(GenK.vn) - Sau động thái “đánh tiếng” đầu năm nay của Viettel, giờ đây 2 nhà mạng lớn còn lại là Vinaphone và Mobifone đều cho biết đang cân nhắc tham gia vào cuộc chơi OTT, dù có thể là ở các mức khác nhau.
Đầu năm nay, Phó Tổng giám đốc Viettel (nay đã nhậm chức Tổng giám đốc) Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố việc Viettel đang muốn mua lại một công ty OTT. Khi ấy, phát ngôn của ông Hùng là sẽ mua Kakao Talk hoặc các công ty OTT khác. Thậm chí “Việc đàm phán mua Kakao Talk đã gần hoàn tất” theo trả lời của ông Hùng trên VnExpress. Một số nguồn tin trong giới công nghệ thì cho rằng ứng dụng OTT Viettel sản xuất “đã tới những bước thử nghiệm cuối cùng trước khi tung ra thị trường”.
Mobifone cũng vừa cho biết hãng đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ OTT và hiện đang chờ sự cho phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó, Vinaphone cũng tiết lộ trên báo giới về việc sẽ tham gia OTT, thông qua hình thức mua lại ứng dụng OTT hoặc tự sản xuất.
Bối cảnh đẩy các nhà mạng tới với cuộc chơi OTT là do doanh thu các dịch vụ chính như thoại và nhắn tin trên thuê bao của nhà mạng ngày càng giảm, người tiêu dùng thì ngày càng dùng nhiều ứng dụng OTT hơn trong việc liên lạc của mình. Cuối năm trước các nhà mạng than thở OTT đã khiến họ mất vài trăm tới vài ngàn tỷ mỗi năm. Trong khi đó, ở phía ngược lại, các doanh nghiệp cung cấp OTT như Viber, Zalo, LINE… liên tục đưa ra những con số người dùng gia tăng 300% đến 500% chỉ trong một năm.
Sự xuất hiện và mở rộng của OTT là một nguyên nhân khiến giá 3G vừa tăng vào cuối năm trước, và có thể gia tăng trong năm nay. Các nhà mạng cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chính sách quản lý OTT. Bộ Thông tin Truyền thông khuyến khích các nhà mạng và doanh nghiệp OTT ngồi lại với nhau để hợp tác, coi đó là cách giúp người dùng được hưởng lợi ích tối đa của sự phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, dường như nhà mạng và các công ty OTT vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc hợp tác giữa các doanh nghiệp là điều khá khó khăn. Một đại diện nhà mạng cho rằng các doanh nghiệp dường như đang coi nhà mạng là đại lý, kênh bán hàng cho các ứng dụng OTT. Khi mà các ứng dụng OTT muốn giữ việc miễn phí các tin nhắn trên các và chỉ đồng ý chia sẻ doanh thu của các dịch vụ kinh doanh trên tin nhắn này như bán quảng cáo, bán sticker,… theo VnEconomy.
Trên thế giới, các ứng dụng OTT đang trong bước tiếp theo. Một số doanh nghiệp OTT lớn bị thâu tóm như Whatsapp, Viber với giá hàng tỷ USD, còn một số ứng dụng khác thì đang xem xét lại chiến lược kinh doanh. Ở một số nước như Ấn Độ, Singapore,… các nhà mạng cũng đưa ra hợp tác với các ứng dụng OTT bằng cách thu phí sử dụng với người dùng OTT, đưa ra gói cước dùng OTT với dung lượng miễn phí lên tới 1GB/ngày hoặc chia sẻ doanh thu với các ứng dụng OTT.
Như vậy, rất có thể người dùng sẽ chứng kiến “cuộc chiến” giữa OTT của nhà mạng và OTT của các doanh nghiệp trong năm nay. Liệu người dùng có hưởng lợi nhiều hơn từ sự cạnh tranh này?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng