Bài học Volkswagen: Thương hiệu xe lớn, có nhiều tiền nhưng vẫn chẳng thể làm ra được một chiếc ô tô điện hoàn hảo
Không phải cứ là thương hiệu lớn, chi nhiều tiền, sản xuất được xe xăng là có thể thành công với ô tô điện bởi thách thức lớn nhất của mảng này lại là công nghệ phần mềm, yếu tố mà nhiều hãng xe truyền thống không có lợi thế.
- Argo AI - Startup xe tự hành vừa tuyên bố giải thể: Huy động được hàng tỷ USD từ Ford lẫn Volkswagen, đến Amazon cũng từng khao khát hậu thuẫn
- Volkswagen chế tạo ghế văn phòng nhiều công nghệ như xe hơi: Có thể chạy với tốc độ 20km/h, trang bị cả dây an toàn, còi, camera 360 độ
- Sếp Volkswagen: Nhiều ông lớn "mất ngủ" khi bỏ xăng làm điện - Vingroup đã đi trước 1 bước
- Chân dung DN vừa hợp tác cùng VinFast: Nhà sản xuất pin Trung Quốc đầu tiên niêm yết, là đối tác chính của Volkswagen, vốn hoá thị trường hơn 10 tỷ USD
- Vingroup bổ nhiệm cựu Phó chủ tịch Volkswagen Mỹ làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu
Anh Branden Flasch mua một chiếc xe điện ID4 của Volswagen vào năm 2021 và mọi thứ đều hoàn hảo, ngoại trừ phần mềm. Hệ thống giải trí, các nút điều khiển trên màn hình cũng như việc tích hợp với điện thoại thông minh của ID4 là cả một cơn ác mộng.
Tờ The Verge cho hay anh Flasch gặp khó khăn khi muốn kết nối Apple CarPlay với chiếc xe cũng như cảm thấy phiền toái khi sử dụng hệ thống nút bấm. Khi quay xe, chỉ một cú quệt tay nhẹ trên phần nút bấm của vô lăng là đã có thể khởi động những chương trình không mong muốn.
Trên thực tế, anh Flasch không phải khách hàng duy nhất phàn nàn về phần mềm của những chiếc xe điện Volkswagen. Ngay cả hãng cũng đã hứa hẹn cập nhật những bản vá lỗi nhưng mãi chả thấy đâu.
Bản thân Flasch không phải là tay mơ trong mảng xe điện bởi ông đã sở hữu vài chiếc, bao gồm cả Tesla Model S. Nghề chính của Flasch cũng là làm video trên Youtube về trải nghiệm với xe điện.
Thế nhưng ngay khi có người hỏi mua lại chiếc ID4 với giá chưa đến 1.200 USD, anh Flasch đã bán ngay lập tức để đổi lấy một chiếc ô tô khác.
“Thật ra không có nhiều dòng xe điện tốt được như ID4. Về cơ bản chiếc xe này khá tốt nhưng phần giải trí và phần mềm thì dở tệ. Volkswagen rõ ràng đã chậm chân hơn trong khoản phần mềm so với những ông lớn xe điện cùng ngành”, anh Flasch nói.
Nỗi đau "phần mềm"
Vấn đề phần mềm xe điện tại Volkswagen nghiêm trọng đến mức đã góp phần khiến CEO Herbert Diess bị sa thải. Người lên thay là ông Oliver Blume thì phải tổ chức hẳn một cuộc họp cấp cao với hội đồng quản trị vào ngày 15/12/2022 để bàn về giải pháp cho phần mềm ô tô điện.
Cuộc chạy đua xe điện đang khá căng thẳng khi vô số hãng xe cũng như những startup non trẻ nhảy vào ngành này và chỉ một sai lầm nhỏ cũng sẽ làm nới rộng khoảng cách. Bởi vậy CEO Blume hiểu rằng nếu làm sai thì mình cũng sẽ dễ dàng ra đi như người tiền nhiệm.
Mặc dù vậy, tờ The Verge nhận định vấn đề phần mềm không phải chỉ của riêng Volkswagen mà là của nhiều hãng xe hơi muốn gia nhập cuộc chơi với Tesla và Rivian. Những chiếc xe điện là sự kết hợp giữa nhà sản xuất ô tô và một công ty phần mềm, do đó các hãng xe truyền thống sẽ nhận ra việc dịch chuyển sang mảng mới không đơn giản như họ nghĩ.
Theo The Verge, xe điện không đơn giản chỉ là một sản phẩm mới về công nghệ mà nó còn là cuộc cách mạng cả về phương thức sản xuất.
“Rõ ràng phần mềm cũng như sự tương tác của người dùng với xe điện sẽ trở thành trọng điểm của các hãng sản xuất. Xu thế hiện nay không phải là cứ hơn thua về các bộ phận của xe như động cơ là giành được ưu thế. Thay vào đó chính phần mềm cũng như trải nghiệm của người dùng với xe điện mới là yếu tố cốt lõi làm nên thành công”, giám đốc phân tích Paul Waattii của AutoPacific nhận định.
Đối với tập đoàn Volkswagen, chủ sở hữu của hàng loạt thương hiệu lớn như Audi, Porsche, Ducati hay Bentley, đồng thời là hãng xe lớn nhất nhì thế giới ngang ngửa Toyota thì câu chuyện giải quyết phần mềm để phát triển xe điện đang cực kỳ bức thiết.
Tập đoàn này đã cam kết sẽ chấm dứt sản xuất xe xăng truyền thống tại Châu Âu vào năm 2035, đồng thời lên kế hoạch xây dựng 6 siêu nhà máy ắc quy điện tại đây, đủ cung ứng cho hàng triệu ô tô điện mỗi năm. Chính Volkswagen đã thừa nhận hãng xe điện hóa toàn bộ sản phẩm của mình, kể cả những dòng xe thể thao hạng sang nhằm bắt kịp xu thế.
Ngoài ra, tập đoàn cũng kỳ vọng kiếm được nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm với bán xe hơi và chúng có gắn bó mật thiết với phần mềm của những chiếc xe. Ví dụ như các tính năng kết nối thiết bị, lưu trữ dữ liệu, tích hợp thương mại điện tử, trợ lý ảo...đều có tiềm năng hái ra tiền cho Volkswagen nếu biết cách tận dụng.
Chiếc xe đáng ghét?
Trong thế giới xe điện, “phần mềm” có thể liên quan đến nhiều thứ, từ các chương trình điều khiển những chức năng phức tạp của xe như hỗ trợ lái tự động, quản lý pin, điều hướng xe, cập nhật phiên bản mới hay tương tác với những thiết bị khác. Thậm chí đó có thể là hệ thống thông tin giải trí cũng như tích hợp điện thoại.
Thế nhưng tờ The Verge cho biết Volkswagen thiếu vắng tất cả những điều trên cho phần mềm chiếc xe của mình.
Ví dụ như chiếc ID3 bán tại thị trường Châu Âu, dòng anh em với chiếc ID4 tại Mỹ, đã bị trì hoãn khi ra mắt vì vấn đề phần mềm. Những dòng xe ID khác của Volkswagen cũng nhận về các lời phàn nàn ở Trung Quốc khi hệ thống màn hình thông tin đột ngột tắt.
Tại Mỹ, vô số người dùng xe ID đã báo cáo các sự cố như màn hình thông tin không phản hồi, hiển thị thời gian sạc bị sai, chỉ số áp suất lốp khi bơm không chính xác, đầu sạc không mở khóa, lỗi khi tích hợp điện thoại thông minh cùng vô số những vấn đề khác.
Theo chuyên gia Will Kaufman của hãng bán xe Edmunds, họ đã phát hiện vô số lỗi phần mềm kể từ khi mua thử chiếc ID4 bản 2021 vào tháng 3/2022 để thử nghiệm.
“Có quá nhiều lỗi và vấn đề không mong muốn”, ông Kaufman thừa nhận.
Tất nhiên, việc phải chạy đua gấp gáp với vô số người chơi mới trên thị trường là một phần nguyên nhân khiến hãng xe có tên tuổi lớn như Volkswagen chưa thể làm tốt. Suy cho cùng, việc từ bỏ sản xuất xe xăng truyền thống để chuyển sang một lĩnh vực mới là điều không dễ dàng.
Hiện nay trên thị trường ngoài ID4 và ID3 của Volkswagen còn có RAV4 của Toyota, Mustang Mach E, Huyndai Ioniq 5, KIA EV6 đều trong cùng tầm giá và nhắm đến cùng một phân khúc khách hàng. Bởi vậy việc chạy đua cho ra mắt xe điện trước nhằm nhận diện sản phẩm với người dùng là điều vô cùng quan trọng, trong khi mảng kỹ thuật có thể dần cải tiến sau.
Nỗi sợ
Chuyên gia Kaufman của Edmunds nhận định một chiếc xe điện thường được tích hợp rất nhiều công nghệ mới và đây là lý do phần mềm trở nên vô cùng quan trọng khi nó không chỉ mang tính giải trí mà còn điều khiển nhiều phần của thiết bị, máy móc, động cơ trong chiếc xe.
Đồng quan điểm, giám đốc Waattii của AutoPacific cho biết mảng phần mềm không phải là thế mạnh của các hãng xe hơi truyền thống và họ đều đang lo sợ trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp công nghệ thay vì là người chơi chính.
Đây là lý do Volkswagen nhất quyết phát triển hệ thống phần mềm của mình dù chưa hoàn chỉnh và nhận lại nhiều lời phàn nàn. Công ty không muốn trở thành một doanh nghiệp chỉ cung ứng động cơ hay các linh kiện cho một hãng công nghệ sản xuất xe điện chỉ bởi vì phần mềm.
Trong khi đó, một số hãng xe khác lại chấp nhận giao hệ thống phần mềm cho đối tác chuyên nghiệp nhằm đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng bất chấp rủi ro bị phụ thuộc trong tương lai. Ví dụ Volvo và Polestar đã hợp tác với phần mềm Android Automotive của Google cho dòng xe điện UX của mình. Hãng Ford cũng sẽ dùng Android cho hệ thống phần mềm xe điện vào năm sau.
Câu chuyện một hãng xe hơi nên chú trọng vào sản xuất xe hay phát triển cả phần mềm đang gây tranh cãi lớn, nhất là khi những hãng công nghệ như Apple cũng muốn nhảy vào thị trường để sản xuất một chiếc “iCar”.
*Nguồn: The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng