"Chúng tôi hy vọng phương pháp của mình sẽ giúp giảm tải tình trạng sử dụng kháng sinh một cách “điên loạn” như hiện nay"
Hôm nay, tất cả chúng ta đang sống giữa một cuộc khủng hoảng y tế về thuốc kháng sinh. Đã từng là những viên "thần dược" của y học hiện đại, nhưng thuốc kháng sinh đang mất dần tác dụng. Chúng liên tục bị lạm dụng trong nhiều thập kỷ, bất chấp lời cảnh báo của các chuyên gia y tế.
Đóng góp vào "cơn ác mộng" này là hơn 30% toa thuốc kháng sinh được kê trong trường hợp không cần thiết, theo dữ liệu của Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Nguyên nhân đến từ việc ngay cả các bác sĩ cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn hay virus.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đến từ Đại học Stanford, Hoa Kỳ có thể là lối thoát cho tình trạng này. Theo đó, chỉ trong vòng 3 năm tới, họ có thể cho ra đời một xét nghiệm máu nhanh trong vòng 1 giờ, có khả năng chỉ ra cho các bác sĩ biết liệu bệnh nhân có thực sự cần kháng sinh hay không.
Trong vòng 3 năm tới, một xét nghiệm máu mới có thể đóng góc tích cực vào cuộc chiến với kháng kháng sinh
“Khi một bệnh nhân tới phòng khám, những triệu chứng gây ra bởi virus và vi khuẩn thường trông giống hệt nhau”, Tiến sĩ Timothy Sweeney đến từ Đại học Stanford, tác giả nghiên cứu cho biết.
Ví dụ, khi bạn bị viêm họng, có thể đó là hậu quả của việc nhiễm khuẩn Streptococcus. Nhưng biết đâu, chỉ là triệu chứng của cảm lạnh do virus. Thiếu các công nghệ chẩn đoán, bác sĩ thường kê cho bạn một đơn thuốc với kháng sinh dự phòng. Đó chính là nguồn gốc của 30% đơn kháng sinh không cần thiết đang góp phần gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.
Như vậy, yêu cầu đặt ra lúc này chính là những công nghệ chẩn đoán hiệu quả. Tiếp cận hướng nghiên cứu này, tiến sĩ Sweeney và đồng nghiệp đã phát triển một xét nghiệm máu mới, cho phép phân biệt mầm bệnh gây ra các triệu chứng giống nhau thực sự là virus hay vi khuẩn.
Đáng chú ý, xét nghiệm chỉ đòi hỏi một lượng máu cực ít. Chưa đến một giọt máu và trong vòng 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ sẽ biết được liệu bệnh nhân của mình có thực sự cần kháng sinh hay không.
Ngay cả các bác sĩ cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn hay virus
Để làm được điều này, tiến sĩ Sweeney và đồng nghiệp đã phải sàng lọc một cách rất kỹ lưỡng các nghiên cứu trước đây. Khi các nhà khoa học xác định được từ hàng chục cho đến hàng trăm gen có liên kết với tình trạng nhiễm virus và vi khuẩn, Sweeney phân tích các dữ liệu này trên gần 20 nhóm bệnh nhân.
Bệnh án của họ lần lượt thể hiện một phổ lớn các bệnh nhiễm khuẩn và virus khác nhau, từ cảm lạnh đến sốt xuất huyết, sốt siêu vi và nhiễm trùng tai… Đối chiếu và sàng lọc, tiến sĩ Sweeney có thể xác định được 7 gen đặc biệt có phản ứng khác nhau với bệnh nhiễm khuẩn và virus.
Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm trùng, 4 gen trong số đó sẽ hoạt động tích cực hơn bình thường. Chúng chịu trách nhiệm sản sinh ra một số phân tử để hệ thống miễn dịch sử dụng nhằm bảo vệ cơ thể. Trong khi đó, nếu nhiễm virus, sự hoạt động mạnh mẽ đến từ 3 gen khác. Chúng sẽ sản sinh ra nhiều protein hơn.
Vì vậy, chỉ cần đo được sự hoạt động của 7 gen này trong mẫu máu, tiến sĩ Sweeney và đồng nghiệp của ông có thể chỉ ra căn bệnh gây ra bởi tác nhân là vi khuẩn hay virus.
Chưa đến một giọt máu và trong vòng 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ sẽ biết được liệu bệnh nhân của mình có thực sự cần kháng sinh hay không
Để chứng minh phương pháp của mình làm việc, các nhà khoa học đã thử nghiệm nó với gần 100 mẫu máu của các bệnh nhân nhiễm trùng máu. Xét nghiệm đã xác định chính xác 90% các trường hợp bệnh gây ra bởi vi khuẩn và 55% gây ra bởi virus.
Chưa phải là một tỷ lệ tuyệt đối, nhưng tiến sĩ Sweeney nói rằng họ sẽ kết hợp nó với một phương pháp xét nghiệm khác. Nó cũng được phát triển bởi chính nhóm nghiên cứu của ông trước đây. Hai xét nghiệm chắc chắn sẽ cho kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, thử nghiệm cũng sẽ cần được tiến hành trên mẫu bệnh phẩm lớn. Tiến sĩ Sweeney đặt mục tiêu trong vòng 3-4 năm có thể đưa công nghệ của mình tới các bệnh viện. Trong đó bao gồm cả mục tiêu rút ngắn thời gian xét nghiệm từ 4-6 tiếng hiện nay xuống còn 1 giờ đồng hồ.
Trong bối cảnh có tới 1 phần 3 trong tổng số 154 triệu đơn kháng sinh được kê một cách không cần thiết ở Mỹ mỗi năm, tiến sĩ Sweeney hy vọng rằng phương pháp của mình có thể đóng góp đáng kể vào cuộc chiến với kháng kháng sinh. “Rất nhiều chuyên gia y tế đánh giá rằng chúng ta đang thực sự cần những xét nghiệm như vậy. Và chúng tôi hy vọng phương pháp của mình, hoặc một xét nghiệm tương tự, có thể giúp giảm tải tình trạng sử dụng kháng sinh một cách “điên loạn” như hiện nay”, Sweeney nói.
Tham khảo Livescience, Time
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng