Apple không ngừng lớn mạnh, tiền ngày một nhiều nhưng đằng sau đó là giọt mồ hôi và nước mắt của những đối tác linh kiện của họ
Các nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị công nghệ đang phải vật lộn trong thế phụ thuộc vào ông lớn Apple.
Doanh thu của Táo khuyết lại một lần nữa vượt ngoài kỳ vọng của giới đầu tư. Biên lợi nhuận đạt trên 20% trong khi cổ phiếu tăng 30% kể từ đầu năm. Với việc Warren Buffett mua lượng lớn cổ phiếu đã đưa Apple trở thành công ty giá trị vốn hóa thị trường cao nhất lịch sử thế giới.
Một số đối tác cung cấp linh kiện cũng nhận tin vui trong vài tháng trở lại. Lý do bởi mọi người đặt kỳ vọng lớn vào phiên bản kỷ niệm 10 năm ra mắt iPhone vào tháng 9. Nhưng không phải tất cả đều nở nụ cười bởi Apple đã bắt đầu chiến dịch cắt giảm chi phí.
Jeff Pu, nhà phân tích đến từ YSIC của Đài Loan cho biết, giai đoạn từ tháng Giêng tới tháng Ba, Táo khuyết đã tiến hành giảm chi phí sản xuất iPhone khoảng từ 10 – 20%. Mẫu điện thoại này vẫn là nguồn thu chính của công ty, chiếm khoảng 63% doanh số quý mới nhất.
Nguồn tin thân cận trong chuỗi cung ứng iPhone tiết lộ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, giá cả trở thành vấn đề nhức nhối nhất kể từ khi tốc độ tăng trưởng của iPhone giảm so với 5 năm trước”. Người này nói thêm rằng, xu hướng tự động hóa là cần thiết dù không phải giải pháp duy nhất để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cho gã khổng lồ xứ Cupertino. Và các đối tác đang tìm kênh dịch vụ khác để tăng tính tự chủ.
Nhiều đối tác đang dần nhận thấy rủi ro do quá phụ thuộc vào Apple
Cả hai cái tên hàng đầu trong chuỗi cung ứng linh kiện iPhone là Foxconn và Pegatron đều giảm doanh thu trong năm 2016 khi nhu cầu thị trường về sản phẩm Táo khuyết yếu dần. Báo cáo tài chính hết tháng 3/2017 và dự báo của Pegatron cho thấy tương lai ảm đạm do sức tiêu thụ mẫu iPhone 4,7 inch thấp hơn model màn hình lớn. Hai công ty đều phụ thuộc tới 50% doanh thu từ Apple.
Foxconn báo cáo biên lợi nhuận quý cuối 2016 đạt 5,46%, mức cao kỷ lục trong 9 năm bởi trước đó, tỷ lệ này hiếm khi vượt quá 4%. Ở bên kia, Pegatron thường duy trì mức lợi nhuận dưới 3%.
Chủ tịch Terry Gou của Foxconn tỏ rõ quyết tâm giảm sự phụ thuộc bằng cách mua lại tập đoàn Sharp của Nhật Bản và đa dạng hoạt động kinh doanh, bao gồm đầu tư vào các startup, tự động hóa và công nghệ đám mây. Buồn thay, chẳng danh mục nào mang lại thành công như làm ăn với Apple.
Hầu hết các nhà sản xuất chính đều nhận được món hời lớn từ thỏa thuận hợp tác, nhưng trường hợp TSM thì nỗi lo về sự phụ thuộc ngày càng tăng dù giá trị hợp đồng mang lại lớn không kém. Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSM vốn nắm giữ 56% thị phần thế giới đang đảm nhiệm vai trò cung cấp vi xử lý iPhone.
Gã khổng lồ xứ Cupertino chiếm tới 17% doanh thu của TSMC năm 2016, đạt mức kỷ lục 31,4 triệu USD. Con số này hai năm trước lần lượt là 16% và 9%. CEO Mark Liu cho biết công ty sẽ phát triển thêm nhiều tập khách hàng để giảm tính lệ thuộc.
Mark Li, nhà phân tích từ Sanford C.Bernstein nhận định, mức đóng góp của Apple cho doanh thu TSMC sẽ tăng lên khoảng 21% trong năm 2017 nhờ đơn hàng độc quyền cung cấp chip xử lý cho iPhone. Nhưng ông cảnh báo chính sản phẩm này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi nếu model mới không tạo được ấn tượng trên thị trường sẽ đẩy doanh thu nửa cuối năm 2017 xuống vùng nguy hiểm.
Imagination Tecnologies hôm 3/4 đã giảm 61% giá trị thị trường do Apple tuyên bố sẽ phát triển công nghệ xử lý đồ họa riêng. Dialog Semiconductor cũng gặp tình trạng tương tự khi giá cổ phiếu bốc hơi 15% do xuất hiện dự đoán Táo khuyết đang muốn chủ động trong kỹ thuật quản lý điện năng.
Đáng chú ý là cuộc chiến kéo dài giữa Apple với đối tác Qualcomm liên quan tới các bằng sáng chế công nghệ điện thoại cơ bản. Trong khi Táo khuyết đòi hoàn trả 1 tỷ USD tiền “tính nhầm” thì Qualcomm đang nỗ lực giành được lệnh cấm bán iPhone ở Mỹ.
Tim Cook vẫn dư khoản tiền mặt 250 tỷ USD cho những toan tính lớn hơn. Nhưng đối tác của họ lại chật vật tìm hướng giảm phụ thuộc nếu một ngày không còn đứng chung thuyền với Táo khuyết. Thị trường không có chỗ cho lòng thương xót, vậy nên các nhà sản xuất linh kiện phải tự lo lấy nếu không sẽ phải chấp nhật quy luật đào thải khắc nghiệt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng