ASRock Z170 Extreme4: Bo mạch ép xung tầm trung xuất sắc!

    Nội Tâm,  

    Hầu như toàn bộ các mặt của Z170 Extreme4 đều hoàn hảo từ hình thức, thiết kế cho tới linh kiện.

    Sau 4 năm mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng các người dùng máu me ép xung cũng đón nhận được tin vui từ Intel: Thế hệ bộ xử lý Skylake mới ra mắt mát hơn các lứa Sandy, Ivy và Haswell rất nhiều, dễ ép xung hơn hẳn. Nhờ vậy, các bo mạch chủ Z170 có khả năng ép xung cũng nhận được nhiều quan tâm hơn từ phía người dùng.

    Extreme4 là 1 trong những dòng bo mạch chủ dành cho game thủ của ASRock. Bắt đầu từ thế hệ Z77 đến nay, các sản phẩm Extreme4 luôn được game thủ và “ép xung thủ” đón nhận tích cực bởi tính cân bằng của nó. Tuy được định vị ở phân khúc ép xung trung cấp cùng mức giá dễ chịu, các mainboard Extreme4 luôn trang bị cặn kẽ tất cả “đồ chơi” mà OCer yêu cầu ở một bo mạch chủ dòng Z: Linh kiện bền bỉ, nhiều phase điện, đèn Led báo lỗi, nút Power và Reset tích hợp ngay trên bo mạch... Bản thân testlab của chúng tôi cũng đã sử dụng ASRock Z77 Extreme4 từ 3 năm nay, và chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về nó.

    Với giá tương đối đẹp, chỉ khoảng 4,5 triệu đồng, liệu ASRock Z170 Extreme4 có thuyết phục được người dùng như các thế hệ trước? Đó là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết này.

    ASRock Z170 Extreme4

    Được định vị trung cấp nên vỏ hộp của sản phẩm tương đối đơn giản.

    Điểm đáng nói là sản phẩm được đóng mác “MADE IN VIETNAM”, ra lò tại nhà máy của ASRock tại Bình Dương - nơi đang cung cấp việc làm cho hàng trăm lao động người Việt.

    Vỏ hộp nhấn đi nhấn lại vào “Super Alloy” - chuẩn linh kiện chất lượng cao được ASRock trang bị trên các sản phẩm dành cho game thủ, bao gồm:

    - Tản nhiệt cỡ lớn cho dàn phase điện và chipset.

    - Tụ vàng Nichicon 12K Platinum của Nhật, ít nhiễu hơn 33% so với tụ rắn thông thường.

    - Bo mạch sản xuất từ sợi thủy tinh: Cứng cáp, chống ẩm, chống ngắn mạch.

    Phụ kiện đi kèm đầy đủ các thứ cần thiết, gồm sách hướng dẫn, cầu SLI, chặn main và 4 cáp SATA3 6 GB/s. Hiện giờ người dùng đều có mạng internet và bỏ hẳn ổ đĩa quang nên ASRock không cung cấp đĩa cài driver nữa.

    Bắt đầu từ lứa Z97, ASRock đã chuyển hẳn sang nước mạch màu đen thay vì nâu-đen như trước, nhìn sang hẳn lên.

    Kích thước của main là full size ATX, bo mạch được làm từ sợi thủy tinh chống ấm, rất cứng cáp.

    Thay đổi lớn nhất trong thiết kế là việc có thêm phần giáp bọc rất ngầu cho khu vực các cổng I/O cho thiết bị ngoại vi, được ASRock quảng cáo là bảo vệ cho các cổng này. Tuy nhiên theo tôi nó chỉ có tác dụng trang trí mà thôi, được cái làm thêm phần giáp này nhìn main quả thật đẹp hẳn lên.

    Khu vực âm thanh cũng có giáp bảo vệ, thấp hơn phần giáp dành cho các cổng I/O.

    Được thiết kế hướng tới game thủ, phần âm thanh rất được ASRock chăm chút. Hãng trang bị chip âm thanh Realtek ALC1150 cao cấp, toàn bộ tụ âm thanh là loại audio chuyên dụng do Nichicon sản xuất. Âm thanh được chia làm 2 đường trước / sau, cả 2 đường đều có chip OP-AMP chuyên biệt, 1 đường dành cho nghe nhạc và 1 đường để nghe game.

    Như truyền thống của dòng Extreme, khu vực phase điện cũng là thứ được ASRock quan tâm coi trọng. Ở đây tôi đếm được 12 cuộn cảm, nhưng theo thông tin trên trang chủ thì Z170 Extreme4 có 10 phase điện chứ không phải 12. Số lượng này là cực kỳ xông xênh dù ép xung Core i5 hay Core i7.

    Đầy đủ cả choke lọc nhiễu đặt cạnh chân cấp điện 8 pin cho CPU.

    Tản nhiệt mosfet và chipset quay trở về với màu đen truyền thống, không phải xanh dương giống như Z97 nữa. Tản nhiệt mosfet có chiều cao hợp lý nhằm hạn chế khả năng chạm phải tản nhiệt khí, được xẻ nhiều rãnh để tiếp xúc với không khí nhiều hơn, tản nhiệt tốt hơn.

    Tản nhiệt chipset làm rất lớn, vừa có nhiệm vụ làm mát, lại vừa làm đẹp.

    Đối với Z170, số lượng khe RAM vẫn là 4, hỗ trợ bộ nhớ kênh đôi Dual Channel. Đa phần Z170 đều yêu cầu bộ nhớ DDR4, chỉ có 1 số ít hỗ trợ DDR3 như ASRock Z170 Pro4/D3 hay Z170 Gaming K4/D3.

    Các tai RAM phía dưới được làm kiểu cố định, không có chốt, đỡ vướng nếu dùng card đồ họa cao cấp.

    Khu vực khe PCI nhìn ưng mắt với 3 khe PCIe x16 chuẩn 3.0, hỗ trợ chạy SLI và CrossFireX 2 card ở chế độ x8 / x8 và 3 card ở chế độ x8 / x8 / x4. Khác với lứa Z97 trở về trước, khe PCIe x16 thứ ba tuy băng thông chỉ x4 nhưng lại là chuẩn 3.0, có thể “cân” được 3 card đồ họa cùng lúc. Ngoài ra còn có 3 khe PCIe x1 chuẩn 3.0 dành cho thiết bị gắn thêm như card sound, card wifi...

    Xen giữa các khe PCIe là một cổng Ultra M.2 dành cho ổ SSD chuẩn mới, tốc độ tối đa lên tới 32 Gb/s, nghĩa là gấp hơn 5 lần cổng SATA3.

    Là sản phẩm dành cho người dùng yêu thích ép xung, Z170 Extreme4 được trang bị tới 2 chip Bios, ép xung xịt chỉ cần gạt công tắc chuyển sang chip Bios kia để boot bình thường.

    Ngay dưới tản nhiệt chipset là đèn Led báo mã lỗi, nút Power và nút Reset dành cho người dùng benchtable.

    Tuy nhiên trong số 6 cổng SATA3 chỉ có 4 cổng được xoay ngang, 2 cổng còn lại nằm ở cạnh nút Reset. Đây có thể coi là một nhược điểm, khiến sản phẩm không hoàn hảo.

    Khu vực các cổng giao tiếp thì không có gì để chê cả, đầy đủ mọi cổng giao tiếp tiên tiến nhất hiện nay:

    - 1 nút Clear Cmos dùng trong trường hợp ép xung hỏng.

    - 1 cổng PS/2

    - 6 cổng USB 3.0

    - 1 cổng USB 3.1 Type-A

    - 1 cổng USB 3.1 Type-C

    - 1 cổng DVI-D, 1 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI.

    - 1 cổng RJ-45 LAN Port

    - 1 cổng sound quang Optical SPDIF

    - Các cổng audio

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z170 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-6600K

    Bộ nhớ trong: 4 x 4 GB Kingston HyperX DDR4, bus 2133

    Card đồ họa: Asus GTX 950 Strix

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: Cougar STX550

    Thử nghiệm hiệu năng

    Do thời gian được cầm CPU không nhiều, tôi chỉ kịp thử vài phép benchmark cơ bản ở các chế độ mặc định, tự động OC 4,6 GHz và tự động OC 4,8 GHz.

    Đầu tiên là chế độ mặc định. Xung nhịp khi tải nặng là 3,9 GHz - đúng như mức cao nhất mà Intel đưa ra.

    LinX 0.6.4 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark Vantage - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 11 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R11.5 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R15 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Kích hoạt chế độ tự động ép xung 4,6 GHz trong Bios. Hệ thống chạy hoàn hảo.

    LinX 0.6.4 - Tự động ép xung 4,6 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark Vantage - Tự động ép xung 4,6 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 11 - Tự động ép xung 4,6 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R11.5 - Tự động ép xung 4,6 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R15 - Tự động ép xung 4,6 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cuối cùng là mức tự động ép xung 4,8 GHz. Mức này tôi chỉ kịp test LinX 0.6.4 để kiểm tra độ ổn định, không kịp bench điểm vì phải trả CPU.

    LinX 0.6.4 - Tự động ép xung 4,8 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Kết luận

    Từ trước tới nay, ASRock Extreme4 luôn là dòng sản phẩm ép xung tầm trung khiến tôi thích thú nhất. Hầu như tất cả mọi mặt đều tốt từ hình thức cho tới các linh kiện như phase điện, các khe PCIe, âm thanh ăn chơi... các kiểu. Khu vực các cổng giao tiếp cũng cực kỳ ngon, có đầy đủ các chuẩn giao tiếp mới nhất hiện nay, ngay cả các bo mạch chủ đắt tiền cũng khó mà hơn được.

    Nhược điểm duy nhất theo tôi, là việc các cổng SATA không được xoay ngang toàn bộ, có 2 cổng không những hớ hênh mà còn nằm ở góc dưới của bo mạch vị trí đặt cổng SATA rất xấu. Thiết nghĩ nếu ASRock dời các chip Bios xuống góc main, lấy vị trí đó để đặt 2 cổng SATA này thì Z170 Extreme4 sẽ là một sản phẩm hoàn hảo.

    Hiện tại do chưa có CPU để tiếp tục nghịch nên tôi chưa xác định được công lực ép xung của Z170 Extreme4 tới cỡ nào, chỉ biết kích hoạt chế độ ép xung tự động 4,8 GHz hệ thống vẫn chạy rất ổn định. Sau 2 tuần nữa khi được các sếp cấp cho CPU chuyên để review mainboard, tôi sẽ quay lại vọc vạch tiếp.

    Giá tham khảo: 4.569.000 VNĐ

    Ưu:
    - Kích thước full-size ATX, to nạc.
    - Chất lượng linh kiện tốt, board mạch làm từ sợi thủy tinh chống ẩm, cứng cáp.
    - Tông màu đẹp và lì.
    - Có 10 phase điện Digi VRM, tha hồ ép xung không lo thiếu điện.
    - Âm thanh cao cấp, đường nghe nhạc và đường nghe game cho chất âm riêng biệt.
    - Hỗ trợ SLI hoặc CrossFireX tới 3 card đồ họa.
    - Tích hợp đủ 3 nút Power / Reset / Clear Cmos và đèn Led báo lỗi cho OCer.
    - Giao tiếp Back Panel I/O đầy đủ các cổng cần thiết nhất hiện nay.
    - MADE IN VIETNAM!

    Nhược:
    - Chỉ có 4 cổng SATA được xoay ngang, 2 cổng còn lại nằm ở vị trí rất xấu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày