Bạn có biết lý do đằng sau mối quan hệ ngày càng nồng ấm đến giật mình của Microsoft và Apple?
Nếu Steve Jobs còn sống, không biết ông sẽ nghĩ như thế nào về việc Tim Cook cho phép các nhà phát triển sử dụng Windows có thể tạo ra ứng dụng iOS mà không cần đến máy Mac.
Tại sao ư? Hãy nhìn vào một số tuyên bố đặc biệt được Microsoft công bố tại sự kiện BUILD 2016 vừa qua.
Đầu tiên, với phiên bản Xamarin mới, lập trình viên có thể tạo ra ứng dụng iOS mà không cần đến máy Mac. Microsoft khẳng định Apple đã "cho phép" với quyết định này. Từ trước đến nay, phát triển ứng dụng cho nền tảng của Apple mà không có máy Mac là chuyện bất khả thi. Rõ ràng là Apple đang có ý ưu ái cho công cụ code của Microsoft.
Nhưng ở phía ngược lại, Microsoft cũng ra mắt Visual Studio cho macOS. Điều này có nghĩa rằng lập trình viên cho các nền tảng của Microsoft không còn phải cài Windows lên MacBook hay iMac nữa. Rõ ràng là Microsoft cũng có ý ưu ái cho hệ điều hành của Apple.
Kể cả vào thời điểm 20 năm trước, khi Steve Jobs nhận tiền của Bill Gates để hồi sinh Apple với tuyên bố rằng "Đã qua lâu rồi cái thời để Apple thắng thì Microsoft phải thua", chắc chắn cũng không có ai dám nghĩ rằng Microsoft và Apple lại có ngày thân thiết đến thế. Hãy nhớ rằng, Windows có copy ý tưởng từ Macintosh. Chính sự trỗi dậy mạnh mẽ của Windows là lý do Apple rơi vào cảnh khốn đốn trong thập niên 90. Trong quá khứ, hai gã khổng lồ này có đầy đủ lý do để "bóp chẹt" nền tảng của đối thủ.
Ấy vậy mà ngày nay dùng macOS phát triển phần mềm cho Windows cũng dễ như dùng công nghệ Microsoft để phát triển app cho cả iOS, Windows lẫn Android.
Đây không phải là những dấu hiệu nồng ấm duy nhất trong mối quan hệ của hai kẻ cựu thù. Sau khi lên nắm quyền CEO, điều đầu tiên Satya Nadella làm là đưa Office - sản phẩm sống còn của Microsoft - lên iPad. Các ứng dụng đỉnh của Microsoft sau đó cũng ưu tiên iOS hơn hẳn Android. Còn Apple tại buổi lễ ra mắt iPad Pro cũng mời hẳn phó tổng của Microsoft đến demo Office. Bộ máy tìm kiếm mặc định bên trong Siri là Bing; iCloud cũng chạy trên Azure của Microsoft.
Đằng sau mối quan hệ đang ngày một nồng ấm hơn là sự thay đổi của Microsoft.
Microsoft không cần tiền bản quyền
Microsoft của quá khứ sống bằng bản quyền phần mềm, đặc biệt là bản quyền hệ điều hành. Apple thì sống bằng cả doanh số phần cứng lẫn chất lượng hệ điều hành - sự tín nhiệm của iFan đối với macOS và iOS là lý do tối quan trọng để mua MacBook, iPhone và iPad. Chiến lược kinh doanh này đặt Apple và Microsoft vào thế đối nghịch: người dùng càng thích macOS thì càng ít mua Windows. iPhone bán càng chạy thì Windows Phone càng ế ẩm (dĩ nhiên, Android cũng có phần không nhỏ).
Nhưng từ khi Satya Nadella lên nắm quyền, nguồn sống từ người tiêu dùng phổ thông của Microsoft bắt đầu tách dần khỏi khái niệm "chi phí bản quyền". Minh chứng rõ rệt nhất: Windows 10 được miễn phí hẳn 1 năm! Office ngày nay cũng có phiên bản miễn phí trên trình duyệt.
Thay cho chi phí đã mất, Microsoft sẽ tìm nguồn sống từ đám mây. Microsoft có thể kiếm tiền trực tiếp từ người dùng Office 365 hoặc gián tiếp từ các ứng dụng, doanh nghiệp sử dụng Azure và các dịch vụ khác. Bán được 1, 2 bộ key Windows không còn là quan trọng nữa: tôn chỉ của Microsoft lúc này là đem công nghệ dưới nền của mình đi phổ biến càng sâu rộng càng tốt. Bất kể là một ứng dụng có động tới Azure hay Cognitive Services dưới nền hay một người dùng đang sử dụng Office 365 trên ChromeBook, Microsoft đều được hưởng lợi.
Satya Nadella còn chẳng màng tới hàng trăm triệu đô tiền bản quyền Windows 10, vậy tại sao lại phải ép một vài developer phải cài Windows lên máy Mac của họ? Điều Microsoft cần nhất là đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho cộng đồng các nhà phát triển .NET, Azure, SharePoint. Xét tới sự ưu ái được giới developer dành cho Mac, phiên bản Visual Studio dành cho Mac là một bước đi quá thông minh của Satya Nadella.
Ở phía còn lại, Apple chắc hẳn cũng hiểu ý nguyện của Microsoft. Đem Office 365 lên Mac và iPad chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho cả Apple lẫn Microsoft. Xét cho cùng, Apple đâu có ham hố tìm danh hiệu "Office Killer" cho iWorks?
Còn Xamarin ư? Developer ngày nay ai cũng muốn đem ứng dụng lên đa nền tảng, và Apple không cần phải tạo ra thêm trở ngại cho các công nghệ như Xamarin: xét cho cùng, điểm nổi trội của trải nghiệm ứng dụng iOS nằm ở cách tối ưu phần cứng và các công nghệ cốt lõi của iOS. Ưu ái công nghệ phát triển đa nền tảng của Microsoft sẽ không thể khiến khoảng cách giữa Android và iOS bị xóa nhòa trong ngày một ngày hai.
Sự kết hợp hoàn hảo
Quan trọng hơn, Tim Cook chắc hẳn cũng hiểu rõ ràng rằng Microsoft là một công ty phụ trách các công nghệ nền tảng phía dưới, còn sức hấp dẫn của Apple nằm ở những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với người dùng như phần cứng và ứng dụng. Apple không quan tâm đến nền tảng đám mây hay tìm kiếm, vậy nên đem Azure và Bing làm nền cho iCloud và Siri rõ ràng là có lợi cho công ty của Tim Cook. Tại sao lại tự phát triển một đám mây của riêng mình trong khi "bạn cũ" Microsoft luôn sẵn sàng chào đón?
Thực tế là nguồn sống của 2 gã khổng lồ này chưa bao giờ "vừa khít" hơn lúc này. Dùng nền tảng của Microsoft, Apple sẽ bớt phụ thuộc vào đối thủ di động lớn nhất - Google. Chen chân lên sân nhà của Apple, Microsoft sẽ có thêm chỗ đứng để đấu lại các mảng tìm kiếm và AI của Google.
Cùng bắt tay để bỏ đi cái gai trong mắt, tại sao không?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng