Hãy tạm biệt bánh ngọt và kẹo màu, bởi nền tảng di động của Google sắp sửa bước vào chế độ ăn kiêng.
Kể từ năm 2009, Google đã đặt cho từng phiên bản lớn của hệ điều hành Android những cái tên theo chủ đề các món ngọt tráng miệng. Những tên gọi này thay đổi theo thứ tự alphabet quan từng năm, đầu tiên là ANdroid Cupcake, Donut, Eclair, Froyo... và gần đây nhất là Pie. Nhưng có một bất ngờ nho nhỏ: khi phiên bản hệ điều hành di động mới nhất của Google ra mắt vào cuối tháng này, triều đại của những món ngon béo ngậy kia cũng sẽ chấm hết.
Hệ điều hành Android mới nhất được biết đến với tên mã Android Q, hiện đang ở giai đoạn public beta kể từ tháng 3 năm nay. Đã có rất nhiều đồn đoán trên mạng xoay quanh cái tên này: Google sẽ dùng món nào có chữ "Q" ở đầu để làm tên gọi chính thức cho hệ điều hành mới? Quindim? Queen's cake? Quiche? Tất cả đều sai bét, bởi hôm nay, Google đã công bố rõ ràng là sẽ không có cái tên nào cả. Android mới sẽ được gọi là...Android 10. Bất ngờ chưa?
Tên gọi mới lần này chẳng hề sáng tạo chút nào, nhưng lại đơn giản đến kỳ quặc. Google cho biết họ quyết định từ bỏ cách đặt tên bằng các món ngọt bởi lo ngại về vấn đề đọc hiểu của người dùng.
"Qua nhiều năm, chúng tôi nghe phản hồi từ người dùng rằng những cái tên không phải lúc nào cũng dễ hiểu với mọi người trên toàn cầu" - Kaori Miyake, quản lý truyền thông cho Android tại Google nói.
Android được phân phối trên toàn thế giới và hiện diện trên hơn 2,5 tỷ thiết bị, do đó việc đặt tên mỗi phiên bản hệ điều hành theo tên một món tráng miệng của Mỹ sẽ khiến một lượng lớn người dùng thắc mắc. Cũng đúng, khi mà đâu phải ai trên hành tinh này cũng may mắn được một lần nếm thử để biết "Froyo" là gì. Và bạn có thấy tội nghiệp cho người New Zealand và người Anh không khi mà họ cứ nghĩ "Pie" là một món bánh nhân thịt chứ chẳng phải món bánh ngọt làm từ bột mỳ như ở Mỹ?
"Marshmallow không thực sự là một món ăn phổ biến ở khắp nơi trên thế giới" - Miyake nói - "Luôn rất khó để tìm ra một cái tên có liên quan đến mọi người".
Việc đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh cũng không giúp những người không nói tiếng Anh dễ hiểu hơn. Nếu bảng chữ cái của bạn không có A-B-C, thì không có cách dễ dàng nào để biết được liệu Honeycomb đứng trước hay sau Jelly Bean và KitKat cả!
Android 10 cho tiện!
Một cập nhật khác mà Google vừa thực hiện để giúp người dùng dễ nhận biết hệ điều hành Android hơn: dù chú robot xanh vẫn sẽ hiện diện, nhưng chữ "android" trong logo của hệ điều hành mới sẽ chuyển từ xanh lá sang đen. Thay đổi này sẽ giúp người dùng bị khuyết tật thị giác dễ đọc hơn. Google còn công bố một bộ màu sắc mới với độ tương phản cao hơn dành cho nhãn hiệu Android, giúp cải thiện mức độ dễ đọc trong tất cả mọi điều kiện mà logo xuất hiện.
Nếu bạn nghĩ Google bỏ qua ký tự "Q" vì không thể tìm ra món ngọt nào bắt đầu bằng chữ cái này, bạn nên biết rằng Google sẽ từ bỏ vĩnh viễn cách đặt tên bằng món ngọt. Từ Android 10 về sau, công ty cho biết sẽ chỉ sử dụng cách đặt tên Android bằng số mà thôi.
"Sau 10 sẽ là 11" - Mikaye nói.
Android 10 sẽ chính thức được tung ra trong vài tuần tới. Khung thời gian cụ thể cho đến nay vẫn chưa được công bố.
Tham khảo: Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng