Bạn có biết, ý tưởng về Alexa - ngôi sao sáng nhất CES 2017 - đã có từ lâu trên Doraemon
Không chỉ mô tả về một trí tuệ nhân tạo thông minh như Alexa, tác giả của bộ truyện còn đề cập cả đến các nguy cơ mà AI đó có thể gây ra cho người dùng nữa.
Hội chợ hàng điện tử CES 2017 là thời điểm chứng kiến sự lên ngôi của một ngôi sao giấu mặt, một đại diện cho xu hướng điện toán mới của tương lai: trợ lý ảo Alexa của Amazon. Không còn giới hạn mình trong hình hài chiếc loa Echo của Amazon, người ta đã thấy bóng dáng của Alexa ẩn trong những chiếc đèn, chiếc radio, tivi, máy hút bụi hay thậm chí cả trong ô tô. Tất cả đều để mang đến cho bạn một trải nghiệm mới về đồ gia dụng, trải nghiệm điều khiển bằng giọng nói.
Có thể xem đây là một trải nghiệm đột phá cho người dùng trong tương lai, khi bạn có thể điều khiển mọi vật trong gia đình mà thậm chí không cần đụng tay vào chúng. Nhưng nếu quay ngược thời gian một chút, bạn có tin rằng trải nghiệm của một tương lai trong mơ này đã được nhắc đến từ lâu trong truyện Doraemon không?
Alexa tích hợp trong tủ lạnh thông minh của LG.
Một tương lai được báo trước
Trong một tập truyện Doraemon ngắn, cậu bé Nobita đã được người bạn của mình, người máy Doraemon, cho một hộp các hạt robot dùng để điều khiển đồ vật. Khi được gắn hạt robot đó vào, mỗi đồ vật vô tri sẽ biến thành một con robot có thể điều khiển và ra lệnh bằng giọng nói. Và quả thật, Nobita đã nhanh chóng tạo nên một thế giới giống như chúng ta đang kỳ vọng ngày nay.
Cậu gắn hạt robot đó vào máy hút bụi, máy cắt cỏ, xô lau nhà, thậm chí cả tủ lạnh, radio và chiếc ghế xoay cậu đang ngồi nữa. Từ đây, Nobita có thể ra lệnh bằng giọng nói cho chiếc máy hút bụi, máy cắt cỏ hoạt động khi nào cần, có thể yêu cầu chiếc radio bật bài nhạc mà mình thích, thậm chí yêu cầu chiếc ghế tự động đưa mình đi khắp nơi trong căn nhà nữa….
Có thể thấy, hạt robot đó chẳng khác gì trợ lý ảo Alexa trong chiếc loa Echo mà chúng ta đang có ngày nay. Tất nhiên, Alexa không có quyền năng để biến một đồ vật vô tri thành một robot thông minh như trong truyện mô tả. Nhưng với những sản phẩm được trang bị trí tuệ nhân tạo này, gần như bạn có thể làm được mọi điều trong truyện mô tả.
Bạn có thể bật chiếc đèn thông minh C của hãng GE Lamp chỉ bằng cách gọi “Alexa” vào chiếc loa Echo. Bạn quá mệt mỏi với việc phải tìm chiếc bản điều khiển, phải nhớ số kênh của chương trình TV mà mình yêu thích? Hopper DVR là giải pháp cho bạn, Alexa trong chiếc tivi này cho phép bạn chuyển kênh chỉ bằng cách gọi tên chương trình mình muốn xem vào chiếc loa Echo. Có thể là ESPN, Game of Thrones, hay thậm chí chỉ cần nói “tìm các phim của Matt Damon.”
Chiếc đèn thông minh C của GE Lamp.
Chiếc router wifi của Eero còn cho phép bạn định vị thiết bị trong nhà của mình đang ở đâu, dựa trên vị trí kết nối gần nhất với chiếc router. Bạn chưa thể bắt chiếc tủ lạnh mang một chai nước đến cho mình, nhưng bạn đã có thể ra lệnh cho nó thay đổi nhiệt độ làm lạnh hay tự động đặt mua thức ăn với chiếc tủ lạnh thông minh của LG.
Các hãng ô tô như Ford hay Volkswagen cũng đang tích hợp Alexa lên sản phẩm của họ, trước mắt bạn có thể đóng mở cửa xe, tìm kiếm các thông tin về đường đi trên bản đồ, thời tiết, các địa điểm, nhưng biết đâu trong tương lai, bạn cũng có thể điều khiển xe qua Alexa thì sao? Trên thực tế, Jason Goecke, một lập trình viên đã viết ra những dòng code cho phép anh gọi chiếc Tesla Model S tự đi ra khỏi garage của mình chỉ bằng câu lệnh “Ask KITT.”
Những rủi ro của tương lai
Có lẽ đây cũng không phải lần đầu tiên, bộ truyện Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio đưa ra các dự báo chính xác về tiến bộ của công nghệ trong tương lai, nhưng điều thú vị hơn là với công nghệ hạt robot trong truyện của mình, tác giả còn đưa ra cả các dự báo về rủi ro cho việc lạm dụng chúng.
Trong tập truyện này, anh chàng Nobita lười biếng của chúng ta đã lạm dụng chúng quá đến mức những robot thông minh đó đã nổi loạn đuổi đánh anh chàng này chạy bán sống bán chết, nhưng liệu Alexa có thể làm thế với chúng ta? Có thể không, nhưng trí tuệ nhân tạo này hoàn toàn có thể gây ra phiền toái cho chúng ta như câu chuyện dưới đây.
Một cô bé 6 tuổi tại Dallas, Texas vào đầu tháng Một vừa qua, sau khi xem tivi đã hỏi chiếc loa Echo trong gia đình rằng: “Bạn có thể chơi nhà đồ chơi với mình và lấy cho mình một nhà đồ chơi không?” Chiếc loa thông minh coi đây như một mệnh lệnh và nhanh chóng đáp ứng nó bằng cách đặt mua một chiếc nhà KidKraft Sparkle, giá 150 USD trên Amazon, và được tặng kèm thêm gần 2kg bánh quy đường nữa.
Bộ đồ chơi mà Alexa tự động đặt mua sau khi nghe yêu cầu từ cô bé 6 tuổi.
Chỉ đến khi món hàng được gửi tới nhà, bố mẹ mới biết về đơn hàng này. Dù vậy, thay vì trả lại cho Amazon (công ty vẫn có chính sách hoàn lại tiền cho các đơn hàng do trẻ con đặt khi nghịch điện thoại hoặc máy tính), bố mẹ cô bé đã quyên góp chiếc nhà đồ chơi đó cho một bệnh viện nhi địa phương, và điều chỉnh lại các thiết lập của chiếc loa thông minh này.
Một tương lai khi quanh nhà bạn đầy các thiết bị robot thông minh như vậy có thể không còn xa nữa, và có thể những tai nạn hy hữu sẽ không còn hiếm gặp.
Nguy hiểm hơn, trong tương lai đó, khi một kẻ ác ý nào đó muốn gây hại cho bạn, có thể kẻ đó sẽ nghĩ đến việc ghi âm lại giọng nói của bạn và đặt cạnh chiếc loa thông minh này. Có lẽ trong tương lai, bạn sẽ không chỉ lo mất các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính vào tay kẻ xấu, bạn cần thận trọng với cả giọng nói của mình nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng