Bạn có biết cái tên Bluetooth bắt nguồn từ một vị vua Viking sống cách đây 10 thế kỷ?
Tại sao chuẩn kết nối không dây tầm ngắn mà lại lấy tên là "Răng xanh" nhỉ?
Bluetooth.
Cái tên quen thuộc đã ở bên ta ngót nghét 20 năm rồi. Chúng ta đã thấy logo của nó xuất hiện ở gần như mọi thiết bị di động và phụ kiện quanh ta – tai nghe Bluetooth, loa Bluetooth, kể cả bàn chải đánh ranh Bluetooth nữa.
Tương tự như những cách gọi của các sản phẩm mà ta tiếp xúc hằng ngày, ta thường chẳng bao giờ “động não” tới việc lý do tại sao mà chúng lại có cái tên đó. Một cốc café Frappuccino là một cốc Frappuccino vì nghe cái từ đó rất ngon lành phải không? Thực ra, đó là sự kết hợp của frozen (đông lạnh) và cappucinno đấy. WiFi là một từ khá bắt tai cho “thế lực tối quan trọng” duy trì truy cập mạng internet cho bạn nhỉ? Thế nhưng nó là từ viết tắt của Wireless Fidelity (Hệ thống mạng không dây sử dụng sóng vô tuyến).
Vậy còn Bluetooth thì sao? Đâu là lý giải cho công nghệ giúp bạn trao đổi dữ liệu như “bắn” ảnh, “bắn” nhạc ở tầm gần giữa các thiết bị tầm gần?
Hóa ra, Bluetooth được đặt theo tên của một vị vua người Scandinavia thời thế kỷ thứ 10.
Harald "Blåtand" Gormsson là vị vua Viking đã thống trị Đan Mạch và Na Uy từ năm 958 đến năm 985. Ông đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong suốt quãng thời gian mà mình trị vì, tuy nhiên người ta nhớ tới ông vì công lao đưa cả Đan Mạch và Na Uy trở thành một đất nước thống nhất.
Gormsson cũng nổi tiếng vì chiếc răng “chết” của mình bởi màu sắc kỳ lạ màu xanh đậm ngả xám của nó. Chiếc răng này được nhiều người biết đến tới mức họ đặt cho ông biệt danh là Blåtand, dịch ra tiếng Đan Mạch có nghĩa là Bluetooth (răng xanh).
Thế nhưng đâu là mối tương quan giữa công nghệ không dây cho phép bạn sử dụng thiết bị ở chế độ rảnh tay khi lái xe?
Hơn 1 thiên nhiên kỷ sau, đến năm 1996, khi mà công nghệ sóng tầm ngắn mới chỉ chớm nở mà thôi – Intel đã có một phần mềm gọi là Biz-RF, công ty truyền thông Thụy Điển Ericsson có MC-Link và Nokia có Low Power RF. Ba gã khổng lồ này nhanh chóng nhận ra cách tốt nhất để đưa công nghệ này phát triển trong ngành công nghiệp và tránh sự chia rẽ nhỏ lẻ, đó là tạo ra một chuẩn không dây duy nhất.
Tháng 12 năm đó, đại diện của mỗi công ty đã tổ chức một cuộc họp mặt tại nhà máy Ericsson ở Lund, Thụy Điển để lên kế hoạch phát triển một chuẩn công nghệ chung cho tất cả. Trước khi bắt đầu, họ quyết định rằng họ cần một mật danh dành cho dự án này khi nó còn đang trong quá trình “thai nghén”.
Đại diện của Intel, Jim Kardash gợi ý rằng nên lấy tạm cái tên Bluetooth, và ông đã lý giải điều này một cách hết sức hợp lý và đơn giản.
“Vị vua Harald Bluetooth … được biết tới vì đã thống nhất Scandinavia, cũng tương tự như chúng ta đang ngồi đây, quy tụ những “anh cả” trong làng PC và điện thoại để cùng chung tay tạo ra một kết nối không dây tầm ngắn,” ông viết trong một bài blog của mình.
Sau đó, khi công nghệ này gần được hoàn thành và đã đến lúc phải lựa chọn một cái tên chính thức, Kardash giải thích rằng Bluetooth thậm chí chưa từng được đưa vào danh sách “đề cử”.
Hai ứng cử viên nặng ký nhất là RadioWire (do Intel đưa ý kiến) và PAN (viết rắt của Personal Area Networking, do IBM đề xuất).
Vào tháng 4, chúng tôi tổ chức cuộc họp mặt và lấy ý kiến cũng như bầu ra cái tên chính thức, người thắng cuộc là PAN với tỷ lệ 4-1. Vào thời điểm này, tất cả mọi người đều sử dụng cái tên PAN, và chúng tôi đã quyết định đồng ý lấy cái tên này cho sự kiện ra mắt nó diễn ra vào 4 tuần tiếp theo.
Khoảng 1 tuần sau, chúng tôi đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn. Các thành viên trong công ty đã kiểm tra xem từ khóa PAN đã bị lấy hay chưa, và nhận thấy rằng đây là một sự lựa chọn tồi cho một thương hiệu: đã có tới 10.000 kết quả cho PAN mà họ thậm chí còn chưa đăng ký thương hiệu.
Và hóa ra cũng chẳng ai để ý hay ngó ngàng gì đến cái tên dự bị Radio Wire, nên nó cũng đã bị lấy mất. Cuối cùng, chỉ còn sót lại đúng cái tên Bluetooth là họ có thể dùng cho buổi “trình làng” sản phẩm!
Và câu chuyện về nguồn gốc của cái tên Bluetooth chưa dừng lại ở đây. Một khi công nghệ này được chính thức ra mắt, nó cũng cần phải có Logo riêng biệt.
“Thế không phải logo của Bluetooth chỉ là chữ B viết ở font chữ của những năm 90 thôi hay sao?” nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc như vậy.
Không, sai bét nhè rồi.
Logo chữ B đó thực chất là nét bút của vị vua Blåtand trên những phiến đá cổ ở Đan Mạch.
Ra là vậy đấy. Bluetooth được gọi là Bluetooth bởi vì những nhà phát triển thời đấy là những kẻ “mọt sách” thích lịch sử, và chẳng nghĩ ra cái tên nào hay ho hơn cả.
Chẳng ai ngờ đến, phải không?
Theo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng