John Sculley có thể đủ "cáo già" để đuổi Steve Jobs ra khỏi Apple nhưng lại ngây thơ đến mức trao vũ khí cho phép Bill Gates có thể đè bẹp Macintosh.
Một vị CEO hung hãn...
Cuối năm 1985, cả Microsoft và Apple đều đã từ bỏ kế hoạch bắt tay đưa Mac OS thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới nhằm lật đổ vị thế của IBM PC và MS-DOS. Lúc này, doanh số Mac đã tụt dốc thê thảm và Apple buộc phải giữ lại hệ điều hành của mình để làm vũ khí chống lại các đối thủ cạnh tranh. Microsoft cũng đã ra mắt Windows trong... thất bại ê chề khi phiên bản 1.0 có chất lượng quá kém so với các hệ điều hành khác, bao gồm cả Mac.
Jean Louise Gassée, người tiếp quản bộ phận Macintosh và LISA từ tay Steve Jobs
Jean Louise Gassée có thể không mảy may phiền lòng về Windows. Nhưng John Sculley, CEO của Apple, người đã đuổi cổ Steve Jobs khỏi Apple thì khác. Windows có thanh menu gần như giống hệt Mac. Windows thậm chí còn có một menu đặt tên là "Special" để quản lý đĩa cứng, đĩa mềm y hệt như Mac. Windows có 2 phần mềm Write và Paint, đều là bản sao của các phần mềm được Apple cài đặt sẵn cho hệ điều hành của mình.
Nói cách khác, Windows dù kém cỏi hơn nhiều nhưng vẫn có quá nhiều yếu tố copy từ Mac. Sculley coi điều này là không thể chấp nhận được, bởi trước đó chính Apple đã cung cấp cho Microsoft rất nhiều mẫu Macintosh chưa hoàn thiện cũng như mã nguồn Mac để tối ưu 2 phần mềm Word và Multiplan (tiền thân của Excel) trên nền tảng này.
Một vị CEO có đủ quyền lực để đuổi cổ Steve Jobs ra khỏi chính công ty do ông sáng lập ra chắc chắn sẽ không thể chấp nhận để một "chú bé tí hon" như Microsoft copy hệ điều hành Mac một cách trắng trợn đến vậy. Năm 1983, Microsoft chỉ thu về vỏn vẹn 25 triệu USD doanh thu. Con số Apple đạt được là 1 tỷ USD.
Ngay lập tức, Sculley hạ lệnh cho luật sư của Apple đến tận trụ sở Microsoft để kiện Bill Gates về vấn đề bản quyền Mac.
... nhưng thiếu quyết đoán
Bill Gates hẳn nhiên không vừa lòng với quyết định của Sculley. Nhà sáng lập Microsoft cũng không thiếu cơ sở để chứng minh rằng Apple đã sai: quá trình phát triển Interface Manager/Windows đã bắt đầu từ trước khi Apple gửi các phiên bản mẫu của máy Mac sang Microsoft. Thêm nữa, Microsoft đã mua bản quyền một số thành phần GUI từ Xerox, bao gồm cả giao diện tương tự như desktop được sử dụng trên mẫu Xerox 8010. Chính Xerox mới là tác giả thực sự của giao diện đồ họa GUI, bởi Steve Jobs lên ý tưởng cho hệ điều hành Mac từ sau khi đến thăm công ty này. Apple cũng đã mua bản quyền GUI từ Xerox với khoản cổ phiếu tương đương 100 triệu USD.
Song, Bill Gates cũng hiểu rằng các rắc rối pháp lý giữa hai bên sẽ là không có lợi cho một công ty nhỏ bé như Microsoft. Lúc này, vai trò quan trọng của Office được phát huy.
Theo lời kể của nhiều nguồn tin, Gates đã trực tiếp gọi điện cho Sculley và tuyên bố rằng nếu Apple định kiện Microsoft thì "Tôi phải được biết, vì chúng tôi chắc chắn sẽ ngừng phát triển tất cả các sản phẩm Mac. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng tìm ra cách hòa giải vấn đề này. Máy Mac rất quan trọng với chúng tôi và cả doanh số của chúng tôi nữa".
Lúc đó, Word và Multiplan được cho là đã góp phần mang lại 2/3 doanh số cho máy Mac. Sculley buộc lòng phải xuống nước và chấp nhận gặp gỡ cả Bill Gates lẫn luật sư của Microsoft.
Buổi gặp gỡ trực tiếp giữa hai bên tại trụ sở Cupertino của Táo đã diễn ra vô cùng căng thẳng. Sculley không muốn ngừng buổi họp mà không có lấy một lời xin lỗi từ phía Microsoft, còn Microsoft thì cũng muốn hợp tác với Apple trong công cuộc quảng bá bộ phần mềm Office lúc này đang mang lại lợi nhuận áp đảo so với DOS và Windows.
Có nhiều lý do để hai bên phải tránh một cuộc "tử chiến" tại tòa án. Gates đang chuẩn bị đưa Microsoft lên sàn chứng khoán, còn Sculley thì phải ra mọi cách để hồi sinh cho máy Mac.
Cuối cùng, Sculley đã chấp nhận nhượng quyền các yếu tố "đồ họa hiển thị" cho Microsoft sử dụng trên các phần mềm được phát triển từ Windows 1.0. Về phần mình, Gill Gates đồng ý sẽ tiếp tục phát triển các phần mềm dành cho Mac và cũng hứa sẽ không phát hành Excel, phiên bản cải tiến vượt trội của MultiPlan, lên bất cứ hệ điều hành nào ngoài máy Mac trong vòng 2 năm.
Thỏa thuận giữa hai bên được ký kết vào ngày 22/11 năm 1985, tức là đúng một tuần sau ngày phát hành Windows 1.0.
Tình cảnh đối nghịch của Mac và Windows
Ngay sau sự kiện này, Sculley đã tiến hành một đợt cải tổ rộng khắp để biến Apple trở thành một tập đoàn có cấu trúc rõ ràng, điều hành bởi các vị lãnh đạo sẵn sàng chịu trách nhiệm với hành động của mình thay vì thả nổi như thời kỳ của Steve Jobs và Steve Woz. Hàng loạt các dự án phát triển sản phẩm mới có mục đích không rõ ràng đã bị khai tử, ví dụ như BigMac – chiếc workstation chạy một hệ điều hành "lai" giữa Macintosh và Unix. Kế hoạch cải tổ của Sculley nhanh chóng mang lại những hiệu quả tích cực cho một doanh nghiệp đang trong giai đoạn trưởng thành, và đến năm 1987 thì lãi ròng của Apple đã tăng gấp đôi so với 1985.
John Sculley được báo giới và Phố Wall tán thưởng nhờ thành tựu nổi bật này. Thậm chí, vị cựu CEO của Pepsi còn được hy vọng sẽ trở thành người kế nhiệm ghế nóng tại Kodak.
Trái ngược hẳn với sự khỏi sắc của máy Mac là doanh số ảm đạm của Windows. Phiên bản Windows 1.0.1 chỉ có duy nhất một ứng dụng "đỉnh" là Aldus Pagemaker. Gần như không một người dùng PC nào cài đặt Windows cả.
Nhưng đúng vào thời điểm John Sculley và Apple "lên mây" thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Ngày 1/11/1987, Microsoft phát hành Windows 2.0.
Cú sốc của Sculley
Dù xuất thân là một người "bán nước đường" (theo lời của Steve Jobs) nhưng Sculley vẫn có thể dễ dàng nhận ra rằng Windows 2.0 là một bản cải tiến vượt bậc của Windows 1.0. Phiên bản hệ điều hành Microsoft mới có các cửa sổ có thể chồng lên nhau, có tính năng đa nhiệm và cũng có môi trường lập trình hướng đối tượng thông qua OLE.
Quan trọng hơn, Windows 2.0 sở hữu 2 vũ khí quan trọng từng là của riêng Apple: Word và Excel. Thời hạn 2 năm dành cho Excel đã hết và Microsoft cũng vừa kịp hoàn thiện phiên bản Word cho Windows. Một loạt các công ty khác như Aldus, Corel và Microtek cũng tham gia phát triển ứng dụng cho hệ điều hành mới của Bill Gates.
Với Sculley, Windows 2.0 giống Macintosh một cách đáng ngạc nhiên. Theo vị CEO của Táo và gần như toàn bộ đội ngũ pháp lý của Apple vào lúc đó, các điều khoản ký kết vào tháng 11/1985 chỉ cho phép Microsoft sử dụng các yếu tố đồ họa Macintosh trên Windows 1.x và không bao gồm các phiên bản sau.
Khác với lần trước, lần này Apple đệ đơn kiện Microsoft mà không nói trước với Bill Gates lấy một câu. Đơn kiện ngày 17/3/1988 của Apple cáo buộc Microsoft đã vi phạm bản quyền của 189 yếu tố "đồ họa hiển thị" trên Macintosh. Ngay cả bộ phần mềm NewWave do HP phát triển trên nền Windows cũng bị Apple mang ra tòa.
Cái may của Bill Gates
Bill Gates.
Vụ kiện của Apple khiến cho danh tiếng của Microsoft và Windows bị hủy hoại. Các công ty phát triển phần mềm cho Windows lo sợ rằng nếu như Microsoft thua kiện, tất cả các sản phẩm dành cho Windows của họ sẽ trở nên vô dụng. CEO của Borland còn khẳng định thông tin về vụ kiện này giống như là "tỉnh dậy và phát hiện ra rằng người tình của bạn có thể đã nhiễm AIDS".
May mắn thay cho Bill Gates, vụ kiện kéo dài trong vòng hơn một năm và kết thúc vào ngày 17/3/1988 với phán quyết rằng thỏa thuận giữa hai bên vào năm 1985 đã bao gồm 179 trong số 189 yếu tố đồ họa được Apple mang ra tranh chấp. Phần lớn trong số 10 yếu tố còn lại cũng không vi phạm quyền trí tuệ của Apple theo quy định của luật pháp Mỹ: ý tưởng không thể được mang ra đăng ký bản quyền và trong vụ kiện này, gần như toàn bộ các yếu tố đồ họa được Apple đưa ra đều có thể coi là ý tưởng.
Đến ngày 24/8/1993 vụ kiện này mới chính thức ngã ngũ, song kết quả thì đã quá rõ ràng. Bill Gates đã hạ đo ván John Sculley.
Kết quả của vụ kiện này khiến cả bộ sậu Apple lẫn các fan Táo sốc nặng. Ít người tin được rằng Sculley đã vô tình cho phép Bill Gates thoải mái copy giao diện Mac chỉ để đổi lấy Excel và Word. Trong nỗ lực tuyệt vọng, Apple đâm đơn kháng cáo lên tòa án tối cao tại Mỹ nhưng bị từ chối xét xử.
Lịch sử đang lặp lại?
MacWorld 1997. Steve Jobs trở lại Apple với màn hình chiếu ảnh Bill Gates và 150 triệu USD tiền vốn từ Microsoft.
Bạn chắc hẳn đã biết về phần còn lại của câu chuyện. Mỗi phiên bản Windows ra mắt sau đó đều được cải tiến vượt bậc so với phiên bản trước, và đến Windows 95 thì Microsoft chính thức trở thành tập đoàn thống trị thế giới công nghệ nói riêng và cả thế giới nói chung. Đáng tiếc rằng gã khổng lồ phần mềm đã không thể bắt kịp các cuộc cách mạng di động do Steve Jobs khởi xướng sau khi trở lại lãnh đạo Apple vào năm 1997. Thành công của iMac, iPod, iPhone, MacBook và iPad giúp cho Apple vươn lên trở thành công ty có trị giá số 1 thế giới.
Nhưng mối quan hệ giữa Apple và Microsoft sau thời đại Sculley cũng không còn tồi tệ như trước. Ít người nhớ rằng vào năm 1997, Microsoft đã "bơm" 150 triệu USD tiền vốn vào Apple, một động thái có lẽ là để xoa dịu các nhà chống độc quyền. Đây là khoản tiền cần thiết để Steve Jobs có thể tiếp tục quá trình phát triển iMac – thành công đầu tiên tạo nền tảng cho iPod và iPhone sau này.
Đến thời đại iPhone, sau khi Steve Jobs tuyên bố "thánh chiến" chống lại Android thì sản phẩm của Microsoft cũng có chỗ đứng tốt hơn trong hệ điều hành của Táo. Ví dụ, Bing đang được lựa chọn làm bộ máy tìm kiếm bên trong Siri.
Tại sự kiện ra mắt iPad Pro – nỗ lực đảo chiều suy thoái tablet của Apple, Microsoft lại được mời lên sân khấu. Và sản phẩm Microsoft được Apple lựa chọn để quảng bá cho sức hấp dẫn của iPad Pro không gì khác ngoài bộ ứng dụng Microsoft Office.
Lịch sử liệu có lặp lại? Apple ngày nay vẫn đang là một công ty phần cứng và Microsoft vẫn là một công ty phần mềm, dù rằng phần mềm Microsoft ngày nay đang ngày một chuyển dịch lên mây thay vì ở lại với PC hay Mac. Thị trường phần cứng của năm nay đang có những dấu hiệu suy giảm đáng báo động, nhưng đó lại là tín hiệu mừng để Microsoft đẩy mạnh doanh số đám mây, vốn có một phần quan trọng là Office 365.
Đúng là Microsoft đang thua kém Apple cả về doanh thu lẫn trị giá vốn hóa. Nhưng liệu Office có giúp công ty của Bill Gates vượt qua công ty của Steve Jobs thêm một lần nữa, khi cả hai nhà sáng lập này đều đã không còn ở lại với "con cưng" của mình? Hãy cùng chờ xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng