh bán trực tuyến phongvu.vn, đồng thời xây dựng trải nghiệm tốt cho người dùng tại các showroom lớn tại các tỉnh thành Việt Nam”, ông Nguyễn Khánh Trình - CEO Phong Vũ miền Bắc cho biết về chiến lược Bắc tiến của Phong Vũ.
Bản thân ông Trình là một gương mặt khá nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp, từng là giảng viên đại học Bách khoa sau đó nghỉ việc để thành lập Clever Ads, công ty chuyên quảng cáo Google. Gần đây, ông Trình còn tham gia đầu tư vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển Trung Thực.
Nói thêm về thương vụ sáp nhập nói trên vào cuối năm 2017, Teko vốn được biết đến là doanh nghiệp chuyên cung cấp trang thiết bị phần cứng trong lĩnh vực chơi game được thành lập đầu năm ngoái. Tiền thân của Teko là bộ phận thương mại điện tử của Vietnam Esports.
Chuỗi hay không chuỗi?
Khi được hỏi về chiến thuật Bắc tiến liệu có phải là bước chân vào cuộc đua bán lẻ như những ông lớn trên thị trường, CEO Phong Vũ miền Bắc cho biết: “Mô hình vận hành của Phong Vũ không giống Trần Anh, Thế giới di động là chuỗi cửa hàng bán lẻ ngoại tuyến. Sản phẩm chúng tôi tập trung vào là laptop, máy văn phòng, máy tính và mặt hàng ICT”.
Trái với những nhận định thị trường ICT đang đi xuống, ông Trình cũng cho biết thêm quy mô ngành này lên tới 1,5 - 2 tỷ USD dù không tăng trưởng nhanh nhưng không sụt giảm, ở mức 5% mỗi năm.
Nếu so sánh có thể thấy sự khác biệt của Phong Vũ với Trần Anh hay các thương hiệu điện máy khác là tập trung vào phân khúc máy tính, laptop và máy chơi game, thiết bị công nghệ. Hiện nay, Hà Nội Computer được xem là đối thủ cùng thị trường ngách này, tuy nhiên chưa được mạnh về đầu tư không gian trải nghiệm trên diện tích rộng như Phong Vũ.
Đại diện của thương hiệu này còn tự tin khẳng định ưu điểm lớn nhất của Phong Vũ khi Bắc tiến là khâu dịch vụ hậu mãi và bảo hành, cũng như ứng dụng công nghệ tốt so với các đối thủ khác. Lãnh đạo Phong Vũ còn cho biết các lợi thế khác như “top-of-mind” trong tâm trí khách hàng, cũng như cách marketing sử dụng KOL nổi tiếng trong cộng đồng game thủ.
Khẳng định khác nhau về mô hình, tuy nhiên một phần trong danh mục sản phẩm đang kinh doanh của Phong Vũ có cạnh tranh với những ông lớn như Thế giới di động, FPT Shop ngoài ra một điểm tương đồng khác của Phong Vũ chính là mặt bằng.
Ông Trình cũng cho biết về mặt bằng bán lẻ, doanh nghiệp cần phải có chiến thuật và khi đủ quyết liệt thì sẽ giành được. CEO này lạc quan cho rằng, hiện thị trường còn rất nhiều đất để mở mới không nhất thiết phải cạnh tranh bằng được.
“Người khôn sẽ chọn địa điểm sao để không phải mở đi mở lại. Ít khi Phong Vũ muốn đối đầu trực tiếp về cạnh tranh mặt bằng, như thế sẽ không có lợi. Chúng tôi hạn chế tối đa những đối đầu không cần thiết”, ông Trình khẳng định.
Một báo cáo của GFK cho thấy, các hệ thống chuỗi như Thế giới di động, FPT Shop hiện chiếm tới 46% doanh số laptop bán ra năm 2016. Cùng với việc mở rộng quy mô trong những năm gần đây của 2 chuỗi này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh PC tại các địa phương buộc phải mở rộng thêm các mảng kinh doanh khác để bổ trợ, hoặc phải chấp nhận đóng cửa vì không tiếp tục bù lỗ.
Có thể thấy dù được xem là thương hiệu lâu đời về máy tính tại miền Nam nhưng để giành được miếng bánh lớn tại thị trường miền Bắc không phải là điều dễ dàng với Phong Vũ.
Bước chân vào thương mại điện tử
Một năm sau khi Trần Anh về chung nhà cùng Thế giới di động, cựu chủ tịch Trần Anh - Trần Xuân Kiên cho biết, lý do ông rút lui khỏi thị trường điện máy là bởi "nhìn thấy xu thế thương mại điện tử lên nhanh quá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bán lẻ truyền thống”.
Xu hướng này cũng là lý do khiến Thế giới di động bên cạnh việc thanh lọc các cửa hàng vật lý thì cần chú trọng đối với ngành điện máy là phát triển kênh thương mại điện tử.
Từ vài năm nay, Thế giới di động đã chú ý xây dựng mảng online với việc xây dựng trang thương mại điện tử Vuivui.com. Kênh bán hàng này cũng đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất hệ thống lên tới hơn 100% so với cùng kỳ năm trước (Báo cáo mới nhất tháng 5/2018), tuy nhiên tỷ trọng vẫn còn khá khiêm tốn.
Nắm được điều này, để không bị loại cuộc chơi như Hoàn Long Computer cách đây vài năm, Phong Vũ cũng nhanh chóng xây dựng trang thương mại điện tử Phongvu.vn.
Thương mại điện tử trong vài năm gần đây được xem là cuộc đua đốt tiền nhằm giành thị phần giữa các ông lớn từ Tiki, Adayroi, Lazada. Tuy nhiên là doanh nghiệp tham gia sau, đại diện Phong Vũ lại cho rằng đây không phải là ‘cửa duy nhất’ để có thể tồn tại.
“Phong Vũ không muốn như thế. Phong Vũ muốn cung cấp dịch vụ hoàn hảo cho khách hàng để họ tự tin mua một sản phẩm đắt tiền và mua trực tuyến. Thực chất lòng tin của khách hàng rất thấp và doanh nghiệp đang muốn tạo ra kênh bán lẻ uy tín”, ông Trình chia sẻ.
CEO Phong Vũ miền Bắc Nguyễn Khánh Trình
Xây dựng niềm tin là mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng đến, thậm chí chấp nhận rủi ro áp dụng hình thức bán hàng COD với những mặt hàng giá trị lớn như PC, laptop,… Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết "không thích mô hình kinh doanh đốt tiền để xây dựng nên cái gì đó".
“Làm kinh doanh phải thực tế, cuối cùng phải có lời. Chiến lược với doanh nghiệp nhỏ và lớn là phải khác nhau. Quốc gia khác nhau là khác nhau, không phải cứ áp dụng cách đốt tiền như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam là thành công”, ông Trình cho hay.
Tư duy này có điểm khá tương đồng với quan điểm của cựu CEO Adayroi Lê Hoàng Uyên Vy. Theo cô, khách hàng mua vì giảm giá sẽ ra đi vì giảm giá. Nếu chỉ biết thu hút khách hàng bằng cách giảm giá thật nhiều hoặc bán lỗ thì một ngày nào đó mình cũng sẽ mất đi chính khách hàng đó, vì trên thị trường luôn sẽ có những công ty mới cạnh tranh bằng giá. Thay vào đó, công ty cần phải đầu tư vào những thế mạnh cốt lõi để mang lại giá trị cho lâu dài cho khách hàng thì sẽ phát triển bền vững hơn (theo Zing).
“Phong Vũ đã 21 năm tuổi. Chúng tôi có thương hiệu rất ổn trong miền Nam và traffic (lượng người truy cập) rất tốt.”, đại diện thương hiệu này tại miền Bắc tự tin cho biết. Theo ông có nhiều cách để xây dựng nhận diện thương hiệu khi tham gia thương mại điện tử chứ không nhất thiết phải đốt tiền.
Nhân tố mới kết hợp với thương hiệu lâu đời cùng chiến lược cẩn trọng trong đối đầu, Phong Vũ liệu có lột xác để làm nên chuyện trong cuộc đua điện máy đầy khốc liệt vẫn là ẩn số cần thời gian trả lời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng