Apple, Microsoft, Google tính chuyện rời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, nhưng liệu có dễ dàng?
Chỉ đến khi dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, một số hãng công nghệ Mỹ mới nháo nhào tìm cách chuyển dây chuyền sang các nước khác. Nhưng liệu điều này có dễ dàng?
Các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ như Apple, Google và Microsoft đang tính đến việc chuyển dây chuyền sản xuất phần cứng sang các quốc gia khác như Việt Nam hay Thái lan nhằm tránh tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Nếu như dây chuyền lắp ráp sản phẩm như smartphone có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng thì việc di chuyển các dây chuyền sản xuất linh kiện khỏi Trung Quốc là điều cực kỳ khó khăn.
Giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc chưa bao giờ là điều dễ dàng
Sean Maharaj, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn quản lý toàn cầu Aarete nhận định: "Chuỗi cung ứng của Mỹ đang phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất của Trung Quốc hơn bao giờ hết".
Đơn cử có thể kể đến các công ty Mỹ đang phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc như Qualcomm, Microsoft, Google và Apple. Nhiều phần cứng như chip xử lý, máy tính bảng, smartphone của các hãng này đều đang được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc.
Tuy nhiên cũng vì quá phụ thuộc nên giờ đây các hãng khó có thể rút chân dễ dàng khỏi quốc gia tỷ dân. Vấn đề đối với các công ty này là làm sao di chuyển được toàn bộ chuỗi cung ứng nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất sau này.
Theo phân tích của các chuyên gia, sự khó khăn của các hãng công nghệ là điều khá dễ hiểu vì một sản phẩm điện tử được cấu thành từ rất nhiều thứ, ví dụ như màn hình, camera, bộ nhớ,…Tất cả chúng đều được sản xuất riêng biệt trước khi được lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Hiện tại Trung Quốc chiếm tới 40% khối lượng hàng hóa thành phẩm trên thế giới. Do đó việc đa dạng hóa nguồn hàng sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc không phải là điều quá khó khăn đối với các công ty có tài liệu về quy trình sản xuất và lắp ráp hoàn thiện.
Nhưng điều đáng nói là có tới 60% mô-đun được sản xuất Trung Quốc. Đây mới chính là vấn đề gây khó dễ cho các hãng khi việc di chuyển các dây chuyền sản xuất mô-đun linh kiện này không hề đơn giản.
Trong khi đó linh kiện lại là một phần quan trọng không thể thiếu trong các mô-đun và phục vụ hoạt động lắp ráp thành phẩm. Để di chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện, bắt buộc chúng ta phải di chuyển cả một hệ sinh thái hỗ trợ đi kèm.
Đó là chưa kể sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng và dây chuyền sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các hãng công nghệ ở một đất nước khác ngoài Trung Quốc. Đặc biệt không nơi đâu có nguồn cung nhân lực dồi dào và tay nghề cao như Trung Quốc tại thời điểm này.
Nói đến đây để thấy, một khi các nhà cung ứng linh kiện vẫn tiếp tục duy trì sản xuất tại Trung Quốc, các hãng sẽ rất khó có thể đa dạng hóa dây chuyền.
Đã có những tín hiệu tích cực
Maharaj cho rằng, quy trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm thoát khỏi Trung Quốc của các hãng vẫn đang tiếp diễn. Chỉ có điều quy trình này tiến triển rất chậm.
Điều kiện tiên quyết là các hãng phải tích cực làm việc với chính quyền của các quốc gia, nơi họ muốn chuyển dây chuyền đến, ví dụ như Hàn Quốc, Đài Loan hay Việt Nam. Chỉ có như vậy tốc độ chuyển đổi và đa dạng hóa nguồn cung mới thực sự được đẩy nhanh hơn dự kiến.
Cuối cùng việc chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc không hẳn là cách tốt nhất để giảm rủi ro cho các công ty. Điều quan trọng là mỗi hãng cần có những chiến lược đối phó với khủng hoảng có thể xảy ra bất ngờ.
Theo nhật báo Nikkei, Google đang bắt đầu sản xuất dòng smartphone giá rẻ Pixel 4a mới. Nhiều tin đồn cho biết, Google sẽ sản xuất model này tại nhà máy ở Việt Nam vào tháng 4. Ngoài ra model cao cấp của hãng cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Google được cho đang âm thầm xây dựng dây chuyền sản xuất ở Thái Lan, phục vụ sản xuất các sản phẩm nhà thông minh.
Còn với Microsoft, gã khổng lồ xứ Redmond được cho sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính và desktop Surface tại Việt Nam trong Q2/2020. Trước đó cả hai công ty này đều đặt dây chuyền sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc.
Về phía Apple, công ty trị giá ngàn tỷ đô này đã bắt đầu thử dây chuyền sản xuất AirPods tại Việt Nam từ năm ngoái. Hãng cũng đang hối thúc các nhà cung ứng sớm chuyển từ 15-30% sản lượng từ Trung Quốc sang các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cả ba công ty hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào sau khi chuyên trang CNBC liên hệ phỏng vấn.
Tham khảo CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng