Bài học để đời từ những cú sảy chân của các ông lớn

    Yến Thanh,  

    Năm 2015, thương hiệu điện thoại Nokia đã bị xóa sổ, HTC và Sony lần lượt dẫn nhau đến bờ vực nguy hiểm.

    Năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều biến chuyển trong làng công nghệ thế giới nói chung, và thị trường di động nói riêng. Đây là thời điểm ghi nhận sự thống trị của 2 tên tuổi như Apple và Samsung. Nhưng cũng đồng thời ghi nhận những cú xảy chân đáng tiếc từ các ông lớn như Nokia, HTC hay Sony. Từ đây, chúng ta có thể nhìn ra những bài học đắt giá đối với 3 thương hiệu di động đình đám này.

    Nokia: Khi đổi mới là quá muộn

    Dường như có một luật bất thành văn trong ngành công nghệ, đó là những công ty hàng đầu rồi cuối cùng cũng sẽ mất đi vị trí thống lĩnh của họ một cách nhanh chóng và bất ngờ. Nokia, hãng điện thoại danh tiếng, một trong những câu chuyện thành công nhất trong ngành công nghệ của châu Âu, không nằm ngoài quy luật đó khi trong năm 2015 này, Nokia đã chính thức biến mất trên thị trường di động.

    Còn nhớ vào năm 2007, Nokia chiếm hơn 40% doanh số bán hàng điện thoại di động trên toàn thế giới. Song lịch sử đã sang trang, những khách hàng ngày nay đã chuyển sang những smartphone cảm ứng. Với việc Apple liên tục tung ra iPhone trong những năm qua, thị phần và doanh số của Nokia đã sụt giảm chóng mặt. Kết quả là đến cuối năm 2013, Nokia đã phải bán mảng di dộng cho Microsoft.

    Sai lầm lớn nhất của Nokia đó là đã chọn Windows Phone của Microsoft làm hệ điều hành duy nhất cho dòng điện thoại thông minh của mình. Trong số rất nhiều lựa chọn, hãng đã quyết gắn bó số phận của mình với Microsoft. Dù nhận thấy dấu hiệu suy tàn, nhưng phản ứng của hãng là quá chậm chạm khi công ty này không thể thích ứng được với những đổi mới nhanh chóng trong ngành công nghệ.

    Ngoài sự bảo thủ, hãng đã quá say mê với những thành công trước đó của công ty để có thể nhận ra rằng thay đổi là cần thiết. Để cứu vãn, Nokia cũng bắt tay vào việc triển khai một chương trình cắt giảm nhân sự tuyệt vọng, với việc cho hàng nghìn người nghỉ việc. Nhưng điều đó đã góp phần phá hỏng truyền thống của hãng, vốn khuyến khích người làm chấp nhận rủi ro để làm nên những điều phi thường.

    Những thủ lĩnh giỏi khăn áo ra đi mang theo tầm nhìn và định hướng phát triển của hãng. Do đó, bài học ở đây vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện đổi mới, nhưng đó là phải theo kịp được những phát kiến mới. Nói cách khác, các tập đoàn lớn cần liên tục làm mới chính mình, đồng thời tìm ra những ý tưởng táo bạo và hiện thực hóa chúng thành những sức mạnh tiềm tàng.

    HTC: Ngại đổi mới?

    Sự ra đời của hệ điều hành Android chính là đòn bẩy đưa HTC trở thành một trong những hãng sản xuất smartphone thành công nhất trong giai đoạn từ 2008 tới 2012. Trước khi hợp tác với Google để cho ra mắt chiếc smartphone chạy Android đầu tiên, HTC lúc này vẫn biết đến là tập đoàn chuyên sản xuất điện thoại thông minh chạy nền tảng Windows Mobile của Microsoft.

    Tiềm năng to lớn của Android với gã khổng lồ Google đứng đằng sau, đã khiến cho HTC quyết định gạt Windows Mobile sang một bên, chuyển mục tiêu và cuối cùng thành quả là chiếc HTC G1 - smartphone Android đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là phản ứng nhanh nhạy từ chính Google và HTC trong việc sử dụng Android để đối đầu với iPhone, cùng iOS lúc bấy giờ.

    Trong đó, đỉnh cao của HTC phải kể tới chiếc smartphone HTC One M7. Về cơ bản, đây được xem là một làn gió mới cho thị trường di động thế giới. Chiếc HTC One M7 được trang bị vỏ nhôm cao cấp thay vì chất liệu polycarbonat nguyên khối. Đẹp và rất lạ là những gì người ta ấn tượng đầu tiên về One M7. Nói không ngoa khi cho rằng nó khác biệt rất nhiều so với các kiểu dáng rất chung chung của smartphone lúc bấy giờ.

    Thế nhưng, lần lượt sau đó, các siêu phẩm của hãng sản xuất Đài Loan như One M8 hay One M9 đều phải chịu chung một số phận: thất bại ê chề, do dư âm của mẫu One M7 quá lớn. Thậm chí, ngay cả khi chiếc One M8 không thành công về mặt doanh số, HTC vẫn lờ đi dấu hiệu cảnh báo, mà tiếp tục tung ra chiếc One M9 với ngoại hình gần như không khác biệt.

    Kết quả là trong báo cáo tài chính Q3/2015 vừa qua, các nhà đầu tư đã phải nóng mặt với nhà sản xuất Đài Loan. Khi trong quý này, HTC đạt doanh thu 660 triệu USD, giảm 7% so với quý trước đó và giảm tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, HTC đã phải cắt giảm khoảng 15% lao động, và bán nhà máy tại Thượng Hải cho một nhà sản xuất giấu tên của Trung Quốc.

    Sony: Đi đâu và về đâu?

    Khi CEO của Sony, ông Kazuo Hirai hé lộ về chiếc Z5 tại triển lãm IFA ở Berlin, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, cuối cùng thì gã khổng lồ điện tử Nhật Bản cũng sản xuất được một chiếc smartphone thực sự tốt, có thể cạnh tranh được với các đối thủ cao cấp khác trên thị trường. Với tên gọi Z5 Premium, sản phẩm hãnh diện vinh danh là smartphone màn hình 4K đầu tiên trên thị trường.

    Thế nhưng, vô hình chung, Sony lại chỉ mang tới sự hụt hẫng cho các tín đồ yêu thích thương hiệu Nhật Bản bấy lâu. Bởi so với các phiên bản tiềm nhiệm đi trước, thế hệ Xperia Z5 lại không mấy khác biệt vè mặt ngoại hình. Thay đổi lớn nhất chỉ nằm ở chiếc Z5 Premium có giá bán đắt đỏ mà rất ít người dùng có thể chạm tay. Thậm chí, từng có thời điểm người ta cho rằng, Sony đã cạn ý tưởng.

    Hệ quả là trong năm nay, mảng di động của Sony vẫn tiếp tục dự báo lỗ 480 triệu USD và đang buộc phải tái cấu trúc. Buộc CEO của Sony, ông Kazuo Hirai phải khẳng định, năm 2016 sẽ là một năm vô cùng quan trọng đối với công ty này. Đây có thể là một năm có sự thay đổi lớn đối với mảng kinh doanh smartphone, hoặc là đột phá tăng trưởng, hoặc là sẽ không còn gì cả.

    Ngoài ra, một tín hiệu cũng khá bất lợi với nhà sản xuất Nhật Bản trong thời gian vừa qua, chính là thị trường Mỹ, nới có biên độ nâng cấp, giao dịch smartphone lớn nhất cũng không có bất cứ nhà mạng nào lựa chọn các sản phẩm của Sony. Điều này cho thấy, mảng di động của công ty không chỉ bị người dùng hắt hủi, mà còn chịu sự dè bỉu của nhiều nhà mạng lớn.

    Trên thực tế, Sony vẫn quyết định giữ lại mảng di động. Bởi trong thời gian gần đây, công ty đã công bố kế hoạch về việc xây dựng một nhà máy sản xuất smartphone mới tại Thái Lan với mức đầu tư 8,3 triệu USD. Đặc biệt hơn, công xưởng mới của Sony sẽ sản xuất từ A tới Z: bao gồm việc sản xuất chip, lắp ráp thành phần và hoàn thiện, đóng gói thiết bị trước khi bán ra thị trường.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày