Áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, 2 học sinh THCS từ Hậu Giang đạt giải Nhất Solve for Tomorrow 2023
Những gì 2 bạn trẻ này muốn thực hiện là "áp dụng công nghệ vào việc trồng lúa để giúp đỡ ông bà, cha mẹ".
Tại Chung kết cuộc thi Solve for Tomorrow 2023 do Samsung tổ chức, nếu như quán quân của bảng B là nhóm Mindful Medical Brand đưa công nghệ vào vấn đề y tế, phòng ngừa bệnh tật thì bộ đôi đạt giải Nhất đến từ nhóm Khóm Cầu Đúc) ở bảng A lại lựa chọn chủ đề về nông nghiệp.
Nhóm chỉ gồm có 2 người là bạn Mai Nguyễn Gia Mỹ và bạn Vũ Trần Gia Huy, hiện đang là học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Thuận An - Hậu Giang. Để giải thích cho cái tên "Khóm Cầu Đúc" của mình, nhóm chia sẻ: "Cây khóm xuất hiện trên mảnh đất Hậu Giang vào năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy giống tốt bắt đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắt ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và tên “Khóm Cầu Đúc” được hình thành."
Xuất thân từ vùng đất nổi tiếng với ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nên dự án được nhóm đem tới Solve for Tomorrow 2023 cũng là một công nghệ để hỗ trợ cho việc trồng trọt. Nhóm đã phát triển một robot mang tên AgroRobot, có khả năng di chuyển ở đồng ruộng để đánh giá chất lượng đất thông qua các thông số N,P, K (nitơ, phốt pho và kali), từ đó giúp những người nông dân bón phân có khoa học và tăng hiệu quả trồng lúa.
Bạn Mai Nguyễn Gia Mỹ chia sẻ thêm về việc lên ý tưởng dự án: "Em đến từ vùng đồng bằng Sông Cửu Long, và ông bà em đã làm nghề trồng lúa từ rất lâu rồi. Ông bà từ trước đến nay vẫn bón phân trên ruộng theo kinh nghiệm, chứ không có sự đo đạc chất lượng của đất nên ảnh hưởng nhiều đến đất cũng như sản lượng lúa. Chính vì vậy mà nhóm em đã phát triển ra AgroRobot để giải quyết vấn đề trên."
Cũng giống với quán quân của bảng B, dự án của nhóm Khóm Cầu Đúc đạt được giải Nhất cuộc thi Solve for Tomorrow 2023 vì tính ứng dụng cao, bên cạnh đó cũng tạo ra được phần mềm theo dõi những số liệu của robot thu nhận được một cách trực quan, dễ tiếp cận.
Theo kết quả mà nhóm công bố, trên một diện tích ruộng 1000m2 thì khi sử AgroRobot thì thời gian thăm đồng giảm từ 15 - 20 phút chỉ còn 3 - 5 phút, lượng phân bón sử dụng giảm đi 5kg nhưng năng suất lúa lại tăng từ 100 - 200kg.
Với bất cứ dự án công nghệ nào, những khó khăn trở ngại là không thể tránh khỏi. Với nhóm Khóm Cầu Đúc thì đó là công đoạn cắt tiện, hàn ghép những chi tiết bằng sắt của robot: Bạn Gia Mỹ chia sẻ: "Chúng em mới chỉ là học sinh lớp 9 nên không có kinh nghiệm hàn tiện các chi tiết bằng sắt. Tuy gặp trở ngại, nhưng nhóm chúng em cũng đã may mắn nhận được sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo của nhà trường, từ thầy giáo hướng dẫn cũng như ba mẹ nên mới có thể hoàn thiện được sản phẩm dự thi ngày hôm nay."
Qua quá trình tham gia Solve for Tomorrow, bên cạnh giải thưởng nhóm cũng đã nhận được nhiều kiến thức về lập trình tự động hóa, bạn Vũ Trần Gia Huy chia sẻ: "Nhờ sự hướng dẫn của giáo viên cũng như sự tự tìm hiểu của em thì nhóm em cũng đã làm ra một ứng dụng hoàn chỉnh. Nó vẫn chưa hoàn hảo khi đôi khi vẫn có những lỗi vặt, nhưng em sẽ tiếp tục học thêm để làm ra những sản phẩm còn tốt hơn nữa."
Thay lời chào, nhóm cũng đã gửi những lời nhắn nhủ cho các bạn học sinh nói chung và các thí sinh của mùa Solve for Tomorrow năm sau: "Nếu các bạn có ý tưởng hay thì đừng cảm thấy sợ hãi, hãy tự tin biến chúng thành hiện thực. Luôn luôn giữ tinh thần 'Dám nghĩ dám làm' trong mình!"
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng