Arevo Việt Nam: Từ "Tesla ngành xe đạp" với DA nhà máy in 3D lớn nhất thế giới tại Việt Nam, được Chủ tịch ACB mua ủng hộ đến tình cảnh dừng hoạt động

    Huyền Trang , Nhịp sống thị trường 

    Tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy là một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc xe đạp này.

    Arevo Việt Nam: Từ "Tesla ngành xe đạp" với DA nhà máy in 3D lớn nhất thế giới tại Việt Nam, được Chủ tịch ACB mua ủng hộ đến tình cảnh dừng hoạt động - Ảnh 1.

    Mới đây, dự án sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polyme sợi carbon của Arevo Việt Nam - Công ty TNHH Arevo Việt Nam của ông Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) và bà Lê Diệp Kiều Trang đã chấm dứt hoạt động được đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP).

    Không chỉ thế, trên trang gây quỹ cộng đồng Indiegogo, hai dự án sản xuất xe scooter và xe đạp hoàn toàn bằng sợi carbon của vợ chồng Sonny Vũ - Lê Diệp Kiều Trang là Scotsman All-Carbon Fiber Scooter và Superstrata Bike đều đã bị dừng hoạt động.

    Đây từng là một dự án startup công nghệ đột phá tại Việt Nam. Dự án này ở thời điểm đó khá thu hút, đặc biệt là dự án sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D với thương hiệu Superstrata.

    "Tesla của ngành xe đạp" và tham vọng xây nhà máy in 3D sợi carbon có quy mô lớn nhất thế giới ở Việt Nam

    Khi mới bắt đầu dự án, vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết muốn xây nhà máy in 3D sợi carbon có quy mô lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Các máy in 3D này sẽ được lắp ráp ở Việt Nam và các sản phẩm in 3D sợi carbon thế hệ mới khác cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam sau này.

    Ông Sonny Vũ cho biết thêm "Quý 1 năm 2021 sẽ có ít nhất 10 máy ở Việt Nam, và đến cuối năm sẽ có khoảng 120 máy. Sản xuất Superstrata sẽ cần khoảng vài chục máy và phần còn lại sẽ sản xuất sản phẩm khác."

    Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể trở thành hiện thực khi dự án này đã chấm dứt hoạt động.

    Năm 2020, vào giữa lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh, Avero quyết định giới thiệu Superstrata và được cộng đồng người dùng đón nhận rất tích cực, trở thành một hiện tượng kiểu "Tesla của ngành xe đạp".

    Theo giới thiệu của Avero, Superstrata là chiếc xe đạp có khung xe bằng sợi carbon nguyên khối với công nghệ in 3D tiên tiến. Với các xe đạp có khung bằng sợi carbon khác, nhà sản xuất phải "in" nhiều bộ phận khác nhau rồi ghép lại hoặc dán lại. Như vậy, khung xe bằng sợi carbon có thể nhẹ nhưng không vững, vì những mối nối sẽ dễ bị nứt khi có va chạm mạnh.

    Trong khi đó, khung xe của Superstrata không cần đinh, keo, không có mối nối mà là một chiếc khung xe bằng sợi carbon nguyên khối nên vừa nhẹ, vừa vững. Thêm vào đó, vật liệu dùng để làm khung xe Superstrata là vật liệu thế hệ mới, chuyên dùng để sản xuất thân vỏ máy bay nên độ bền của khung còn cao hơn nữa.

    Bên cạnh đó, xe này được in theo yêu cầu nên phù hợp với cơ thể của từng người.

    Trên website Superstrata, giá bán 1 chiếc xe đạp bản Classic là 2.800 USD (khoảng 66 triệu đồng) và giá bán 1 chiếc xe đạp bản Electric là 3.500 USD (khoảng 82 triệu đồng).

    Tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy là một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc xe đạp này.

    Arevo Việt Nam: Từ "Tesla ngành xe đạp" với DA nhà máy in 3D lớn nhất thế giới tại Việt Nam, được Chủ tịch ACB mua ủng hộ đến tình cảnh dừng hoạt động - Ảnh 2.

    Thành tích ấn tượng của Superstrata

    Khi mới ra mắt, Superstrata đã đạt được những thành tích ấn tượng. Ông Sonny Vỹ cho biết, ban đầu, mục tiêu công khai (publicy stated goal) là bán được sản phẩm ở dạng đặt trước với tổng trị giá 100.000 USD, nhưng chính thức thì mục tiêu là 3 triệu USD trong 60 ngày. Tuy nhiên, Superstrata đã đạt con số 3 triệu USD đó chỉ trong 13 ngày đầu tiên.

    Superstrata đã thực hiện một chiến dịch gọi vốn trên Indiegogo vào năm 2022 với mục tiêu ban đầu là thu được 100.000 USD nhưng con số đã nhảy lên mức gần 7,2 triệu USD. Ngoài ra, Superstrata còn huy động được 25 triệu USD từ nhà đầu tư.

    Arevo Việt Nam: Từ "Tesla ngành xe đạp" với DA nhà máy in 3D lớn nhất thế giới tại Việt Nam, được Chủ tịch ACB mua ủng hộ đến tình cảnh dừng hoạt động - Ảnh 3.

    Nguyên nhân dẫn đến phải chấm dứt dự án

    Được biết, nguyên nhân dẫn đến chấm dứt hoạt động của Arevo Việt Nam là vì nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường và do dịch bệnh mà công ty không còn khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển.

    Theo báo Lao Động, trong hồ sơ gửi ban quản lý SHTP, Tổng giám đốc Arevo Việt Nam Nguyễn Minh Thọ cho biết: "Arevo Việt Nam đã triển khai được các mục tiêu: xây dựng nhà máv sản xuất máy in 3D, sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in) nhưng công ty vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề cũng như triển khai các mục tiêu hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer (PEEK, Nylon…) dành cho in 3D và dịch vụ in 3D từ sợi carbon ”.

    Tuy nhiên, do vẫn chưa có quy định pháp luật rõ ràng để giải thích cụm từ “dịch vụ in 3D” trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp liệu có phù hợp với hoạt động của công ty hay không và việc giải thích áp dụng trong trường hợp này cần phải có quy trình tham vấn và lấy ý kiến từ Bộ Khoa học Công nghệ nên đến hiện nay Arevo Việt Nam vẫn chưa triển khai được mục tiêu hoạt động này của dự án.

    Bên cạnh đó, hiện Arevo cũng chưa thể sản xuất vật liệu sợi carbon - nguyên vật liệu chính trong việc tạo ra sản phẩm in bằng công nghệ 3D. Việc thu mua nguyên vật liệu từ bên thứ ba sẽ làm tổng chi phí tạo ra thành phẩm của Arevo Việt Nam quá cao, không thể cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực khác trên thị trường.

    Arevo cho biết thêm, việc chống chọi với dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài cũng đã làm doanh nghiệp không còn đủ khả năng để duy trì tiếp tục đội ngũ nghiên cứu và phát triển cho các vấn đề trên.

    Hiện tại, sau khi dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao TP.HCM chấm dứt, công ty sẽ tiến hành việc thanh lý dự án đầu tư theo quy định pháp luật về thanh lý tài sản, giải thể, phá sản tổ chức kinh tế và các quy định pháp luật có liên quan khác.

    Tuy nhiên, trước khi chấm dứt dự án, nhiều khách hàng đã phản ánh về những vấn đề kỹ thuật của chiếc xe Superstrata nhưng không được hãng giải quyết triệt để.

    Anh Trần Mạnh Hiệp (thường gọi là Cu Hiệp) – admin diễn đàn Tinhte.vn chia sẻ, vào tháng 7/2020, anh đã đặt mua một chiếc xe đạp Superstrata. Sau nhiều lần hãng thất hẹn giao hàng, đến tháng 8/2022, tức sau 2 năm, anh mới được nhận xe. Tuy nhiên sản phẩm mới ngay khi anh nhận về đã gặp lỗi.

    Arevo Việt Nam: Từ "Tesla ngành xe đạp" với DA nhà máy in 3D lớn nhất thế giới tại Việt Nam, được Chủ tịch ACB mua ủng hộ đến tình cảnh dừng hoạt động - Ảnh 4.

    Hình ảnh anh Hiệp cho biết cây ti không nhét vào được lỗ vốn được làm ra để nhét vào và không thể gắn được cái xe lên

    Trên nền tảng Indiegogo cũng xuất hiện nhiều bình luận về vấn đề giao hàng chậm trễ, trong đó có những đơn hàng từ năm 2020 và không nhận được phản hồi của hãng.

    Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang được biết đến như "cặp đôi vàng trong làng khởi nghiệp" của Việt Nam. Họ đã cùng nhau sáng lập và điều hành nhiều công ty khởi nghiệp, trong đó nổi bật như AgaMatrix (startup có doanh thu gần 100 triệu USD) và Misfit (cùng với John Sculley – cựu CEO Apple, và được mua lại với giá 260 triệu USD). Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng từng có vài tháng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như CEO Facebook Việt Nam, CEO GoViet (bây giờ là Gojek Việt Nam).

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày