App Store 'biến chất': Từ chỗ không quảng cáo đến nơi toàn app rác, đi ngược tôn chỉ của Steve Jobs
Năm 2011, Steve Jobs khẳng định: “Chúng tôi tạo ra những sản phẩm mà mình muốn và không muốn có quảng cáo”.
*Bài viết là quan điểm của Michael Gartenberg - cựu Giám đốc marketing cấp cao của Apple.
Có một điều đáng buồn là App Store không còn là “viên ngọc quý” trong hệ sinh thái của gã khổng lồ công nghệ Apple. Ngày nay, dường như việc tối đa hóa doanh thu của Apple được tập trung nhiều hơn là phục vụ khách hàng hoặc giúp các nhà phát triển ứng dụng phát triển.
Ngày trước, nếu hỏi bất cứ giám đốc cấp cao nào của Apple về điều khiến công ty trở nên đặc biệt như vậy, câu trả lời gần như sẽ luôn là hệ sinh thái - vị trí độc tôn (trước đây) của công ty trong việc tạo ra cả phần cứng và phần mềm với sự tích hợp chặt chẽ. Vào những năm 90, một trong những bài học mà Apple học được từ máy tính Mac là phần cứng và phần mềm tốt nhất đều trở nên không quan trọng nếu không có các ứng dụng.
Điều đó từng có nghĩa là các nhà phát triển - người tạo ra những ứng dụng đó, là phần quan trọng nhất của bất kỳ nền tảng nào. Steve Ballmer - cựu CEO Microsoft từng nổi tiếng với việc hô khẩu hiệu "Nhà phát triển! Nhà phát triển! Nhà phát triển!” để khẳng định vai trò của họ.
Ứng dụng là thứ dẫn người dùng đến một nền tảng phần cứng cụ thể và giữ họ ở đó.
App Store ra đời để cung cấp cho phần cứng và hệ điều hành của iPhone hàng nghìn ứng dụng do các lập trình viên điều hành doanh nghiệp ứng dụng tạo ra. Apple đã tuyển chọn cẩn thận các ứng dụng mà họ cho hiển thị nổi bật, giúp các nhà phát triển giỏi nhất có được khả năng tiếp cận với người dùng đồng thời giúp người dùng tìm thấy lựa chọn tốt nhất cho nhu cầu cá nhân.
Và Apple đã thu được không ít lợi nhuận khi tính phí 30% đối với những doanh nghiệp có thu nhập hàng năm trên 1 triệu USD và 15% với những doanh nghiệp có thu nhập hàng năm dưới 1 triệu USD.
Thời điểm hiện tại, 15 năm kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời, App Store đang dần khiến các nhà phát triển và người dùng ngán ngẩm.
Vấn đề đầu tiên mà nhiều người dùng gặp phải là các quảng cáo ngày càng “xâm phạm”. Cách Apple sử dụng chúng trong App Store đã trở nên thực sự khó chịu. Ví dụ, khi đang tìm kiếm một ứng dụng, họ bị “tấn công” dồn dập bởi quảng cáo cho các ứng dụng khác và thậm chí đôi khi là các sản phẩm không liên quan đến những gì họ đang tìm kiếm.
Vấn đề thứ hai, App Store là nơi lưu trữ tất cả các loại ứng dụng mà theo Gartenberg, nhiều trong số đó là ứng dụng rác. Một ví dụ điển hình gần đây là khi các ứng dụng cờ bạc được gợi ý khi một số người dùng tìm kiếm ứng dụng cai nghiện cờ bạc. Apple đã tạm dừng các quảng cáo đó vào tháng trước sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì nhà sáng lập Steve Jobs từng nói năm 2011. Theo ông, việc không có quảng cáo là một đặc tính nổi bật của Apple. “Chúng tôi tạo ra những sản phẩm mà mình muốn và chúng tôi không muốn có quảng cáo”.
Gartenberg nhận xét: “Trớ trêu thay, Apple đang trở thành thứ mà họ từng chế nhạo”.
Ngoài ra, dù Apple nói rằng họ sẽ không phê duyệt các ứng dụng nhái nhưng nhiều nhà phát triển cho biết không ít ứng dụng như vậy vẫn nổi lên thông qua quảng cáo trong App Store.
Tháng trước, một nhà phát triển trò chơi đã chia sẻ trên Twitter về việc ứng dụng của họ bị đạo nhái. Sau khi bài viết đó trở nên viral, Apple mới đình chỉ ứng dụng nhái. Trước đó, Apple cũng phải dàn xếp một vụ kiện liên quan đến vấn đề này.
Đây là một sự thất vọng đối với các nhà phát triển hợp pháp, những người đang phải trả tiền để đảm bảo ứng dụng của họ không bị chôn vùi bên dưới những ứng dụng khác, bao gồm cả các ứng dụng sao chép mà Apple cho hiển thị trong quảng cáo.
Với tư cách là người nắm giữ cổ phiếu Apple, Gartenberg đánh giá cao việc công ty sử dụng quảng cáo để tăng doanh thu vì suy cho cùng, họ cũng là một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Nhưng với tư cách là khách hàng lâu năm của Apple, điều ông tiếc nuối là những ngày mà nhu cầu về doanh thu không lấn át nhu cầu phục vụ khách hàng của Apple đã qua.
Năm 2010, Steve Jobs đã cấm rất nhiều ứng dụng rác vì chúng không mang lại giá trị cho người dùng và hạ thấp hệ sinh thái. Ông nói: “Nghe có vẻ như chúng tôi là những kẻ thích kiểm soát nhưng điều đó là vì chúng tôi quá cam kết với người dùng của mình và muốn đảm bảo rằng họ có trải nghiệm chất lượng với các sản phẩm của chúng tôi”.
Trên thực tế, không chỉ App Store đang tập trung vào doanh thu hơn trải nghiệm người dùng. Theo Gartenberg, khi nhìn vào bất kỳ sản phẩm mới nào của công ty, phần lớn mọi người đều thấy chúng khá nhàm chán vì không có yếu tố đột phá. Ví dụ, iPhone 14 trông không khác iPhone 13 là bao và iPhone 13 cũng na ná iPhone 12. Nhiều tính năng mới chỉ có mặt trên iPhone Pro – sản phẩm có mức giá và tỷ suất lợi nhuận cao nhất.
Vào tháng trước, trong bối cảnh thế giới chuẩn bị cho suy thoái kinh tế, Apple đã tăng giá một số dịch vụ phổ biến nhất như Apple TV+ và Apple Music.
Cũng theo Gartenberg, vấn đề thực sự hiện tại của Apple là họ dường như không còn là lựa chọn chất lượng duy nhất của người dùng. Đổi mới phần cứng hay ứng dụng độc quyền, tất cả đều có thể được tìm thấy ở những nhà cung cấp khác trên thị trường. Thách thức lớn nhất mà những doanh nghiệp này phải đối mặt không phải là đối đầu với công nghệ mà là cỗ máy marketing khổng lồ của Apple.
Nguồn: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng