Ngay từ trước khi ra mắt iPhone, Apple đã vượt Nokia về khả năng cung ứng phần cứng nhờ cú đặt cược vào Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp hơn thế rất nhiều.
Năm 2007, hãng sản xuất điện thoại Thụy Điển Nokia có 900 triệu người dùng trên thế giới. Sự thống trị của họ mạnh đến mức tạp chí Forbes khi đó đã phải đăng bài trên trang bìa với câu hỏi: “Liệu có ai có thể đuổi kịp đế chế điện thoại này không?”.
Cùng năm đó, Apple cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên và chỉ 16 năm sau, đế chế của Steve Jobs với 1,2 tỷ người dùng đã biến Nokia thành quá khứ. Nhiều người khi đó cho rằng hãng điện thoại Thụy Điển không có đủ sức mạnh phát triển phần mềm cũng như tầm nhìn như nhà sáng lập Steve Jobs hay phù thủy thiết kế Jony Ive để có thể đánh trả.
Thế nhưng theo tờ Financial Times (FT), sản phẩm điện thoại cảm ứng với phần mềm vượt trội của Apple không phải thế mạnh duy nhất của nhà táo khuyết để soán ngôi Nokia. Đế chế của Steve Jobs được cho là đã vượt qua được cả Nokia về khả năng sản xuất phần cứng trước cả khi iPhone được chào bán. Để làm được điều đó là nhờ cú đặt cược mạo hiểm vào Trung Quốc.
Thay đổi cả một nền kinh tế
Chuyên gia nghiên cứu Kevin O’Marah nhớ lại sự bối rối của mình khi vào giữa năm 2007, Apple bỗng dưng chẳng hiểu từ đâu được xếp hạng thứ 2 trong Top 25 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng mạnh nhất thế giới “The Supply Chain Top 25”.
“Tất cả mọi người đều bất ngờ. Còn tôi thì kiểu: ‘Cái gì cơ? Điều này chẳng hợp lý chút nào. Họ chẳng có danh tiếng gì mấy trong ngành’”, ông O’Marah nhớ lại.
Thực tế thì bảng xếp hạng này là dấu hiệu báo trước cho sự thống trị của Apple trong 7 năm sau đó. Bên cạnh câu chuyện về tầm nhìn và phần mềm sản phẩm thì Apple đã thực sự đặt cả một ván cược lớn cho chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Nhiều người vẫn lầm tưởng Apple chỉ “thuê ngoài” (Outsourcing) tại Trung Quốc nhưng trên thực tế thì nhà táo khuyết đã đổ hàng tỷ USD cùng vô số tài nguyên để xây dựng một mạng lưới cung ứng, sản xuất phức tạp, có chiều sâu đến mức hiện giờ có muốn rút ra cũng khó.
Trong hơn 15 năm qua, Apple đã gửi những kỹ sư công nghệ và nhà thiết kế hàng đầu của mình đến Trung Quốc, đào tạo và phát triển các nhà xưởng trong hàng tháng trời. Chính những nhân viên này đã đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, đồng thiết kế để chuỗi cung ứng tại các nhà máy hoạt động ổn định.
Ngoài ra, Apple cũng chi tới hàng tỷ USD để xây dựng những thiết bị chuyên dụng cho hệ thống cung ứng của mình, đồng thời phát triển các thị trường ngách mà đối thủ của họ chưa hề để ý đến chứ đừng nói là cạnh tranh.
“Sự cạnh tranh của ngành công nghệ Trung Quốc hiện nay không phải tự nhiên mà có. Tất cả là nhờ sự đầu tư và thành công của Apple đã thúc đẩy tính cạnh tranh đó”, chuyên gia O’Marah nhận định khi nói về canh bạc của nhà táo khuyết không chỉ lật đổ đế chế Nokia mà còn thay đổi cả một nền kinh tế.
Tổng công trình sư của canh bạc này, Tim Cook đã được chính Steve Jobs lựa chọn là người kế vị CEO vào năm 2011. Chính Tim Cook là người đã tiên phong đẩy mạnh dịch chuyển sản xuất của Apple từ Mỹ sang Trung Quốc.
Thế nhưng nước đi thành công vượt trội này của Apple cũng để lại hệ lụy lớn nhất cho đế chế của Steve Jobs, đó là họ quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nơi mà luật chơi không hề giống như ở Mỹ.
Hiện hơn 95% số sản phẩm iPhone, AirPods, Macs và iPads của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chiếm đến 1/5 tổng doanh thu của nhà táo khuyết, vào khoảng 74 tỷ USD năm 2022. Điều này hầu như trái ngược hoàn toàn với đối thủ Samsung khi hãng này đã và đang cắt giảm mạnh hoạt động sản xuất ở Trung Quốc.
Thậm chí trong thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Apple vẫn tiếp tục đầu tư thêm vào thị trường này.
Theo FT, hậu quả của động thái này là CEO Tim Cook đang phải chịu sức ép từ chính phủ Mỹ nhằm dịch chuyển sản xuất bớt sang Việt Nam và Ấn Độ. Dẫu vậy, cuộc phỏng vấn với 25 chuyên gia cung ứng của FT, bao gồm 9 cựu giám đốc và kỹ sư của Apple cho thấy nhà táo khuyết hầu như chưa thể làm gì nhiều để rời bỏ Trung Quốc.
Tờ FT nhận định câu chuyện ở đây không chỉ đơn giản là dịch chuyển đi đâu thì tốt mà còn nằm ở ai sẽ chịu trách nhiệm cho thiệt hại này.
“Thế mạnh chuỗi cung ứng của Apple toàn là nhờ Tim Cook. Điều này có nghĩa đây là lỗi của chính vị CEO này và việc yêu cầu dịch chuyển đồng nghĩa các nhà lãnh đạo Apple cũng phải thừa nhận trách nhiệm của mình”, một cựu nhân viên Apple nói với FT.
iPhone là hàng nhanh “hỏng”?
Apple không phải là công ty Phương Tây đầu tiên thuê ngoài ở Trung Quốc. Tại thời điểm Tim Cook bắt đầu khai thác thị trường này vào năm 1998 thì HP hay Compaq đã có hoạt động tại đây.
Tuy nhiên khác với những tập đoàn đi trước khi chỉ chọn lựa từ những thứ sẵn có nhằm tiết kiệm chi phí và kiếm lợi nhuận nhanh chóng, Apple có lối đi riêng. Tim Cook đã biến đổi những thứ có sẵn ở Trung Quốc nhằm thiết kế thành một chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn của Apple, kết hợp tất cả các mảng thành một hệ sinh thái phức tạp với quy mô cực lớn nhưng vẫn có độ linh hoạt cao.
Trong bảng xếp hạng chuỗi cung ứng năm 2007, tất cả những công ty như P&G, Toyota hay Walmart đứng ở top 1 đều có mức điểm đánh giá lẫn nhau (Peer Ranking Score) cao ít nhất gấp đôi so với Apple ở top 2. Tuy nhiên khi so sánh về chỉ số quay vòng hàng tồn kho (Inventory Turns-Đo lường lượng hàng bán được so với tồn kho) thì Apple lại đứng đầu.
Chính bản thân CEO Tim Cook từng mô tả hàng tồn kho như một thứ “quỷ quái”, chẳng khác gì những sản phẩm điện tử của Apple sẽ nhanh hỏng sau vài ngày như hàng thực phẩm cả. Ngay tại thời điểm chưa ra mắt iPhone, tỷ lệ quay vòng hàng tồn kho của Apple đã cao hơn 2,5 lần so với Nokia và thậm chí là 12 lần so với Coca Cola.
Bên cạnh đó, Apple cũng đầu tư, hướng dẫn tận tay để xây dựng được một mạng lưới sản xuất có tính đổi mới cao, làm tiền đề cho sự bùng nổ công nghệ sau này của Trung Quốc. Trong khi đó, những tập đoàn đối thủ thời kỳ này chỉ đưa cho các nhà máy sản xuất một tờ đơn hợp đồng và yêu cầu họ “tự đi mà làm”.
“Apple đã đầu tư mạnh tay cho thiết bị nhiều hơn bất cứ công ty nào mà tôi từng thấy trên thế giới, thế nhưng họ lại không hoàn toàn sở hữu chúng mà đặt nó vào nhà máy của người khác để hình thành nên mạng lưới sản xuất cung ứng cho mình”, chuyên gia O’Marah nhớ lại.
Tờ FT cho biết tổng giá trị các thiết bị dùng cho sản xuất sản phẩm của Apple tại Trung Quốc đã tăng từ 370 triệu USD năm 2009 lên 7,3 tỷ USD năm 2012.
Cựu giám đốc Horace Dediu của Nokia và hiện đang là giám đốc marketing của Asymco nhận định con số năm 2012 cho thấy tổng giá trị thiết bị của Apple tại Trung Quốc còn cao hơn cả tổng giá trị các tòa nhà hay cửa hàng trên toàn cầu của Apple cộng lại.
Nhờ sự đầu tư mạnh tay này mà Apple đã cho ra đời những sản phẩm gây sốt cho người tiêu dùng. Ví dụ vào năm 2008, hãng ra mắt dòng MacBook Pro được sản xuất từ một khối (Block) thay vì tổng hợp từ nhiều phần khác nhau, điều mà theo nhà thiết kế Jony Ive của hãng là “ở một mức độ chưa bao giờ có trong ngành này”.
Để làm được điều đó, Apple sử dụng máy thiết kế 3D CNC. Thiết bị có giá 500.000 USD mỗi chiếc này đã được dùng nhiều thập niên nhưng do chi phí đắt đỏ nên thường chỉ để sản xuất những hàng mẫu chứ không được dùng sản xuất hàng loạt như nhà táo khuyết.
Theo FT, 3 cựu kỹ sư của Apple cho hay hãng đã mua hơn 10.000 máy CNC để thực hiện công cuộc sản xuất hàng loạt mà theo Steve Jobs gọi là “một cuộc cách mạng mới hoàn toàn để sản xuất Notebook”.
Ngay sau đó, Apple ứng dụng đà sản xuất điên rồ này với iPhone và iPad. Theo nguồn tin của FT, Apple đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất ô tô Fanuc để mua lại toàn bộ dây chuyền CNC của họ và nhà táo khuyết vẫn đang tìm kiếm thêm các thiết bị khác để gia tăng sản lượng.
“Các bạn có thể hiểu được rằng cho dù có toàn bộ máy CNC trên toàn thế giới cũng không đáp ứng đủ số lượng nhu cầu của chúng tôi. Từ năm 2009, chúng tôi chỉ sản xuất được 10.000 linh kiện thì sang năm đã là 500.000 và sang năm tiếp nữa là 1 triệu và cứ thế. Trong thời kỳ này, tiền đã không trở thành vấn đề khi công ty sẵn sàng chi lớn để gia tăng sản lượng”, nguồn tin của FT cho biết.
(Còn tiếp)
*Nguồn: FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng