Ảnh chụp từ vệ tinh: Chernobyl chìm trong biển khói trắng vì thảm họa cháy lớn, lửa đang lan dần đến nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang
Đám cháy lớn tại Chernobyl đã khiến mức phóng xạ tại đây tăng lên gấp 16 lần bình thường, và dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vào ngày thứ Bảy (4/4), một vụ cháy lớn đã bất ngờ xảy ra tại khu vực cấm ở Chernobyl, khiến cho mức độ phóng xạ tại đây tăng lên gấp 16 lần bình thường. Cho đến cuối tuần vừa qua, cụ thể là vào ngày thứ Sáu (10/4), dường như đám cháy này vẫn chưa được kiểm soát và tiếp tục lan rộng đến gần nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang Chernobyl ở Ukraine.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tình hình vụ cháy tại Chernobyl vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Bức ảnh trên đây được Planet Labs chụp lại vào ngày 9/4, cho thấy 1 phần của khu vực Chernobyl đã trở nên “tàng hình” vì khói trắng dày đặc. Chưa hết, đám cháy này diễn ra cách khu nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang và thành phố Pripyat chỉ khoảng hơn 8 km mà thôi. Tuy nhiên, theo báo chí địa phương cho biết, dường như đây không phải là đám cháy đã xảy ra vào ngày 4/4.
Cụ thể, một số người dân Ukraine đã chia sẻ với NBC News rằng đám cháy từ thứ Bảy tuần trước nữa đã được dập tắt hoàn toàn. Theo điều tra, nguyên nhân ban đầu là do có người đã đốt bụi cỏ trong khu vực này, sau đó lửa bắt sang những cây xung quanh và bắt đầu lan rộng ra với tốc độ nhanh. Thế nhưng, bức ảnh chụp từ vệ tinh lại cho thấy rõ ràng tình trạng vụ cháy vẫn đang rất phức tạp, chưa hề được kiểm soát.
Trên thực tế, cháy rừng không phải là một tình trạng hiếm gặp tại Chernobyl. Tính từ năm 2010 đến nay, nơi đây đã xảy ra 54 vụ hỏa hoạn tại những khu vực nhiễm phóng xạ, và 300 vụ tại những vùng lân cận (thống kê trong 1 bài nghiên cứu đăng tải trên Environmental International vào năm 2014). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đã khiến mức nhiệt tăng dần lên theo thời gian và làm cho tình trạng hạn hán tại khu vực này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến nguy cơ cháy rừng cao hơn. Ngoài ra, vì không thường xuyên có sự can thiệp của con người, những yếu tố hữu cơ tự nhiên như lá rụng, cây khô cũng góp phần khiến tình trạng hỏa hoạn dễ dàng bùng phát và trở nên phức tạp hơn.
Cháy rừng không phải tình trạng hiếm gặp ở Chernobyl, nhưng như vậy không có nghĩa là nó không nguy hiểm bởi đây là khu vực có mức phóng xạ cực kì phức tạp sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân vào năm 1986.
Chính phủ Ukraine cũng từng thông báo rằng vụ cháy rừng lần này không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến con người, đặc biệt là những người sống tại thủ đô Kiev - cách đó khoảng 100 km về phía Nam. Mức phóng xạ tại thành phố này cũng bình thường và không có nhiều biến đổi. Ngoài ra, nếu so với những vụ hỏa hoạn khủng khiếp khác trong lịch sử nhân loại (mới nhất là tại Úc) thì quy mô vụ cháy ở Chernobyl là nhỏ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng Chernobyl là khu vực có mức phóng xạ phức tạp hơn những nơi khác sau khi nhà máy tại đây phát nổ vào năm 1986. Bài nghiên cứu nêu trên đã chỉ ra rằng nếu những vụ cháy tiếp tục xảy ra trên diện rộng, từ 10 - 100% diện tích Chernobyl, thì sẽ là một thảm họa hạt nhân thực sự: 1 lượng lớn phóng xạ có thể sẽ bao phủ toàn bộ phần Trung tâm và miền Đông Châu Âu. Đúng là nhiều loài vật hoang dã đã bắt đầu quay trở lại Chernobyl, và thậm chí một số địa điểm còn mở cửa đón khách du lịch trên thế giới; thế nhưng phóng xạ có thể vẫn tiềm ẩn ở phía dưới khu vực này, và chỉ cần một chút lửa cũng đủ để nó thoát ra ngoài và lan sang những vùng khác.
Theo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng